Xét nghiệm GBS (Liên cầu khuẩn nhóm B) - Xét nghiệm quan trọng trong thai kỳ


CN Võ Thị Đoàn Trang, CN Nguyễn Phúc Duy, KTV Huỳnh Ngọc Tiên, KTV Nguyễn Hồng Trinh

 

https://lh3.googleusercontent.com/-UZPzhaPnV4w/V3xmowlAekI/AAAAAAAAK_s/6bhkNFFiA8UAB3OgJdA4IHf3RluIbe4LQCCo/s800/image002.jpg

 

GBS LÀ GÌ?

Liên cầu nhóm B (Group B streptococcus – GBS ) là tên gọi của một loại vi khuẩn thường trú. GBS được tìm thấy ở đoạn cuối ruột non của 15-40% phụ nữ khỏe mạnh và ở đường âm đạo hoặc trực tràng của 10-30% thai phụ.


GBS ĐỐI VỚI THAI PHỤ?

Bình thường, hầu hết phụ nữ mang thai bị nhiễm GBS rất ít biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, việc nhiễm GBS có thể gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, vỡ màng ối, viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ, thai chết và sanh non.


GBS ĐỐI VỚI TRẺ SƠ SINH?

https://lh3.googleusercontent.com/-ddmPNuW4E2M/V3xmo_xuaII/AAAAAAAAK_s/ZxOqG8Vx9sstATVtP3KIynRQF76cIDG9ACCo/s800/image004.jpg

GBS được xem là tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng sơ sinh. Trẻ sơ sinh nhiễm GBS được phân thành hai nhóm: khởi phát sớm và khởi phát muộn.

Nhiễm khuẩn khởi phát sớm (EOD - early onset diseases): xảy ra trong 7 ngày đầu sau sinh. Triệu chứng của nhiễm GBS khởi phát sớm ở trẻ thường đa dạng, không điển hình và có tỷ lệ tử vong cao bao gồm: suy hô hấp, ngưng thở, lơ mơ, hạ huyết áp hoặc những dấu hiệu khác của nhiễm trùng huyết trong 24-48h đầu sau sinh. Các hội chứng lâm sàng thường gặp nhất của nhiễm GBS khởi phát sớm là viêm phổi, nhiễm trùng huyết và ít gặp hơn là viêm màng não.

Nhiễm khuẩn khởi phát muộn (LOD – late onset diseases): xảy ra ở những trẻ từ 7 đến 90 ngày tuổi, trung bình là 3 đến 4 tuần tuổi. Vi khuẩn có thể được lây trong quá trình sinh nở (tương tự EOD) hay trong quá trình tiếp xúc với mẹ sau này, do sữa mẹ nhiễm GBS hay mẹ bị viêm tuyến vú do GBS. Tỷ lệ nhiễm trùng sơ sinh muộn do GBS là 0.42/1000 ca sinh sống. Viêm màng não là thể bệnh thường gặp nhất ở trẻ LOD do GBS.


BIẾN CHỨNG DO GBS?

Nhiễm GBS có thể diễn tiến nghiêm trọng và đôi khi dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Mẹ bị nhiễm GBS có thể gây tử vong cho trẻ do nhiễm trùng sơ sinh nặng. Nó cũng có thể gây tử vong mẹ mặc dù rất ít khi xảy ra, bằng cách gây ra nhiễm trùng đường sinh dục trên cuối cùng tiến đến nhiễm trùng huyết. Đối với cả hai thể khởi phát sớm và muộn do GBS, đặc biệt là những trẻ có bệnh viêm màng não có thể để lại những hậu quả lâu dài như điếc, chậm phát triển trí tuệ, tâm thần, vận động...


XÉT NGHIỆM GBS KHI NÀO?

Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã khuyến cáo tầm soát thường quy dịch âm đạo strep B cho tất cả phụ nữ mang thai. Xét nghiệm này được tiến hành từ tuần thứ 35 và thứ 37 của thai kỳ. Nghiên cứu cho thấy rằng việc kiểm tra thực hiện trong vòng 5 tuần trước sinh là chính xác nhất trong việc dự đoán tình trạng nhiễm GBS khi sinh.


XÉT NGHIỆM ĐƯỢC TIẾN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Bác sĩ chuyên khoa lấy mẫu quệt âm đạo, trực tràng và gửi ngay đến phòng xét nghiệm. Với phương pháp cấy GBS truyền thống, xét nghiệm cho kết quả sau 4-5 ngày nuôi cấy.
Ngoài ra, Khoa xét nghiệm còn triển khai xét nghiệm GBS Real-Time PCR một xét nghiệm sinh học phân tử hiện đại có ưu điểm độ nhạy cao và thời gian trả kết quả ngắn (chỉ 48h ). Đây là xét nghiệm hứa hẹn thay thế phương pháp nuôi cấy truyền thống.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Khảo Sát Tỷ Lệ Nhiễm Streptococcus Group B Và Sự Đề Kháng Kháng Sinh Của Streptococcus Group B Ở Các Thai Phụ Mang Thai 35-37 Tuần Đến Khám Tại Bệnh Viện Đại Học Y Dược Cần Thơ Và Bệnh Viện Phụ Sản Cần Thơ, Phạm Thị Diễm Kiều - Trần Thị Như Lê (2015).

Wildcard SSL