VIÊM GAN B Ở THAI KỲ

  • Viêm gan B là một bệnh do virus tấn công gan gây ra bệnh viêm gan cấp và mạn tính, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
  • Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2019, khoảng 296 triệu người đang sống với bệnh viêm gan B mãn tính và 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Vào năm 2019, ước tính bệnh viêm gan B đã dẫn đến khoảng 820 000 ca tử vong, chủ yếu là do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
  • Nếu thai phụ bị viêm gan B có thể sẽ có những ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

 

1. Các con đường lây truyền của HBV (vi rút viêm gan B)

- Phần lớn người trưởng thành bị nhiễm HBV, có thể tự loại trừ virus dễ dàng. Tuy nhiên, một số người trưởng thành, trong đó có phụ nữ mang thai và hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh không thể tự loại bỏ virus này ra khỏi cơ thể nếu không được điều trị, và sẽ mang virus kéo dài trong cơ thể dẫn đến các biến chứng nặng nếu không được điều trị và theo dõi phù hợp.

- Virus viêm gan B có thể lây truyền theo các con đường sau:

  • Lây nhiễm từ mẹ sang con.
  • Lây truyền qua đường tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương.
  • Lây truyền qua đường tiêm chích và truyền máu không an toàn.
  • Lây truyền trong khi quan hệ tình dục không an toàn.

- Trong các đường lây truyền trên thì trẻ em chủ yếu bị nhiễm HBV từ mẹ

 

2. Viêm gan B có ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và thai nhi?

a. Lây nhiễm từ mẹ sang con

Khoảng 90% thai phụ viêm gan B cấp tính và 10-20% trường hợp mắc viêm gan B mạn tính sẽ lây truyền virus sang con. Tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm còn tùy vào từng trường hợp:

- Nếu thai phụ bị viêm gan B thì tỷ lệ lây truyền sẽ phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh:

    • Nếu thai phụ bị nhiễm virus trong giai đoạn 3 tháng đầu thì tỷ lệ mẹ truyền cho con khoảng 1%;
    • Nếu thai phụ bị nhiễm ở 3 tháng giữa thì nguy cơ thai nhi bị bệnh là 10%;
    • Nếu thai phụ bị nhiễm ở 3 tháng cuối thì khả năng đứa bé sinh ra bị viêm gan B lên tới 60 – 70%;

- Nếu Phụ nữ mang thai bị viêm gan B không được tầm soát và không có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong và sau khi sinh, thì trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao lên đến khoảng 90%. Trong số này sẽ có khoảng 50% trẻ bị viêm gan mạn tính và có thể phát triển thành xơ gan, ung thư gan khi trưởng thành;

- Khi Phụ nữ mang thai bị viêm gan B từ trước nhưng đã điều trị bệnh ở mức độ ổn định, virus dưới ngưỡng hoạt động thì thai nhi hầu như không bị lây nhiễm HBV từ mẹ;

- Trong trường hợp thai phụ bị viêm gan B từ trước khi mang thai mà chưa điều trị hoặc chữa không dứt điểm có thể khiến tình trạng bệnh trở nặng vào cuối thai kỳ (virus HBV hoạt động mạnh) thì thai nhi cũng có nguy cơ rất cao bị nhiễm bệnh từ mẹ.

b. Ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi

- HBV không truyền qua được nhau thai. Vì vậy, nó không gây ảnh hưởng nhiều cho quá trình phát triển của thai nhi như những loại virus khác. Thai phụ nhiễm HBV thì thai nhi vẫn tăng trưởng bình thường, hầu hết không bị dị tật. Chỉ khi người mẹ bị viêm gan B nặng ở 3 tháng cuối thai kỳ thì sẽ có nguy cơ sinh non. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất của người mẹ nhiễm viêm gan B chính là biết cách phòng tránh tối đa khả năng lây nhiễm cho con.

- Nhiễm HBV có thể rất nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Trẻ sơ sinh nhiễm HBV có nguy cơ cao (lên đến 90%) trở thành người mang mầm bệnh. Khi trưởng thành, khoảng 25% trường hợp sẽ có nguy cơ tử vong do xơ gan hoặc ung thư gan. Bên cạnh đó, nhiễm HBV cấp tính xảy ra sớm trong thai kỳ có liên quan đến tỉ lệ lây truyền chu sinh 10%. Tỷ lệ lây truyền tăng đáng kể nếu nhiễm trùng cấp tính xảy ra gần lúc chuyển dạ.

- Phụ nữ mang thai khi đang điều trị bằng thuốc kháng virus cần thông báo ngay cho bác sĩ để thảo luận về nguy cơ và lợi ích của việc tiếp tục điều trị, xem xét đổi thuốc điều trị thích hợp để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

c. Ảnh hưởng của viêm gan B đến thai phụ

- Phụ nữ mang thai có thể nhiễm HBV trước hoặc trong khi mang thai, nhưng phần lớn là nhiễm từ trước khi mang thai. Mặc dù ít gặp nhưng việc mang thai có sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể có thể liên quan đến các đợt bùng phát cấp tính do thay đổi tải lượng virus và nồng độ men gan.

- HBV không gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình mang thai cũng như bào thai, thai vẫn phát triển tốt và không có nguy cơ dị dạng. Quan trọng là nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi, nếu trẻ không được bảo vệ ngay sau khi sinh thì 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

3. Phụ nữ mang thai bị viêm gan B được điều trị và theo dõi như thế nào?

- Đối với phụ nữ mang thai có mắc viêm gan B, cần đánh giá các tiêu chuẩn điều trị.

+ Nếu đủ tiêu chuẩn (tiêu chuẩn như phụ nữ không mang thai): điều trị bằng thuốc kháng virus TDF và theo dõi lâm sàng, men gan mỗi 2-4 tuần cho đến khi sinh và tiếp tục sau khi sinh.

+ Nếu không đủ tiêu chuẩn: Thai phụ cần được khám và xét nghiệm theo dõi men gan mỗi 4 tuần. Đến khi thai được 24-28 tuần, sẽ làm đo tải lượng HBV DNA trong máu (đếm nồng độ virus HBV trong máu) để đánh giá có cần sử dụng thuốc để điều trị dự phòng lây nhiễm HBV từ mẹ sang con hay không

+ Nếu đủ tiêu chuẩn dự phòng lầy truyền mẹ con (tải lượng HBV DNA ≥ 200.000 UI/mL), thai phụ được dùng thuốc kháng virus (TDF) mỗi ngày, thường bắt đầu khi thai được 24 tuần, muộn thì nên dùng thuốc trước khi sanh ít nhất 4 tuần dùng liên tục đến 4-12 tuần sau sinh. Trong quá trình dùng thuốc, thai phụ được theo dõi gồm triệu chứng lâm sàng, AST, ALT mỗi 4 - 12 tuần, tải lượng HBV DNA trong vòng 24 tuần sau sinh để phát hiện VGVR B bùng phát.

Tất cả bé được sinh ra từ mẹ bị nhiễm HBV, trong vòng 24 giờ sau sinh, bé sẽ được tiêm liều vaccine viêm gan B đầu tiên và một mũi globulin miễn dịch viêm gan B. Các liều tiếp theo của vaccine viêm gan B sẽ được tiêm cho bé theo lịch Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Sau khi hoàn thành loạt chủng ngừa nói trên, bé sẽ được xét nghiệm để kiểm tra có nhiễm HBV hay không khi bé được 12 tháng tuổi trở đi.

Trong thời gian mang thai, thai phụ cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì viêm gan B sẽ khiến thai phụ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi nên cần nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc và lao động căng thẳng hay áp lực.

 

4. Thai phụ viêm gan B có cho con bú được không?

Cực kỳ hiếm các trường hợp trẻ bị nhiễm HBV trong thời gian bú mẹ. Mặc dù đã phát hiện HBV trong sữa non của bà mẹ nhiễm HBV nhưng với nồng độ rất thấp, vì vậy khả năng lây nhiễm qua sữa mẹ cũng rất thấp.

Các trường hợp bị nhiễm trong giai đoạn này có thể do các vấn đề tổn thương đầu vú của mẹ, tổn thương miệng của trẻ, huyết thanh chứa HBV tiếp xúc với máu của trẻ khi trẻ bú trực tiếp. Vì vậy các bà mẹ bị viêm gan B mạn cho con bú cần phải tập chăm sóc phòng ngừa chảy máu khi nứt núm vú bằng cách cho trẻ bú đúng cách và giữ gìn vệ sinh đầu vú trước và sau khi trẻ bú.

Tổng đài 1900 54 54 66 (ấn phím 3) luôn sẵn lòng hỗ trợ quý gia đình các thông tin cần thiết.

 

Wildcard SSL