VẮC-XIN PHÒNG COVID-19 TRONG THAI KỲ & NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

BS. Trần Quốc Huy, BS điều trị Khoa Cấp cứu Sản-Phòng sanh, BVQT Phương Châu

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là câu chuyện bảo vệ sức khỏe quan trọng trong thời điểm này. Đó cũng là chủ đề mang lại nhiều đắn đo, trăn trở cho phần lớn các thai phụ và gia đình. Các bác sĩ chuyên khoa Phương Châu đã liên tục tìm hiểu, cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy để giải đáp lo lắng cho khách hàng của mình.

* Những lợi ích cho trẻ khi mẹ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong thai kỳ là gì?

Phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao bị thai lưu hoặc sinh non. Em bé của thai phụ nhiễm Covid-19 có vẻ như dễ bị suy thai trong quá trình chuyển dạ, hoặc có nguy cơ cần chăm sóc đặc biệt. Tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 trong thai kỳ có thể giảm nguy cơ sinh non khi nó ngăn ngừa được nhiễm Covid-19 ở mẹ.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các kháng thể tạo bởi vắc-xin phòng Covid-19 có thể qua được nhau thai, đặc biệt ở những người được tiêm chủng sớm và được tiêm 2 liều trước khi mang thai. Những kháng thể được truyền qua thai nhi có thể bảo vệ trẻ sau sinh khỏi Covid-19 trong vài tháng đầu đời, mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu.

* Có thể tiêm liều đầu trong thai kỳ và tạm hoãn liều thứ 2 không?

Tiêm 1 liều vắc-xin chỉ bảo vệ được một phần chống lại Covid-19, cần phải tiêm đủ 2 liều để tối ưu hóa khả năng bảo vệ của vắc-xin, kể cả chủng Delta. Tiêm 1 liều không làm tăng khả năng bảo vệ trước nhiễm Covid-19, nhưng vẫn có thể giảm nguy cơ bệnh nặng.

* Mẹ bầu có thể tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 cùng lúc với vắc-xin Cúm hoặc Ho gà… không?

Thông thường, khuyến cáo không nên sử dụng đồng thời vắc-xin Covid-19 và các vắc-xin khác. Khoảng thời gian tối thiểu có thể tiêm vắc-xin Covid-19 với các vắc-xin khác là cách nhau 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng thời gian này có thể rút ngắn trong trường hợp đặc biệt và cần theo chỉ định của bác sĩ (ví dụ: vết thương có nguy cơ cao bị uốn ván…)

* Những nguy cơ của nhiễm Covid-19 đối với phụ nữ mang thai là gì?

Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có nguy cơ gặp các biến chứng cao hơn so với phụ nữ không mang thai nhiễm Covid-19 ở cùng độ tuổi.

Các nguy cơ này bao gồm:

- Tăng gấp 5 lần nguy cơ nhập viện

- Tăng gấp 2 - 3 lần nguy cơ cần phải nhập khoa hồi sức

- Tăng gấp 3 lần nguy cơ phải thở xâm lấn

Nhiễm Covid-19 trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ biến chứng cho trẻ sơ sinh, bao gồm:

- Tăng nguy cơ sanh non khoảng 1,5 lần (sinh trước tuần lễ thứ 37 của thai kỳ)

- Tăng gấp 3 lần nguy cơ trẻ sơ sinh cần phải nhập viện điều trị

Thai phụ có nguy cơ mắc những biến chứng nặng của Covid-19 khi có thêm các tình trạng sau đây:

- Tuổi lớn hơn 35

- Thừa cân, béo phì (chỉ số khối cơ thể ≥ 30kg/m2)

- Tăng huyết áp trước khi mang thai

- Đái tháo đường trước khi mang thai (đái tháo đường Type 1, Type 2)

* Tài liệu tham khảo:

- Magnus MC, Oakley L, Gjessing HK, et al. Pregnancy and risk of COVID-19. medRxiv. March 2021:2021.03.22.21254090. doi:10.1101/2021.03.22.21254090

- Allotey J, Stallings E, Bonet M, et al. Clinical manifestations, risk factors, and maternal and perinatal outcomes of coronavirus disease 2019 in pregnancy: Living systematic review and meta-analysis. BMJ. 2020;370:3320. doi:10.1136/bmj.m3320.

- Zambrano LD, Ellington S, Strid P, et al. Update: Characteristics of Symptomatic Women of Reproductive Age with Laboratory-Confirmed SARS-CoV-2 Infection by Pregnancy Status — United States, January 22–October 3, 2020. MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2020;69(44):1641-1647. doi:10.15585/mmwr.mm6944e3.

Wildcard SSL