TRẺ CHẬM TĂNG TRƯỞNG CHIỀU CAO: ĐỊNH NGHĨA, CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. CKI. Nguyễn Ngọc Vi Thư – Bác sĩ khám và điều trị khoa Nhi, BVQT Phương Châu

Con yêu cao lớn, khỏe mạnh, phát triển toàn diện là điều mà bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, có một số trường hợp ba mẹ nhận thấy con của mình không tăng trưởng chiều cao hoặc có những dấu hiệu thấp bé hơn bạn bè đồng trang lứa. Hãy cùng bác sĩ Nhi khoa Phương Châu tìm hiểu về tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ cũng như cách nhận biết và phương pháp điều trị thông qua bài viết dưới đây nhé.
 

1. Chậm tăng trưởng chiều cao là gì? Nguyên nhân do đâu?

Bác sĩ Nhi khoa Phương Châu đang đánh giá kết quả chụp X - quang của bé chậm tăng trưởng

Khi trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi như quy định sẽ được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. 

Chậm tăng trưởng chiều cao khi tốc độ phát triển chiều cao thấp hoặc biểu đồ tăng trưởng đi xuống hơn 2 đường bách phân vị theo tuổi và giới.

   - Thấp khi chiều cao < -2SD (có nghĩa là chiều cao cùa một cá nhân thấp hơn 2 độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình chiều cao của nhóm cùng độ tuổi và giới tính) hoặc < 2,3 bách phân vị (có nghĩa là chiều cao của một cá nhân thấp hơn 2,3% so với nhóm cùng độ tuổi và giới tính)

   - Lùn khi chiều cao < -3SD theo tuổi (có nghĩa là chiều cao của một cá nhân thấp hơn 3 độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình chiều cao của nhóm cùng độ tuổi)

   - Thiếu hormon tăng trưởng là một trong những nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao, tỷ lệ mắc phải là 1/4000 đến 1/10000. 

Nguyên nhân của của thiếu hormon tăng trưởng có thể do bẩm sinh như: không có tuyến yên bẩm sinh, khiếm khuyết đường giữa, đột biến gen… hoặc trong quá trình phát triển bé gặp phải các tình trạng bệnh sau: nhiễm trùng, chấn thương, u não, xạ trị, hóa trị,..

2. Khi nào trẻ cần khám và sàng lọc chậm tăng trưởng?

- Trẻ chậm tăng chiều cao:

+ Trẻ 2-4 tuổi: tốc độ tăng trưởng chiều cao < 5,5cm/năm

+ Trẻ 4-6 tuổi: tốc độ tăng trưởng chiều cao < 5cm/năm

+ Trẻ > 6 tuổi: tốc độ tăng trưởng chiều cao < 4cm/năm đối với bé trai và < 4,5cm/năm đối với bé gái.

- Những trẻ có chiều cao < -2,5SD theo tuổi, giới và chủng tộc

- Trẻ có chiều cao từ -2,5SD đến -2SD kết hợp với chậm tăng trưởng (tốc độ tăng trưởng chiều cao < -2SD theo tuổi).

- Trẻ có chiều cao > -2SD nhưng tốc độ tăng trưởng chiều cao < -2SD hơn 1 năm hoặc < -1,5SD hơn 2 năm.

3. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng sẽ có biểu hiện như thế nào?

- Tốc độ tăng trưởng chậm: Trẻ phát triển chiều cao chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Điều này có thể thấy rõ qua biểu đồ tăng trưởng khi trẻ không đạt được các mốc chiều cao trung bình theo lứa tuổi.

- Mập phì vùng bụng: Trẻ có xu hướng tích tụ mỡ nhiều ở vùng bụng, dẫn đến béo phì bụng, trong khi các phần cơ thể khác có thể không bị ảnh hưởng nhiều.

- Khối cơ giảm: Trẻ thiếu hormone tăng trưởng thường có khối lượng cơ ít, dẫn đến cơ thể yếu ớt và thiếu sức mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tham gia các hoạt động thể chất.

- Cơ quan sinh dục ngoài nhi hóa: Ở bé trai, dương vật và tinh hoàn có thể không phát triển đầy đủ. Ở bé gái, âm đạo và các cơ quan sinh dục ngoài khác cũng có thể nhỏ hơn so với bình thường.

- Chậm dậy thì: Trẻ thường có dấu hiệu dậy thì muộn hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Các đặc điểm dậy thì như phát triển ngực ở bé gái hay giọng nói trầm ở bé trai không xuất hiện đúng thời điểm.

- Đường huyết lúc đói thường thấp, có thể kèm theo các triệu chứng của suy tuyến yên: Trẻ có thể gặp tình trạng hạ đường huyết lúc đói, đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, yếu ớt, chóng mặt, và trong một số trường hợp, có thể kèm theo các triệu chứng của suy tuyến yên như mệt mỏi toàn thân, suy nhược và da khô.

4. Bệnh thiếu hormon tăng trưởng được chẩn đoán như thế nào?

- Khi bố mẹ nghi ngờ trẻ có tình trạng tăng trưởng nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ xác định trẻ có chậm tăng trưởng không và tìm nguyên nhân chậm tăng trưởng.

- Tại lần thăm khám đầu, trẻ sẽ được các bác sĩ hỏi bệnh, thăm khám để đánh giá tình trạng tăng trưởng, các biểu hiện ngoại hình, sự phân bố các phần của cơ thể, tình trạng dậy thì, các bệnh lý mạn tính, nội tiết và thực hiện các cận lâm sàng giúp sàng lọc và chẩn đoán bệnh. Trẻ cần tạm nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm máu.

5. Thiếu hormon tăng trưởng được điều trị thế nào?

Trường hợp trẻ bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trường đang được điều trị tại Nhi khoa Phương Châu

- Những trẻ thiếu hormon tăng trưởng nên được điều trị càng sớm càng tốt. Hormone tăng trưởng được khuyến cáo tiêm hàng ngày, dưới da, trước khi ngủ.

- Việc điều trị bằng hormon tăng trưởng giúp thúc đẩy tăng trưởng, bắt kịp chiều cao bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện vấn đề cơ xương, tình trạng rối loạn lipid máu và sức khỏe tim mạch.

Ba mẹ đặt lịch hẹn khám qua Hotline đặt lịch khám 0907 939 346 hoặc link đăng kí: 👉 https://bit.ly/PCDatlichkham

☎️ Tổng đài Phương Châu: 1900 54 54 66 (Hỗ trợ 24/7) sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.

Tài liệu tham khảo

1.https://www.endocrine.org/patient-engagement/endocrine-library/growth-hormone-deficiency

2.Ken CJ, Yuen MD, FRCP,FACE, Beverly MK Biller MD, FACP, Sally Radovick MD, John D Carmichael MD, Sina Jasim MD, MPH, Kevin M.Pantalone DO, FACE, ECNU, Andrew R.Hofman MD (2019), “American Association of Clinical Endocrinologists and American College of Endocrinology Guidelines for Management of Growth Hormone Deficiency in Adults and Patients Transitioning from Pediatric to Adult Care”, 25(11),pp. 1191 – 1232, DOI:https://doi.org/10.4158/GL-2019-0405

3. Phác đồ nhi đồng 1 năm 2023

Wildcard SSL