TỔNG QUAN VỀ GIÁM SÁT CÁC MỐC PHÁT TRIỂN Ở TRẺ EM VÀ TRẺ NHỎ

Khiếm khuyết phát triển ở trẻ em là tình trạng rối loạn hoặc chậm phát triển về ngôn ngữ, giao tiếp, vận động, cảm xúc, hành vi hoặc nặng hơn là tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ,...

Theo thống kê tại một số nước, tỷ lệ trẻ em bị rối loạn cảm xúc, hành vi ở bất kỳ thời điểm nào, chiếm khoảng 11% – 20%, phổ biến hơn ở nhóm tuổi 2 – 5 tuổi, tức nhóm tuổi trước khi đi học. Rối loạn phát triển và hành vi ngày nay được đánh giá nằm trong nhóm 5 bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em.

Do sự phổ biến của tình trạng chậm phát triển và khiếm khuyết phát triển, từ năm 2006, Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng mỗi bác sĩ nhi khoa tổng quát cần thực hiện việc giám sát, sàng lọc để xác định trẻ có vấn đề về phát triển và hướng dẫn cho gia đình cách chăm sóc trẻ.

Mỗi lần thăm khám trẻ bệnh hoặc thời điểm trẻ đến tiêm chủng, cần tiến hành giám sát và/ hoặc sàng lọc, giúp phát hiện sớm và tư vấn gia đình can thiệp kịp thời. Nguy cơ khiếm khuyết phát triển cao ở các nhóm trẻ: trẻ sinh non, bệnh mãn tính, trẻ ít thời gian tương tác với bố mẹ hoặc người thân, tiếp xúc sớm với phương tiện nghe nhìn, và môi trường sống không thuận lợi…

Việc đánh giá các vấn đề khiếm khuyết ở trẻ cần có sự phối hợp tốt của gia đình để qua đó bác sĩ nhi khoa đánh giá các vấn đề đó trong bối cảnh tổng thể và các yếu tố liên quan. Và việc đánh giá nên được thực hiện trong suốt thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên

1. Những số liệu đáng quan tâm (*)

- Cứ 6 trẻ em từ 3 – 17 tuổi thì có 1 trẻ bị khiếm khuyết phát triển, tình trạng ảnh hưởng đến cách trẻ chơi, học tập, ngôn ngữ, hành vi, tương tác hoặc vận động.

- Nhiều trẻ khiếm khuyết phát triển không được phát hiện cho đến tuổi đi học.

- Tại Việt Nam chưa có số liệu chính xác, nhưng rất ít trẻ được giám sát để nhận diện các vấn đề về khiếm khuyết phát triển.

- Nhiều nghiên cứu tại các nước cho thấy, một tỷ lệ lớn trẻ dưới 3 tuổi cần được can thiệp sớm chậm phát triển hoặc hành vi, nhưng thực tế chỉ dưới 5% tiếp cận các dịch vụ chăm sóc này.

- Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ từ 3 – 17 tuổi được xác định rối loạn phát triển tăng từ 16,2% trong giai đoạn từ 2009 – 20011 lên 17,8% trong giai đoạn từ 2015 – 2017. Cụ thế các khuyết tật phát triền có xu hướng ngày càng tăng như: Tăng động giảm chú ý (8,5% lên 9,5%), Rối loạn phổ tự kỷ (từ 1,1% lên 2,5%), Khuyết tật trí tuệ (0,9% lên 1,2%). Sau đại dịch Covid -19, tỷ lệ các rối loạn phát triển này càng tăng hơn.

(*) AAP Policies and Clinical Reports (2022). Developmental Surveillance & Screening Patient Care Overview

2. Bệnh viện Quốc Tế Phương Châu là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai Chương Trình Giám sát phát triển kết hợp với các thời điểm trẻ đến tiêm chủng hoặc khám bệnh. Có nhiều vấn đề có thể ba mẹ không biết rằng con bị chậm phát triển so với giai đoạn và độ tuổi.

- Giám sát phát triển là một cách thức quan trọng để bác sĩ nhi khoa tổng quát nhận biết trẻ có nguy cơ khiếm khuyết phát triển. Việc này nên được thực hiện trong những lần thăm khám sức khỏe, khám bệnh hoặc tiêm chủng. Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến nghị các bác sĩ nhi khoa tổng quát nên thực hiện giám sát và đánh giá các mốc phát triển của trẻ có phù hợp hay không, từ đó khuyến nghị gia đình cách chăm sóc và theo dõi. Việc giám sát và đánh giá nên thực hiện trước khi trẻ đi học. Các nguồn tài liệu hoặc bảng kiểm nên tích hợp vào các thủ tục tại phòng khám. Việc giám sát phát triển nên được đánh giá một cách tổng thể qua tìm hiểu tiền sử bệnh, cách chăm sóc, hoàn cảnh gia đình, xã hội…

Thường trong năm đầu tiên, khiếm khuyết phát triển liên quan đến vận động thô và vận động tinh của bàn tay. Ví dụ: 2 tháng chưa biết giữ vững cổ ở tư thế nằm sấp - tummy time; 4 tháng mà chậm lật hoặc chưa giữ vững đầu…

Sau 12 tháng sẽ lưu ý đến các vấn đề về giao tiếp, ngôn ngữ, cảm xúc và hành vi như: chậm giao tiếp, chậm phát âm, chậm nói hoặc biểu lộ cảm xúc hoặc hành vi bất thường.

- Các mốc giám sát phát triển: tuần đầu sau sinh, 1 tháng tuổi, 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng tuổi, 9 tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 2 tuổi, 2,5 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi, 5 & 6 tuổi, 7 & 8 tuổi, 11 đến 14 tuổi. Có 6 công việc cần thực hiện trong mỗi lần thăm khám và giám sát phát triển

+ Khơi gợi mối quan tâm của ba mẹ

+ Ghi nhận lịch sử phát triển của trẻ

+ Quan sát trẻ

+ Nhận diện các yếu tố nguy cơ, yếu tố tích cực

+ Lưu trữ hồ sơ

+ Chia sẻ cho gia đình và hỏi thêm thông tin

Bệnh viện Quốc Tế Phương Châu thực hiện chương trình khám, giám sát các mốc phát triển của trẻ em và trẻ nhỏ, từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi dậy thì theo hướng dẫn của Chương trình Bright Future phiên bản 4, của Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ.

Gói khám giám sát cũng được thực hiện trong các lần trẻ đến tiêm chủng theo hẹn. Qua chương trình giám sát mốc phát triển, bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình theo dõi các vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, sức khỏe răng miệng, và những vấn đề khác như: giao tiếp, hành vi, tương tác xã hội, vận động thô và vận động tinh, và giúp trẻ phát triển bắt kịp theo giai đoạn và độ tuổi. 

Khi gia đình hoặc bác sĩ phát hiện trẻ có các bất thường về phát triển và hành vi đáng lo ngại, sẽ dùng các công cụ sàng lọc đơn giản hoặc chuyển đến chuyên gia tâm lý, vật lý trị liệu hoặc nhi khoa phát triển để thực hiện các công cụ sàng lọc chuyên biệt.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.

Wildcard SSL