TINH HOÀN ẨN & CÂU CHUYỆN THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM TRAI

BS.CKI. Hồ Thanh Út

TINH HOÀN ẨN LÀ GÌ? BỆNH CÓ THƯỜNG GẶP KHÔNG?

Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn nằm ở đâu đó trên đường đi xuống bình thường từ hố thận đến bìu nhưng không ở trong bìu.

Tinh hoàn ẩn là một bất thường cơ quan sinh dục thường gặp ở trẻ em, bệnh xảy ra khoảng 2 - 4% trẻ sinh đủ tháng, 21% trẻ sinh thiếu tháng. Đến 1 tuổi, chỉ còn khoảng 1%. Trường hợp tinh hoàn ẩn xảy ra 2 bên có tỷ lệ khoảng 10%.

LÀM SAO ĐỂ PHÁT HIỆN BÉ TRAI BỊ TINH HOÀN ẨN?

Thông thường người nhà, ba mẹ có thể tự phát hiện bé không có tinh hoàn ở bìu từ lúc sinh ra.

- Khám: không có tinh hoàn ở dưới bìu, nhận thấy bìu bên tinh hoàn ẩn không phát triển.

- Sờ: tinh hoàn nằm trong ống bẹn khoảng 80%, 20% sờ không có tinh hoàn nằm trong ống bẹn (tinh hoàn nằm trong ổ bụng hoặc không có tinh hoàn).

- Siêu âm: phát hiện tinh hoàn ẩn trong ống bẹn, trường hợp sờ không có trong ống bẹn, siêu âm phát hiện tinh hoàn ẩn trong ổ bụng khoảng 60%, lúc này cần nội soi ổ bụng để chẩn đoán và điều trị.

KHI NÀO CẦN PHẪU THUẬT? PHẪU THUẬT VỚI PHƯƠNG PHÁP NÀO KHI ĐÃ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC BỆNH?

Như đã trình bày ở trên: trẻ sinh đủ tháng có 2 - 4% bị tinh hoàn ẩn và trẻ sinh thiếu tháng có 21% bị bệnh này. Tuy nhiên, trẻ sau khi sinh, tinh hoàn có thể tiếp tục di chuyển xuống bìu đến 1 tuổi, tỷ lệ gặp phải chỉ còn 1%. Tới thời điểm này, tinh hoàn không di chuyển xuống bìu nữa. Do vậy, bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu từ sau 01 tuổi.

Một lưu ý quan trọng, việc chỉ định mổ càng sớm càng tốt bởi mổ trễ thì khả năng sinh tinh của tinh hoàn càng giảm, thậm chí còn ngừng sinh tinh.

Phương pháp mổ:

- 80% tinh hoàn nằm trong ống bẹn được thực hiện: hạ tinh hoàn xuống bìu qua đường mổ bẹn.

- 20% sờ không chạm tinh hoàn: phẫu thuật nội soi ổ bụng để chẩn đoán và điều trị hạ tinh hoàn xuống bìu.

TINH HOÀN ẨN ĐỂ LẠI NHỮNG NGUY CƠ GÌ?

* Ung thư (K) tinh hoàn:

- Người bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ K tinh hoàn cao gấp 10 lần so với những người có tinh hoàn nằm ở bìu (cứ khoảng 2500 người tinh hoàn ẩn có 1 người bị K tinh hoàn).

- Phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu không làm giảm nguy cơ K nhưng tạo thuận lợi để khám tinh hoàn, phát hiện sớm K (nếu có) và xử trí kịp thời.

* Vô sinh:

Các bằng chứng mô học cho thấy tinh hoàn giảm sinh tinh sau 1 tuổi, các ống sinh tinh giảm đường kính, giảm số tế bào mầm sinh tinh… Sau 1 tuổi, người bệnh cần được mổ càng sớm càng tốt vì có khoảng 90% bệnh nhân tinh hoàn ẩn 2 bên bị vô tinh thì không thể có thai tự nhiên được.

Wildcard SSL