Tìm hiểu về DÂY RỐN BÁM MÉP BÁNH NHAU (DÂY RỐN BÁM RÌA BÁNH NHAU)

ThS.BS.LƯƠNG NGỌC BÍCH, Chuyên khoa Sản Phụ khoa, Tập Đoàn Y Tế Phương Châu

Với sự tiến bộ về kỹ thuật siêu âm của Bs chẩn đoán hình ảnh và các thông số của máy siêu âm ngày càng cải tiến thì hiện nay tên gọi DÂY RỐN BÁM RÌA BÁNH NHAU- DÂY RỐN BÁM MÉP/ MÀNG BÁNH NHAU không còn xa lạ với Bs Sản khoa cũng như một số thai phụ.

Dây rốn bám mép/màng bánh nhau chiếm tỷ lệ 1% trong đơn thai và 9% trong song thai. Chúng ta cùng tìm hiểu  vài thông tin hữu ích của chủ đề này.

1. DÂY RỐN BÁM MÀNG HAY BÁM MÉP LÀ GÌ?

Dây rốn bám màng (Velamentous Cord Insertion) là tình trạng dây rốn nằm không đúng trung tâm của bánh nhau mà bám lệch sang rìa màng nhau hoặc màng ối làm cho việc hấp thu oxy và chất dinh dưỡng của thai nhi bị hạn chế. Do đó thai kỳ có dây rốn bám mép/ bám rìa bánh nhau thường có rủi ro sanh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung và nặng nề hơn có thể gây ra tình trạng thai chết lưu.

2. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ:

- Mẹ lớn tuổi

- Thụ tinh ống nghiệm

- Đái tháo đường thai kỳ

- Nhau tiền đạo/ mạch máu tiền đạo

- Thói quen hút thuốc lá

ẢNH HƯỞNG CỦA DÂY RỐN BÁM MÉP/BÁM RÌA BÁNH NHAU:

* Ảnh hưởng trên thai phụ:

- Vỡ mạch máu dây rốn: dây rốn bám mép/ bám rìa bánh nhau có thể khiến các mạch máu dây rốn không được bảo vệ, nguy cơ bị vỡ rất cao.

- Chảy máu nhiều khi chuyển dạ

- Tăng tỷ lệ mổ lấy thai: Dây rốn bám mép/ bám rìa bánh nhau rất nguy hiểm khi có cơn gò chuyển dạ vì sẽ dễ xảy ra tình trạng đứt dây rốn, vỡ màng ối (ngay chỗ tiếp nối bánh nhau và dây rốn) do đó lựa chọn an toàn nhất cho thai phụ và thai nhi là mổ lấy thai.

* Ảnh hưởng trên thai nhi:

- Khi có tình trạng dây rốn bám mép/ bám màng bánh nhau thì khả năng hấp thu máu từ mẹ sang con qua dây rốn chiếm tối đa 30% nên nguy cơ cao thai kỳ sẽ bị thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai nhẹ cân so với tuổi thai.

- Tăng nguy cơ thai sanh non.

- Tăng nguy cơ thai chết lưu.

- Sau sanh tăng nguy cơ chỉ số Apgar thấp cần can thiệp hồi sức sơ sinh.

3. CÓ THỂ NGĂN NGỪA DÂY RỐN BÁM MÀNG HAY KHÔNG?

Dây rốn bám mép/bám rìa bánh nhau không dự phòng được mà phải được theo dõi sát vì nguyên nhân của dây rốn bám không đúng vị trí chưa xác định được. Để hạn chế tối đa tình trạng xấu có thể xảy ra cho thai nhi thì thai phụ nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ để được siêu âm phát hiện sớm các bất thường của thai cũng như phần phụ của thai (dây rốn, bánh nhau, nước ối).

Trong trường hợp không may thai phụ được ghi nhận có dây rốn bám mép/ bám màng bánh nhau thì thai phụ sẽ được theo dõi sát và lịch khám gần hơn những thai kỳ bình thường khác.

4. PHÁT HIỆN DÂY RỐN BÁM MÉP/ BÁM RÌA BÁNH NHAU BẰNG CÁCH NÀO?

Việc phát hiện dây rốn bám mép/ bám rìa bánh nhau sẽ giúp bác sĩ theo dõi sát thai kỳ và có kế hoạch chấm dứt thai kỳ đúng thời điểm.

Chẩn đoán dây rốn bám mép/ bám rìa bánh nhau sẽ dựa vào siêu âm thai- nhau-dây rốn và dễ quan sát nhất ở 3 tháng giữa của thai kỳ.Trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ quan sát thấy bất thường của nơi nối nhau giữa dây rốn và bánh nhau.

Dây rốn bám mép/ bám rìa bánh nhau không có biểu hiện lâm sàng gì đặc biệt so với thai kỳ bình thường khác nhưng nếu có xảy ra biểu hiện chảy máu bất thường âm đạo hoặc tim thai thay đổi thì thai kỳ đã rơi vào tình trạng cấp cứu và rủi ro thai chết lưu rất cao.

5. XỬ TRÍ DÂY RỐN BÁM MÉP/ BÁM RÌA BÁNH NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Tuỳ thuộc vào tuổi thai mà có hướng xử trí khác nhau và cân nhắc tình trạng sức khoẻ thai nhi.

Với thai kỳ được đánh giá khi thai nhi ra khỏi bụng mẹ không thể nuôi được thì việc theo dõi tiếp được đặt ra và cần theo dõi chặt chẽ dưới siêu âm Doppler.

Tuổi thai lý tưởng nhất để có thể chấm dứt thai kỳ bằng mổ lấy thai (có hỗ trợ phổi trước đó) là khi thai kỳ ở tuần thứ 37.

* LƯU Ý & LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ CHUYÊN KHOA: không để thai kỳ vào giai đoạn chuyển dạ vì khi có cơn gò sẽ dễ dẫn đến khả năng đứt dây rốn rất cao.

Wildcard SSL