TÌM HIỂU VỀ CHỌC ỐI CHẨN ĐOÁN TRƯỚC SINH Ở MẸ BẦU

Nước ối được hình thành cùng với sự phát triển của thai nhi, nước ối đã trở thành môi trường sống giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp môi trường phát triển, bảo vệ thai nhi ở trong bụng mẹ.

Do sự tái hấp thu nước ối của thai nhi trong quá trình mang thai qua dây rốn, màng ối, hệ tiêu hóa… khiến cho nước ối có chứa các tế bào ADN của thai nhi. Thông tin di truyền từ các tế bào ADN của thai nhi có trong nước ối tương tự như tế bào ADN của thai nhi khi được sinh ra.

Chính vì vậy, chọc ối được coi là một xét nghiệm chẩn đoán cuối cùng đối với những mẹ bầu có kết quả các phương pháp sàng lọc thường quy không xâm lấn kết luận con có nguy cơ cao.

* Thủ thuật chọc ối được hiểu tổng quan như thế nào?

Chọc ối là một thủ thuật đưa một kim nhỏ, xuyên qua thành bụng và cơ tử cung vào buồng ối để rút ra một lượng nước ối nhất định. Từ dịch ối có thể làm các xét nghiệm phát hiện các bất thường di truyền và nhiễm trùng của thai. Thai phụ có thể thực hiện chọc ối khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa trong tuần thai từ 16 trở đi

Chọc ối dưới hướng dẫn siêu âm nên đây được xem là một thủ thuật an toàn của chẩn đoán tiền sản.

* Những trường hợp nào, bác sĩ cho chỉ định chọc ối?

Đó là những trường hợp sau:

- Siêu âm ba tháng đầu độ mờ da gáy dày (> 3mm), nang bạch huyết vùng cổ

- Siêu âm hình thái bất thường như sứt môi chẻ vòm, bất thường tim, bất thường thận,..

- Xét nghiệm sàng lọc nguy cơ cao như Double test, Triple test, NIPT

- Dấu hiệu nhiễm trùng bào thai trên siêu âm (gan to, bánh nhau dày, dãn não thất,…)

- Cha mẹ mang gen thiếu máu di truyền Thalassemia

* Kỹ thuật chọc ối có những ưu điểm và nhược điểm nào?

Ưu điểm:

- Tư vấn cho thai phụ quyết định sanh con khỏe mạnh, phát triển bình thường

- Độ chính xác của chọc ối 99,9%

- Giúp phát hiện bất thường thai kỳ để chấm dứt trong giai đoạn sớm

- Phát hiện những bất thường bé có khả năng sống để có kế hoạch chăm sóc và điều trị

Nhược điểm:

- Nguy cơ sẩy thai sau chọc ối rất thấp 0,1-1 %

- Nguy cơ rỉ nước ối, chảy máu, nhiễm trùng, tuy nhiên rất thấp

- Thời gian trả kết qủa (tuỳ loại xét nghiệm có thể từ 1 đến 3 tuần)

* Quy trình thực hiện chọc ối như thế nào?

Bước 1: bác sĩ cho chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng gồm: công thức máu, sinh hóa, đông máu với kết quả trong giới hạn bình thường, các bệnh có khả năng lây truyền mẹ con. Khi toàn trạng ổn định, thai phụ sẽ được chỉ định và ký cam đoan chọc ối tại bệnh viện.

Bước 2: Bác sĩ tiến hành thủ thuật vô khuẩn chọc hút dịch ối. Nước ối sẽ được rút ra qua thành bụng bằng 1 cây kim rất nhỏ, sau đó mẫu nước ối này sẽ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Sau đó, thai phụ sẽ được siêu âm kiểm tra lại tình trạng thai nhi sau thủ thuật.

Bước 3: Theo dõi sau thủ thuật:

- Sau khi làm thủ thuật, khách hàng tiếp tục theo dõi tại bệnh viện 30 phút

- Đánh giá lại tình trạng thai phụ trước khi ra viện

Bước 4: Ra viện:

- Thai phụ được hẹn thời gian nhận kết quả và theo dõi những dấu hiệu bất thường nên đi khám sớm

- Hẹn tái khám sau chọc ối 2 tuần

* Lời khuyên của bác sĩ sau khi chọc ối:

Nên khám sớm hoặc gọi điện thoại để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn khi có dấu hiệu bất thường sau chọc ối:

- Sốt

- Đau bụng vùng hạ vị

- Ra huyết hoặc ra dịch âm đạo

- Hoặc bất kì dấu hiệu bất thường

Tuy rằng không ai mong muốn mình phải thực hiện chọc ối, nhưng với kết quả sàng lọc trước sinh nguy cơ cao thì đây là thủ thuật an toàn và có ý nghĩa quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng thai nhi. Từ đó, các kiến thức cơ bản cần biết về chọc ối sẽ giúp các gia đình an tâm hơn để đón nhận chỉ định này từ bác sĩ.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.

Wildcard SSL