TÌM HIỂU VỀ BỆNH CO THẮT TÂM VỊ

(ACHALASIA)

 

 

 

 

 

Những cơn nuốt nghẹn tưởng chừng như vô hại nhưng có thể đó là dấu hiệu của bệnh có thắt tâm vị. Cô D. (61 tuổi, Sóc Trăng) đã trải qua 3 năm khổ sở vì những cơn nuốt nghẹn hành hạ. Từ cái nghẹn cơm một chút là hết ban đầu, đến nghẹn mỗi lần uống nước. Giờ đây, ăn uống cái gì cũng nghẹn. Nghẹn đến mức đau đớn, nôn ói.

Thể trạng ngày càng tiều tụy. Cái nuốt nghẹn vẫn cứ đeo bám khiến cô D. gục ngã vì suy kiệt. Người nhà quyết định đưa cô đến Phương Châu điều trị. Sau thủ thuật nong bóng hơi mở tâm vị hẹp, cô D. dần hồi phục, ăn uống không còn vướng, không còn nôn. Cô D. đã tìm lại được cảm giác một bữa ăn ngon trọn vẹn đúng nghĩa.

Vậy bệnh co thắt tâm vị là gì? Mời các gia đình cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

*Nội dung bài viết:

1. Định nghĩa

2. Nguyên nhân gây bệnh

3. Dịch tễ

4. Triệu chứng

5. Chẩn đoán hình ảnh

6. Điều trị

1. Định nghĩa

Co thắt tâm vị là bệnh do cơ thắt thực quản dưới không còn khả năng tự mở ra khi có phản xạ nuốt, vì vậy thức ăn và nước bọt được bài tiết trong khi ăn từ thực quản khó hoặc không xuống được dạ dày. Trong bệnh này, các nhu động của cơ trơn thực quản cũng bị mất.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định. Những dữ liệu ghi nhận được gợi ý các yếu tốcó khả năng là nguyên nhân gây bệnh như

- Nhiễm trùng

- Tự miễn

- Di truyền

3. Dịch tễ

Tần suất mắc bệnh 1-2/200.000. Tỷ lệ mắc bệnh đều cả hai giới. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng lứa tuổi từ 30-50 có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

4. Triệu chứng

- Nuốt khó: tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện nuốt khó lúc đầu chỉ với thức ăn đặc, sau xuất hiện cả với thức ăn lỏng. Trong trường hợp điển hình người bệnh mô tả có cảm giác như thức ăn bị ứ hoặc dính lại vùng sau xương ức.

- Nôn: có thể xuất hiện ngay sau ăn. Khi bệnh lâu ngày làm thực quản giãn, nôn sẽ xuất hiện muộn hơn sau khi ăn.

- Trào ngược: giai đoạn đầu thường chưa xuất hiện hoặc có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc nhiều giờ sau khi ăn. Trong những trường hợp bệnh nặng làm thực quản giãn to, chứa nhiều thức ăn ứ đọng. Điều này dẫn tới trào ngược thức ăn vào ban đêm làm cho bệnh nhân ho và sặc. Có trường hợp, bệnh nhân phải dậy để móc họng gây nôn hết thì mới hết ho và ngủ lại được.

- Đau ngực: đau sau xương ức, thường đau khi nuốt.

- Gầy sút nhiều: vì người bệnh không ăn được.

5. Chẩn đoán hình ảnh

Hình ảnh hẹp thực quản trên X-quang​

 

- Chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang: thực quản giãn, có nhiều thức ăn và dịch, mất nhu động. Vùng tâm vị hẹp nhỏ lại giống hình mỏ chim. Thuốc cản quang tồn tại trong thực quản lâu hơn.

- Nội soi thực quản – dạ dày: giúp loại trừ ung thư thực quản, dạ dày và tổn thương hẹp thực quản. Điển hình trên nội soi thấy thực quản giãn to ứ đọng nước và thức ăn. Đôi khi có rất nhiều nốt hoặc đốm trắng do nấm Candida phát triển. Đồng thời mất nhu động, vùng tâm vị co thắt chặt. Tuy nhiên, máy soi vẫn có thể xuống được dạ dày.

- Đo áp lực cơ thắt dưới của thực quản: áp lực tăng.

 

6. Điều trị

Các phương pháp điều trị thường được áp dụng:

- Nong thực quản bằng bóng hơi

- Nội soi cắt cơ thắt thực quản (P.O.E.M: Per-oral endoscopic myotomy)

- Phẫu thuật cắt cơ Heller

- Tiêm Botulinum

- Điều trị thuốc

Trong các phương pháp trên, nong thực quản bằng bóng hơi là phương pháp điều trị phổ biến bệnh co thắt tâm vị. Với kỹ thuật chuyên môn và trang thiết bị máy móc hiện đại, Phương Châu đã thực hiện nội soi nóng bóng hơi chữa lành co thắt tâm vị cho nhiều trường hợp đạt hiệu quả cao.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ các gia đình những thông tin cần thiết.

-------------------

Tài liệu tham khảo

1. Lynch KL , Achalasia, Perelman School of Medicine at The University of Pennsylvania. Access at: 

https://www.msdmanuals.com/professional/gastrointestinal-disorders/esophageal-and-swallowing-disorders/achalasia

2. Momodu II et al (2022), Achalasia, StatPearls Publishing. Access at:

 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519515/

3. Vaezi MF et al (2016), Achalasia: from diagnosis to management, Ann N Y Acad Sci, page 34-44. Access at:

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27571581/

 

Wildcard SSL