THẾ NÀO LÀ CHO BÉ BÚ ĐÚNG & BÚ ĐỦ?

 

Ở mỗi cột mốc phát triển của bé, cơ thể sẽ cần bổ sung lượng sữa khác nhau tùy vào thể trạng từng bé. Vậy làm sao để biết được lượng sữa bé cần trong 1 ngày là bao nhiêu?

- Đối với bé bú mẹ trực tiếp: Bé sẽ bú theo nhu cầu và mẹ có thể nhận biết bé bú đủ thông qua các biểu hiện:

● Bé đi tiểu 5-6 lần trở lên mỗi ngày

● Phân của bé thay đổi từ màu xanh đậm sang màu vàng

● Bé có biểu hiện vui vẻ sau bú

- Đối với bé bú sữa mẹ được vắt/hút ra:

Lượng sữa bé cần sẽ khoảng 150-200ml sữa/kg/1 ngày (bé có thể bú ít hoặc nhiều hơn). Mẹ có thể tính lượng sữa cho bé bằng cách lấy số cân nặng của trẻ nhân với 150 là sẽ được số lượng sữa mà bé cần trong một ngày và chia theo số cữ bú (8-12 cữ)

Ví dụ: Bé nặng 4kg sẽ cần tổng 600 – 800ml sữa/ngày cho 8 – 12 cữ bú

*Những điều cần lưu ý khi cho bé bú

- Cho bé bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh để tận dụng sữa non, kích thích sữa non xuống sớm, và giúp co hồi tử cung cho mẹ. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng mới sinh thì chưa có sữa. Thực sự sữa non đã có từ những tháng cuối thai kỳ. Trẻ cần bú sữa non đó, không nên vắt bỏ sữa non. Sữa non màu hơi vàng đục, có rất nhiều kháng thể nhờ vậy giúp trẻ chống lại bệnh tật.


- Nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ngay cả nước cũng không bổ sung thêm cho bé.

- Bắt đầu cho bé ăn dặm từ tháng thứ 6 và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 24 tháng, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng

 

- Cho bú theo nhu cầu của bé, không hạn chế thời gian và độ dài của mỗi cữ bú. Khi bú no bé sẽ tự rời vú mẹ (đổi sang bên còn lại nếu bé chưa đủ no)


- Khi bé bị bệnh, ngay cả khi bé bị tiêu chảy, mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ. Nếu bé không bú được thì mẹ có thể vắt sữa và cho bé ăn bằng thìa hoặc cốc.

(Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới)

 

*Các tư thế bú đúng của bé

1. Tư thế ngồi:

Mỗi cữ bú có thể kéo dài đến 30 phút, do đó mẹ nên chọn một chổ ngồi có điểm tựa thoải mái ở trên giường hoặc ghế ngồi.

Tư thế phổ biến và cũng dễ nhất là bế bé nằm ôm vào lòng, 2 tay tạo thành vòng cung vững chắc, lúc này tư thế đúng của bé sẽ là:

- Mặt đối diện bầu vú mẹ, ti mẹ chạm mũi hoặc môi trên của trẻ

- Các điểm trái tai-vai-hông của bé thẳng hàng

Mẹ có thể dùng tay trái hoặc tay phải đỡ bé sao cho thuận tiện nhất và có thể dùng gối nâng đỡ để mẹ giảm mỏi

 2. Tư thế nằm:

Nếu không đủ sức khỏe để ngồi, mẹ có thể nằm trên giường và cho bé nằm nghiêng bên cạnh để bú. Tuy nhiên mẹ nên tập ngồi dậy và đi lại sớm sau sinh để khí huyết lưu thông, giúp mau hồi phục sức khỏe và sớm cho bé bú ở tư thế ngồi.

Khi cho bé bú ở tư thế nằm mẹ nên cho đầu bé nằm cao hơn thân người để hạn chế sữa mẹ trào bị trào ngược 

3. Tư thế cho bú song sinh:

Hai bé bú cùng lúc hai bên sẽ tận dụng hoàn toàn lượng sữa mẹ, vì khi một bé bú bên này, sữa ở bầu ngực bên kia cũng chảy theo

Tư thế cho bé bú song sinh như sau:

  • Đặt 2 bé song song hai bên hông của mẹ, hai chân bé để sau lưng mẹ, đầu bé hướng về trước và mặt áp vào đầu vú của mẹ.
  • Để tránh mỏi tay và nâng đỡ người bé, mẹ có thể dùng khăn hoặc gối chữ U lót ở dưới. Nhưng không được đặt bé tựa hoàn toàn xuống gối vì bé sẽ không bú sữa được.
  • Lần lượt từng bé, khi bé này ổn định thì tiếp tục bé còn lại.
  • Tuy sinh đôi nhưng có bé bú yếu hơn, bé bú mạnh hơn. Bé yếu hơn trong việc ngậm bắt vú mẹ nên cho bú trước, sau khi ổn định bé này thì cho bé bú mạnh hơn bú.
  • Thay đổi vị trí qua lại cho 2 bé để lượng sữa tiết ra đều nhau, đầu vú không bị chênh lệch và bảo vệ mắt bé hoạt động cân đối.

Tài liệu tham khảo:

Cẩm nang sức khỏe dành cho bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ - Hội y học Tp.HCM, Hội bác sĩ gia đình Tp.HCM

--------------------------

Wildcard SSL