TẮC TIA SỮA SAU SANH - LÀM SAO ĐỂ NHẸ NỖI LO CON YÊU THIẾU SỮA?

Bs. Kim Ngọc Tuyền, Khoa khám bệnh Sản Phụ Khoa BVQT Phương Châu

 

Sữa mẹ là thức ăn dinh dưỡng hoàn chỉnh nhất dành cho bé yêu những tháng đầu đời. Ngoài chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa những kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên cho cơ thể bé. Làm sao để bầu sữa mẹ luôn tràn đầy cho các bé tu ti nhà ta chính là nỗi lo thường trực của các mẹ bỉm.

Các mẹ có biết là tắc tia sữa là một trong thủ phạm gây ra tình trạng ít sữa cho con. Bên cạnh gây ra đau đớn cho mẹ mỗi lần phải vắt sữa hay cho con bú, những biến chứng từ tắc tia sữa có thể khiến mẹ mất sữa và ảnh hưởng đến cả quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Làm thế nào nhanh chóng khơi thông tia sữa và mang sữa về cho con yêu? Mời các gia đình mình cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Tắc tia sữa - Nỗi sợ thường trực của các mẹ bỉm

1. TẮC TIA SỮA LÀ GÌ?

Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng và giữ lại trong các ống dẫn sữa mà không được đẩy ra ngoài. Hiện tượng này có thể khiến việc cho con bú cũng như hút sữa tích trữ gặp nhiều khó khăn, đau đớn.

Tình trạng này nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng viêm tuyến vú, áp xe vú, lâu dần sẽ gây u xơ tuyến vú.

- Viêm tuyến vú là tình trạng bầu ngực sưng to và rất đau. Khi sờ vào sẽ thấy nhiều cục cứng, dù có nặn cũng không ra sữa, đầu vú sưng tấy và đau đớn.

- Áp xe vú là tình trạng mưng mủ ở tuyến vú, gây đau tức dữ dội. Tình trạng này thường xảy ra khi mẹ bị tắc tia sữa lâu hơn 1 tuần mà không được điều trị khỏi.

 Ngoài ra, tắc tuyến sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, dần dần người mẹ sẽ mất sữa, buộc dừng hẳn việc cho con bú và phải nuôi trẻ bằng sữa ngoài.

2. TẮC TIA SỮA XẢY RA KHI NÀO?

Hiện tượng căng sữa thường xảy ra vào ngày thứ 2-3 sau sinh, bầu vú của mẹ sẽ căng cứng, nặng và cảm giác nóng. Sữa bắt đầu được tiết ra thành các tia sữa trong tuyến vú căng sữa có cảm giác như nổi cục. Nếu không can thiệp sớm sẽ dẫn đến tắc tia sữa. Thậm chí mẹ có thể bị sốt, nhiễm trùng nếu tình trạng này kéo dài, nên mẹ cần quan sát cơ thể mình để phát hiện bất thường sớm nhất.

3. NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY TẮC TIA SỮA?

Các mẹ sẽ rất muốn biết đâu là thủ phạm gây ra tắc tia sữa phải không? Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tia sữa ở phụ nữ cho con bú:

- Vừa mới sinh: Bầu ngực chứa rất nhiều sữa nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được dẫn đến ứ đọng khiến bầu ngực căng cứng và gây tắc tia sữa.

- Sữa mẹ nhiều: Sữa còn thừa ở trong bầu ngực do bé không bú hết hoặc không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.

- Ngực chịu áp lực: Mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc.

- Ít hút sữa ra ngoài: Bé bú mẹ trực tiếp có thể không bú được hết lượng sữa mà mẹ sản xuất ra. Nếu không hút sữa hoặc hút chưa hết sữa cũng có thể gây tắc tia sữa do lượng sữa dư thừa ứ đọng lâu trong bầu ngực, dễ gặp phải tình trạng tắc tia sữa.

- Bé ngậm bắt vú không đúng: Nhiều trường hợp bé vẫn ngậm vú và mút vú mẹ nhưng không đúng cách, bé không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.

- Mẹ không cho bú thường xuyên: nếu không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày sẽ gây tình trạng tắc tia sữa.

- Stress: Căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa. Tình trạng này khá thường gặp khi bé chào đời cuộc sống của mẹ bị đảo lộn nhiều, nhất là với những người lần đầu làm mẹ.

4. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT MẸ BỊ TẮC TIA SỮA

Một số dấu hiệu nhận biết mình đang bị tắc tia sữa:

- Sữa không tiết ra hoặc tiết ra rất ít, ngay cả khi mẹ chủ động vắt sữa bằng tay hoặc dùng máy hút sữa.

- Bầu ngực của mẹ căng cứng, đau nhức và ngày càng nặng hơn. Bắt đầu xuất hiện những cục cứng, gồ ghể, có kích thước khác nhau, sờ vào cảm thấy đau nhức. Khi sờ vào bầu vú, mẹ cảm nhận được một hoặc nhiều điểm cứng.

- Mẹ có thể có biểu hiện sốt, xung quanh bầu ngực xuất hiện các nốt sần, sờ vào ngực có cảm giác nóng bất thường. Nhiều trường hợp có thể bị sốt cao, đau đầu, mệt mỏi…

5. ĐIỀU TRỊ TẮC TIA SỮA

Việc điều trị tắc tia sữa chính là thông tia sữa, khi tia sữa thông sẽ hết sốt, tránh được viêm và tạo áp-xe mà không cần dùng kháng sinh. Có thể áp dụng các cách sau để cải thiện tình trạng này:

- Trước khi cho bé bú, mẹ nên chườm ấm bầu ngực bằng cách chườm khăn ấm, đồng thời massage ngực nhẹ nhàng để giúp lưu thông dòng sữa.

- Sau khi bé bú xong, mẹ nên hút sữa bằng máy hoặc vắt tay để đảm bảo hút hết lượng sữa còn dư trong bầu ngực, không để sữa còn sót lại gây ứ đọng.

- Nên cho bé bú ở bên ngực bị tắc trước sau đó mới chuyển sang bên còn lại.

- Mẹ xoa bóp đầu ti nhẹ nhàng theo vòng tròn để giúp kích thích và khai thông tia sữa.

Trường hợp tắc tia sữa lâu trở thành viêm nhiễm nặng ở tuyến vú hoặc thành áp-xe tuyến vú thì cần dùng kháng sinh toàn thân (tiêm hoặc uống), nếu không khỏi thì phải kết hợp trích tháo mủ sau khi đã dùng kháng sinh.

6. BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TẮC TIA SỮA SAU SANH

- Cho bé bú thường xuyên, đúng cữ. Nếu bé không bú thì mẹ cần hút sữa đúng cữ để đảm bảo sữa luôn được sản xuất cũng như được đẩy ra ngoài hết để tránh ứ đọng trong bầu ngực.

- Uống đủ nước mỗi ngày giúp sản xuất sữa được nhiều hơn cũng như khai thông tuyến sữa cho sữa chảy ra dễ dàng.

- Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp, hạn chế căng thẳng, stress giai đoạn sau sinh và cho con bú.

- Không mặc áo ngực quá chật và hạn chế tác động mạnh lên bầu ngực.

- Mẹ thường xuyên tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ… vừa tốt cho sự hồi phục sức khỏe vừa hỗ trợ sản xuất sữa và ngăn ngừa nguy cơ tắc tia sữa sau sinh.

* THÔNG TẮC TIA SỮA BẰNG CÔNG NGHỆ RF TẠI LAFORET PHƯƠNG CHÂU – KHÔNG CÒN LO CON YÊU THIẾU SỮA

Áp dụng công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Hàn Quốc - Radio Frequency (RF), sử dụng điện từ tập trung năng lượng cao, khuyếch tán từ trong ra ngoài, tác động sâu vào các lớp biểu bì trong da kết hợp với massage xoay tròn quanh ngực. Từ đó: 

- Giảm cảm giác đau, căng ngực hiệu quả ngay lần đầu sử dụng.

- Kích thích lưu thông máu và tuyến sữa, hạn chế tình trạng tắc tia sữa sau sinh.

- Tăng sinh collagen và elastin làm cho độ dày và mật độ da tăng lên, cải thiện độ đàn hồi và tạo vùng da săn chắc. 

Xua tan nỗi khổ sở vì đau tức, nặng ngực, yên tâm mang sữa về cho con yêu.

Để biết thêm thông tin quý khách xin vui lòng liên hệ :

Trung tâm thẩm mỹ Laforet Phương Châu

Địa chỉ: Lầu 9 BVQT Phương Châu, số 300 Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Tổng đài Bệnh viện Quốc Tế Phương Châu:  1900 54 54 66

Wildcard SSL