Những tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe

Hút thuốc lá truyền thống hay hút thuốc lá điện tử, hút thuốc lá trực tiếp hay thụ động đều có ảnh hưởng xấu lên nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó cơ quan hô hấp là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất. Hãy cùng tìm hiểu những tác hại của thuốc lá đối với cơ thể của chúng ta trong bài viết sau.

Bài viết được cố vấn nội dung bởi BS. CKI. Vương Ngọc Thắng, Trưởng Khoa Khám bệnh, BVQT Phương Châu Sóc Trăng.

Chỉ cần là thuốc lá thì hút kiểu nào cũng sẽ có hại

Ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm đến thế hệ trẻ

Theo WHO, mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.

Còn tại nước ta theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108 000 tỷ đồng một năm.

Sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13 - 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống còn 1,9% (năm 2022)... Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những thành tựu này có thể bị phá vỡ do việc gia tăng nhanh chóng của ngành công nghiệp thuốc lá với những sản phẩm hướng đến giới trẻ như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là trong giới trẻ, ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá mới này đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Chỉ cần là thuốc lá thì hút kiểu nào cũng sẽ có hại

BS. CKI. Vương Ngọc Thắng, Trưởng Khoa Khám bệnh, BVQT Phương Châu Sóc Trăng cho biết, chỉ cần là thuốc lá thì thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử, hút thuốc lá trực tiếp hay thụ động đều có ảnh hưởng xấu lên nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó cơ quan hô hấp là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất.

Viêm niêm mạc đường hô hấp

Trước tiên, là toàn bộ niêm mạc đường hô hấp, từ mũi miệng đến tận phế nang đều bị kích ứng gây phản ứng viêm, tăng tiết. Lớp niêm mạc bị viêm lâu ngày sễ bị dầy lên, đặc biệt là ở khi phế quản, làm hẹp khẩu kính đường thở, kết hợp với việc tang tiết nhầy, làm đường thở dễ có nguy cơ bị tắc nghẽn, gây ho, mệt nặng ngực, thậm chí là khó thở, suy hô hấp.

Tổn thương hệ thống lông chuyển, nhiễm trùng đường thở

Một hệ lụy khác từ việc hút thuốc là làm bất hoạt vai trò của hệ thống lông chuyển trên bề mặt phế quản. Chúng có vai trò vận chuyển các chất tiết và các dị vật li ti như tro, bụi, vi khuẩn… mà ta hít vào và đẩy chúng ra ngoài. Vì vậy, các chất đàm nhớt vốn đã tăng tiết lại còn bị ứ đọng trong đường thở gây phản ứng ho như một phản xạ để đẩy chúng ra ngoài. Điều này giải thích tại sao người hút thuốc lá hay ho ho. Chính việc làm tổn thương hệ thống “dọn vệ sinh tự động” này mà làm cho khả năng thanh lọc vi khuẩn bị giảm, đường thở cũng dễ bị nhiễm trùng hơn.

Khí phế thủng, tắc nghẽn đường thở

Đối với một số người do sự mẫn cảm của cơ thể đối với khói thuốc, khi hít vào sẽ gây nên hiện tượng co thắt phế quản, gây nên cơn hen.

Một số người thì lại do sự  đặc biệt về di truyền, khi có sự tiếp xúc của niêm mạc đường thở với khói thuốc lâu ngày sẽ gây viêm mãn tính, tăng xơ hóa thành phế quản, kèm hiện tượng tái cấu trúc đường thở. Theo thời gian thành phế quản dày lên, lòng phế quản hẹp lại.

Mặt khác, khói thuốc lá cũng làm hủy vách phế nang gây khí phế thủng. Điều này làm giảm khả năng trao đổi khí do bất xứng thông khí và tưới máu, làm tăng thán khí (CO2) trong máu kèm và/hoặc giảm oxy máu, gây nên hiện tượng khó thở khi gắng súc, nặng thì khó thở cả khi nghỉ. Chính hiện tượng khí phế thủng này cũng làm giảm sức căng kéo làm cho phế quản dễ bị xẹp, góp phần làm khẩu kính phế quản vốn bị viêm dầy và xơ xơ hóa nên bị nhỏ đi lại càng thêm nhỏ. Hậu quả là gây tắc nghẽn đường thở, khó thở ngày càng nhiều, càng nặng và chất lượng cuộc sống càng giảm.

Tác nhân hàng đầu gây ung thư đường hô hấp

Bên cạnh đó, khói thuốc lá cũng là tác nhân gây ung thư đường hô hấp, từ vòm hầu đến khí quản, phế quản, phổi… Các cơ quan xa đường hô hấp cũng sẽ tăng nguy cơ bị ung thư.

Ngoài ra, hút thuốc lá còn là nguyên nhân hàng đầu gây nên những căn bệnh nguy hiểm như:

• Đột quỵ.

• Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.

• Bệnh phổi mãn tính.

• Suy giảm trí nhớ, trầm cảm.

Nói chung, hút thuốc lá gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu trong nhà có người hút thuốc, khói thuốc sẽ gây nên tình trạng hút thuốc lá thụ động cho người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Hút thuốc lá dù là thụ động cũng sẽ chịu những tác hại giống như hút thuốc lá trực tiếp.

Hãy từ bỏ hút thuốc lá ngay hôm nay vì sức khỏe của bản thân và gia đình bạn

Đối với người nghiện thuốc là thì ngưng hút thuốc hay cai thuốc cũng không hề đơn giản. Có nhiều lý do làm người hút tái nghiện, nhưng yếu tố then chốt để cai thuốc lá thành công là sự quyết tâm của bản thân và sự trợ giúp từ người thân.

Vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và cộng đồng, chúng ta hãy tiếp tục có những hành động thiết thực xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và hỗ trợ người thân để họ có thể từ bỏ thuốc lá thành công.

Nếu bạn hoặc người thân đang nghiện thuốc lá thì hãy lưu ý đi khám tầm soát sức khỏe định kỳ thường xuyên, ít nhất 1 lần mỗi năm để kiểm tra sức khỏe đường hô hấp và dự phòng những bệnh lý hô hấp nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.

Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ thông tin.

Wildcard SSL