SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

BS Huỳnh Công Thuấn, BS Khám và điều trị chuyên khoa Nhi, BVQT Phương Châu

1. Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue gây nên bởi 1 trong 4 chủng vi rút Dengue. Các chủng này không hoàn toàn giống nhau, nếu nhiễm một chủng thì không giúp chúng ta bảo vệ được trước các chủng còn lại. Trong đời trẻ có thể mắc nhiều đợt Sốt xuất huyết Dengue.

Vi rút Dengue lây lan qua trung gian truyền bệnh là Aedes aegypti, hay còn gọi là muỗi vằn. Những trẻ sống ở môi trường có nhiều muỗi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Muỗi thường hoạt động đốt người vào ban ngày, hoạt động cao điểm vào lúc sáng sớm và chiều tối. Chúng đậu nghỉ ở những nơi tối, trên quần áo sẫm màu, đồ dùng gia đình, trên các chai lọ trong nhà.

2. Triệu chứng của Sốt xuất huyết Dengue?

Triệu chứng thường xảy ra sau khi bị muỗi mang vi rút đốt từ 4 – 7 ngày, một số trường hợp có thể xảy ra sau 2 tuần. Triệu chứng thường kéo dài 5 – 7 ngày.

Triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue khác nhau ở từng trẻ, có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

- Sốt, có thể sốt nhẹ đến sốt cao

- Đau đầu

- Đau hốc mắt

- Đau cơ xương khớp

- Mệt mỏi, uể oải

- Phát ban da. Ban da có thể phẳng hoặc gồ lên, có thể ngứa. Ban da thường phổ biến hơn ở những trẻ chưa từng nhiễm vi rút Dengue trước đó.

- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy

- Ho, đau họng, nghẹt mũi – họng có thể đỏ

- Chấm xuất huyết trên da hoặc tiêu phân đen

- Mắt đỏ

Trẻ em có thể có ít triệu chứng nặng hơn. Trẻ từng nhiễm sốt xuất huyết Dengue bị nhiễm sốt xuất huyết chủng khác có nguy cơ nặng nhiều hơn trẻ bị lần đầu.

Trẻ có có thể có các triệu chứng nặng như:

- Đau bụng

- Dễ bầm tím khi va chạm

- Nôn ra máu

- Chảy máu mũi

- Tiêu phân đen

- Co giật

- Chảy máu nhiều hơn ở các chu kỳ kinh ở bé gái.

3. Có nên xét nghiệm kiểm tra sốt xuất huyết Dengue?

Hiện tại Bệnh viện Phương Châu có làm xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Bác sĩ sau khi thăm khám có thể chỉ định cho trẻ xét nghiệm máu kiểm tra. Xét nghiệm có thể giúp chúng ta phân biệt trẻ có nhiễm vi rút Dengue hay bệnh khác có cùng triệu chứng, như nhiễm vi rút Zika.

4. Sốt xuất huyết Dengue điều trị như thế nào?

Hiện không có điều trị đặc hiệu cho vi rút Dengue, nhưng có thể điều trị triệu chứng. Những trẻ có triệu chứng nguy hiểm hay có nguy cơ nặng có thể nhập viện để điều trị. Điều trị bao gồm:

- Hạ sốt

- Uống nhiều nước

- Truyền dịch

- Truyền chế phẩm máu nếu cần

Những trẻ có nguy cơ diễn tiến nặng:

- Nhũ nhi

- Trẻ béo phì

- Trẻ có bệnh lý nền: tim bẩm sinh, hội chứng thận hư, hen suyễn, bệnh thận mạn, bệnh về máu …

Những trẻ này cần được nhập viện khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue. Những trẻ không có người chăm sóc hoặc ở xa bệnh viện cũng cần nhập viện theo dõi.

Những trẻ triệu chứng nhẹ hoặc không có yếu tố nguy cơ có thể được theo dõi ngoại trú. Trẻ cần được tái khám mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh. Nhân viên y tế có thể sẽ xét nghiệm máu và kiểm tra mạch, huyết áp của trẻ. Việc kiểm tra hằng ngày rất cần thiết vì sốt xuất huyết Dengue có thể diễn biến nặng nề, việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm.

5. Mối liên quan giữa trẻ béo phì và sốt xuất huyết Dengue?

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận một số yếu tố nguy cơ gây sốt xuất huyết Dengue nặng. Trong số các yếu tố nguy cơ có yếu tố tuổi tác, suy dinh dưỡng, mang thai, tái nhiễm. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn khác cũng có vai trò như dự báo đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết Dengue như béo phì, tiểu đường, dị ứng mãn tính và tăng huyết áp.

Thừa cân và béo phì được định nghĩa là sự tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức gây ra nguy cơ đối với sức khỏe. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, béo phì được xác định bằng chỉ số cân nặng theo chiều cao hoặc BMI tùy theo nhóm tuổi.

Trẻ có cơ địa béo phì là một trong các yếu tố tiên lượng trẻ có thể rơi vào sốt xuất huyết Dengue nặng. Một nghiên cứu tổng quan tài liệu có hệ thống chỉ ra rằng trẻ béo phì có khi nhiễm sốt xuất huyết Dengue có khả năng rơi vào mức độ nặng cao hơn 37% so với trẻ không béo phì.

6. Những việc có thể làm để chăm sóc trẻ tại nhà?

Nếu bác sĩ cho phép trẻ theo dõi tại nhà. Việc cần thực hiện hiện là cho trẻ ở nhà, nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Phụ huynh có thể cho thuốc hạ sốt (Paracetamol) khi trẻ có sốt.

Trẻ không được sử dụng các thuốc nhóm kháng viêm Non-steroid như Aspirin, Ibuprofen khi nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết Dengue. Những thuốc này có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu cho trẻ.

7. Sốt xuất huyết Dengue có ngăn ngừa được không?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa là tránh muỗi đốt. Để tránh muỗi đốt, chúng ta có thể:

- Giữ trẻ trong nhà vào các thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Trẻ ngủ mùng hoặc có máy điều hòa sẽ giúp tránh muỗi tốt hơn.

- Mang giày, quần áo dài tay, đội mủ cho trẻ khi ra ngoài.

- Mang theo bình xịt hoặc kem chống muỗi chứa DEET hoặc hoạt chất như picaridin. Kiểm tra nhãn mác trước khi sử dụng. Lưu ý, không sử dụng sản phẩm chứa DEET cho trẻ dưới 2 tuổi.

- Trên quần áo hoặc vật dụng, có thể sử dụng sản phẩm chứa permethrin để đuổi muỗi.

- Đổ hết các dụng cụ chứa nước không cần thiết xung quanh nhà để diệt môi trường sinh sản của muỗi.

Hiện một số nơi trên thế giới đã thử nghiệm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên vẫn cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả và an toàn.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.

Tài liệu tham khảo

- Phác đồ bệnh viện Nhi Đồng 1, 2020

- Uptotate 2022, Patient education: Dengue fever (The Basics)

- Zulkipli MS et al (2018), The association between obesity and dengue severity among pediatric patients: A systematic review and meta-analysis. PLoS Negl Trop Dis. 2018 Feb 7;12(2):e0006263. doi: 10.1371/journal.pntd.0006263. PMID: 29415036; PMCID: PMC5819989.

Wildcard SSL