Series GIẢI TỎA NỖI LO VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ CÙNG MẸ BẦU_Phần 3

TS.BS.Trần Thị Trúc Linh, CK Nội tiết, Trưởng Phòng KHTH, Tập Đoàn Y Tế Phương Châu

Ngay khi được Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết xác định Sản phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, các mẹ bầu sẽ vô cùng lo lắng. Xin hãy yên tâm để các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết phối hợp cùng bác sĩ Sản khoa đồng hành cùng mẹ và con cùng hướng chung về một mục tiêu điều trị (*) với mong muốn “Mẹ tròn con vuông” nhé.

Sản phụ đái tháo đường thai kỳ sẽ rất cần biết lịch trình theo dõi tái khám như thế nào để tuân thủ theo đúng quá trình điều trị? Có giống nhau ở mỗi bệnh cảnh thai kỳ hay các giai đoạn tuổi thai lớn-nhỏ không?

* LỊCH TRÌNH THEO DÕI TÁI KHÁM ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ NHƯ THẾ NÀO?

Theo TS.BS.Trúc Linh có những lưu ý theo dõi tái khám đái tháo đường thai kỳ theo các giai đoạn như sau:

Trong quá trình mang thai, đái tháo đường thai kỳ tùy theo mức độ kiểm soát đường huyết và tùy theo từng giai đoạn tuần tuổi thai, sản phụ sẽ được bác sĩ Nội tiết phối hợp với bác sĩ Sản khoa hẹn tái khám với tần suất từ mỗi 2 hay 4 tuần, cụ thể như sau:

- Giai đoạn mới bắt đầu điều trị: sản phụ cần được tái khám mỗi 2 tuần không những để đánh giá tình trạng kiểm soát glucose máu đạt mục tiêu điều trị hay không mà bác sĩ còn đồng hành tư vấn chế độ dinh dưỡng, giải đáp thắc mắc và theo dõi sức khỏe của mẹ và con.

- Giai đoạn ổn định liên tục với chế độ điều trị: tùy theo bác sĩ sẽ cân nhắc thời gian tái khám có thể từ 24 tuần đối với từng mức độ thai kỳ nguy cơ cao.

- Giai đoạn thai từ 36 tuần trở lên: sản phụ cần tái khám mỗi 12 tuần nhằm theo dõi chặt chẽ tình trạng glucose máu, tình trạng phát triển của thai và các dấu hiệu chuyển dạ của sản phụ đái tháo đường thai kỳ.

* PHƯƠNG PHÁP NÀO ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ?

Cần kết hợp những phương pháp sau: điều trị bằng chế độ ăn, luyện tập ở thai phụ đái tháo đường thai kỳ, kiểm soát cân nặng trong thai kỳ, điều trị bằng insulin

Cụ thể như sau:

- Điều Trị Bằng Chế Độ Ăn:

Dinh dưỡng điều trị là nền tảng và phải bắt đầu sớm sau khi xác định chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Tất cả các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ cần được tư vấn về dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý, cung cấp đủ calo và các chất dinh dưỡng cho người mẹ và thai nhi, nhưng phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát đường máu. Chế độ ăn này sẽ được cá thể hóa phù hợp nhất theo chế độ dinh dưỡng của từng sản phụ sao cho đường huyết đạt mục tiêu, mẹ và con khỏe, tăng cân phù hợp và chất lượng sống được đảm bảo tốt nhất có thể.

- Luyện Tập Ở Thai Phụ Đái Tháo Đường Thai Kỳ:

Luyện tập vừa phải giúp cải thiện kiểm soát đường huyết ở thai phụ đái tháo đường thai kỳ đã được ghi nhận. ADA khuyến cáo nếu thai phụ không có chống chỉ định về sản khoa và nội khoa thì nên bắt đầu hoặc tiếp tục tập luyện ở mức vừa phải, làm tăng nhạy cảm với insulin của các tế bào, giảm đề kháng insulin, do đó làm giảm glucose máu ở người mẹ.

Đi bộ sau bữa ăn mỗi ngày 20 - 30 phút là hoạt động nên thực hiện ở thai phụ, giúp kiểm soát glucose máu tốt hơn. Bơi cũng là một bài tập tốt cho thai phụ.

Thai phụ đái tháo đường thai kỳ cũng có thể tham gia các lớp tập thể dục, nhưng chỉ nên tập với cường độ thấp hơn so với mức đã từng tập trước đây, nên tránh các bài tập có sự va chạm, xoắn vặn, thay đổi tư thế đột ngột.

- Kiểm Soát Cân Nặng Trong Thai Kỳ:

Đây là một nghệ thuật. Vừa kiểm soát mẹ và bé tăng cân đều đặn, cân bằng và hợp lý, không sụt cân đồng thời tránh béo phì bởi vì béo phì là một yếu tố nguy cơ độc lập với một số các hậu quả bất lợi trong thai kỳ trong đó có rối loạn dung nạp đường máu.

- Điều Trị Bằng Insulin:

Khi chế độ ăn và luyện tập không đảm bảo kiểm soát được glucose máu thì thai phụ đái tháo đường thai kỳ cần được điều trị phối hợp với insulin. Điều trị insulin làm giảm tỷ lệ các biến chứng ở thai nhi. Insulin đã được chứng minh là phù hợp với thai kỳ và được khuyến cáo là thuốc lựa chọn điều trị cho phụ nữ đái tháo đường khi mang thai. Việc chỉnh liều insulin cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nội tiết.

(*) Điều trị đái tháo đường thai kỳ cần phải đạt mục tiêu: khi được điều trị, người bệnh sẽ được theo dõi thường xuyên để đạt ngưỡng yêu cầu điều trị. Khi đó, tình trạng đái tháo đường coi như được kiểm soát tốt và thành công trong điều trị. Trường hợp ngược lại, cả bác sĩ và người bệnh cần tích cực hơn hoặc chuyển đổi cách điều trị để đạt hiệu quả thành công như mục tiêu điều trị ban đầu đã đề ra.

Mục tiêu đường huyết được khuyến cáo theo HNQT lần thứ 5 và ADA 2021 về đái tháo đường thai kỳ với mục tiêu kiểm soát đường huyết như sau:

- Trước ăn: ≤ 5,3 mmol/ lít (95 mg/ dL) và một trong hai

- Sau ăn 1 giờ: ≤ 7,8 mmol/ lít (140 mg/ dL);

- Sau ăn 2 giờ: ≤ 6,7 mmol/ lít (120 mg/ dL).

Mời các gia đình xem lại Phần 1 & Phần 2 của Series GIẢI TỎA NỖI LO VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ CÙNG MẸ BẦU được các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Phương Châu cung cấp nhiều kiến thức xoay quanh chủ đề này.

- Thông tin liên hệ: tổng đài 1900 54 54 66 hoặc 02923 222 696 (CSKH Đa khoa)

- Hoặc gửi thông tin trao đổi bằng cách inbox (gửi tin nhắn cho Fanpage Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu)

Wildcard SSL