[Nhật Ký Mẹ-Con Cùng Khỏe]

Series GIẢI TỎA NỖI LO VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ CÙNG MẸ BẦU_Phần 1

BS.CKII. Nguyễn Thị Thanh Hậu - Trưởng Khối Nội, Tập Đoàn Y Tế Phương Châu

Hạnh phúc gia đình làm sao có thể tròn vẹn khi thiếu vắng tiếng cười của các “thiên sứ pha lê”. Nói sao hết nỗi nguy hiểm khó khăn, sự hy sinh tuổi thanh xuân, sắc đẹp, thậm chí cả tánh mạng của người mẹ khi mang trong người một sinh mệnh nhỏ bé, mong manh, dễ vỡ ... Nhưng trên tất cả, vẫn không thể nào dập tắt khát vọng có tiếng cười con trẻ làm ấm áp gia đình.

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền

Một trong công lao to lớn của người mẹ đó là đối mặt với hiểm nguy mang nặng đẻ đau và chấp nhận những bệnh tật nguy cơ đe dọa tính mạng để con được chào đời. Thật vậy, một trong số bệnh lý thai kỳ nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đó là ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ.

HÌNH 1: Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết đang tư vấn cho các thai phụ của Phương Châu về quản lý và kiểm soát Đái tháo đường thai kỳ 

* Đái tháo đường thai kỳ là một thể của bệnh đái tháo đường, là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Nhiều bà mẹ đã hoảng sợ, lo lắng, thậm chí bị trầm cảm do nhầm lẫn hiện tượng này với bệnh đái tháo đường mãn tính.

* Vậy đái tháo đường thai kỳ thật sự là như thế nào?

Theo định nghĩa của Hội Nội tiết Hoa Kỳ “Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng liên quan đến tăng glucose máu của mẹ với mức độ thấp hơn so với Đái tháo đường rõ nhưng liên quan đến tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi”.

Phụ nữ mang thai có sự giảm nhạy cảm của mô với insulin, bất thường hệ thống truyền insulin, nhau thai sản xuất ra các hormon làm cơ thể mẹ có sự kháng lại insulin của cơ thể và bất thường tiết insulin. Vì vậy, lượng đường trong máu sẽ tăng, gọi là tình trạng đái tháo đường thai kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra ở những bà mẹ trước khi mang thai hoàn toàn không bị đái tháo đường.

* Như vậy làm thế nào để các sản phụ biết mình có bị mắc đái tháo đường thai kỳ không?

Đái tháo đường thai kỳ hầu như không có biểu hiện, triệu chứng gì đặc hiệu nên chỉ có thể phát hiện qua tầm soát xét nghiệm máu. Nghiệm pháp dung nạp glucose là một TIÊU CHUẨN VÀNG giúp chẩn đoán một thai phụ chưa từng bị đái tháo đường trước đây trong quá trình mang thai có mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ không.

* Khi nào nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ? Sàng lọc ở đâu?

Sàng lọc ngay từ lần khám thai đầu tiên hoặc làm nghiệm pháp dung nạp glucose được thực hiện thực hiện vào thời điểm 24 đến 28 tuần tuổi thai. Đây chủ yếu là thời điểm xuất hiện những bất thường đầu tiên của đái tháo đường thai kỳ.

Qui trình tầm soát khám thai định kỳ của BVQT Phương Châu hoàn  toàn chặt chẽ và toàn diện khi có đầy đủ các bước sàng lọc đái tháo đường thai kỳ ở từng thời kỳ mang thai. Và quan trọng hơn là tuân thủ trên 100% các sản phụ khám thai định kỳ theo đúng tiêu chuẩn Quốc tế.

* Đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm cho mẹ và bé hay không?

Các bà mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ không được kiểm soát tốt đường huyết sẽ tăng nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi nếu không kiểm soát tốt.

Về phía mẹ: tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật và sản giật, nhiễm khuẩn tiết niệu, đa ối, nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai, sẩy thai, và sinh non.

Về phía con: dễ bị thai chết lưu, di tật bẩm sinh ngay từ trong bào thai như: não úng thủy; tim bẩm sinh: thông liên thất, thông liên nhĩ,…; Thai to gây khó sinh nở đường tự nhiên, hạ đường huyết sau sinh; tăng nguy cơ tử vong trong thời gian mang thai, nhất là 3 tháng cuối, khi sinh và sau sinh. Sinh non là nguy cơ cao trên sản phụ đái tháo đường thai kỳ mà sinh non lại là nguyên nhân hàng đầu gây tửu vong ở trẻ sơ sinh, tăng billirubin máu, suy hô hấp cấp chu sinh và còn nhiều hậu quả khác.

* Đái tháo đường thai kỳ có điều trị khỏi không?

Đái tháo đường thai kỳ không mãn tính mà xảy ra "tạm thời, đột xuất" khi có sự bất thường chuyển hóa insulin trong cơ thể người mẹ khi mang thai. Đa số các bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ, đường máu sẽ trở về bình thường ngay sau khi sinh, dao động khoảng 5 -7% các bệnh nhân này sẽ có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2, tiền đái tháo đường sau sinh. Cần phải tái khám tầm soát sau sinh vào 6 - 12 tuần để làm nghiệm pháp dung nạp glucose tầm soát cho mẹ.

Để tự bảo vệ mình, bảo vệ "thiên sứ pha lê bé nhỏ" thai phụ cần được theo dõi, tầm soát, thăm khám định kỳ ở khoa sản kết hợp khám ở bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được phát hiện điều trị đúng và kịp thời nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ không mong muốn.

Các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng y học hiện đại sẽ giúp giữ sự an toàn, tránh nguy hiểm cho mẹ và bé để được mẹ tròn con vuông khỏe mạnh. Đái tháo đường thai kỳ nếu được phát hiện, theo dõi và điều trị hợp lý sẻ giảm thiểu tối đa các nguy cơ tiềm ẩn do bệnh gây ra cho cả mẹ và bé. Bệnh đa số có thể tự khỏi sau khi sinh.

HÌNH 2: Các bác sĩ Nội tiết song hành cùng bác sĩ Sản khoa BVQT Phương Châu đồng hành và bảo vệ các thai phụ trước bệnh lý Đái tháo đường thai kỳ

Xin chúc các bà mẹ hoàn thành thiên chức cao cả mà chẳng cần lo sợ phải vượt biển một mình. Sẽ luôn luôn có bàn tay vững chải, tận tâm của các bác sĩ Nội tiết song hành cùng bác sĩ Sản khoa BVQT Phương Châu nắm chặt tay dìu bước từng người mẹ an toàn suốt hành trình.

Vậy thì các ba mẹ ơi: chúng ta còn những lo lắng gì, thắc mắc gì mà lâu nay chưa bày tỏ, xin hãy mạnh dạn bày tỏ nỗi lòng trăn trở của mình cùng các bác sĩ Khoa Nội Tiết Phương Châu giúp chúng ta “gỡ rối”. Và nhớ theo dõi các bài viết tiếp theo cùng các bác sĩ Nội tiết Phương Châu.

Thông tin liên hệ: tổng đài 1900 54 54 66 hoặc 02923 222 696 (CSKH Đa khoa)

Hoặc gửi thông tin trao đổi bằng cách inbox (gửi tin nhắn cho Fanpage Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu)

Wildcard SSL