SẨY THAI LIÊN TIẾP

BS.CKII. Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Chuyên môn, BVQT Phương Châu

Sẩy thai hay thậm chí sẩy thai liên tiếp nhiều lần là một sự cố đau lòng không mong muốn đối với các gia đình. Việc tìm hiểu tình trạng này cũng như nguyên nhân và cách dự phòng sẽ giúp các gia đình vượt qua được nỗi lo, chuẩn bị tốt đế đón nhận một thai kỳ trọn vẹn và khỏe mạnh hơn.

Sẩy thai liên tiếp được định nghĩa là khi người phụ nữ bị sẩy thai từ 2 lần trở lên. Sau 3 lần sẩy thai liên tiếp thì người phụ nữa nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra toàn diện.

1. Tỉ lệ bị sẩy thai liên tiếp là bao nhiêu?

Tỉ lệ phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp chỉ khoảng 1%, tức là cứ 100 người phụ nữ thì có 1 người phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp.

2. Nguyên nhân thường gặp gây ra sẩy thai liên tiếp

Phần lớn trường hợp sẩy thai (khoảng 60%) xảy ra một cách ngẫu nhiên khi phôi thai nhận được những nhiễm sắc thể với số lượng bất thường từ trứng và tinh trùng trong quá trình thụ thai. Vấn đề bất thường di truyền này thường xảy ra ngẫu nhiên chứ không phải do bệnh lý nào gây ra. Tuy nhiên, vấn đề này thường xảy ra hơn với phụ nữ lớn tuổi khi mang thai.

3. Các vấn đề về gene có liên quan đến sẩy thai liên tiếp hay không?

Trong một số nhỏ các cặp vợ chồng bị sẩy thai liên tiếp, người ta tìm thấy ở bố hoặc mẹ có hiện tượng một phần nhiễm sắc thể này bị chuyển sang một nhiễm sắc thể khác. Hiện tượng này gọi là chuyển đoạn nhiễm sắc thể. Người mang nhiễm sắc thể chuyển đoạn thường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng thể chất nào, nhưng trứng hay tinh trùng của họ sẽ mang nhiễm sắc thể bất thường. Nếu phôi nhận được quá nhiều hoặc quá ít vật liệu di truyền, nó thường dẫn đến sẩy thai.

4. Bất thường về cơ quan sinh dục có liên quan đến sẩy thai liên tiếp không?

- Một số bất thường bẩm sinh ở tử cung cũng có liên quan đến sẩy thai liên tiếp. Mặc có nhiều dạng bất thường nhưng dạng thường gặp nhất gây sẩy thai liên tiếp là tử cung có vách ngăn, tức là lòng tử cung bị chia tách ra làm hai bởi một vách ngăn ở giữa.

- Hội chứng Asherman, là tình trạng tạo sẹo dính bên trong lòng tử cung, cũng có liên quan đến sẩy thai liên tiếp. Tình trạng bệnh lý này thường xảy ra sau khi người phụ nữ được làm các thủ thuật xâm lấn, gây tổn thương bên trong lòng tử cung. U xơ tử cung và polyp nội mạc tử cung (hai dạng u lành tính hình thành trong tử cung), cũng có thể là nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp.

5. Có loại bệnh nào làm tăng nguy cơ bị sẩy thai liên tiếp không?

Có một số bệnh nội khoa ở phụ nữ có thể làm tăng khả năng bị sẩy thai liên tiếp. Hội chứng kháng phospholipid (APS: antiphospholipid syndrome) là một loại rối loạn tự miễn dịch trong đó hệ thống miễn dịch của người phụ nữ nhầm lẫn tạo ra kháng thể chống lại các chất liên quan đến quá trình đông máu. APS có liên quan đến sẩy thai liên tiếp và thai lưu.

Một loại bệnh khác cũng có thể dẫn đến sẩy thai liên tiếp là bệnh đái tháo đường. Bệnh này thường được biểu hiện bằng lượng đường cao trong máu. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường, nhất là khi bệnh không được kiểm soát tốt cũng thường làm tăng nguy cơ bị sẩy thai.

Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng tăng nguy cơ bị sẩy thai cao hơn.

6. Sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân có thường xảy ra không?

Có khoảng 50-75% phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp không tìm được nguyên nhân. Có thể tìm ra manh mối của vấn đề nhưng không thể tìm ra được câu trả lời chính xác cho vấn đề trên.

7. Các xét nghiệm nào có thể được dùng để tìm nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp?

Để tìm ra nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý nội khoa và tiền sử của các lần mang thai trước đây. Một quá trình thăm khám sức khỏe tổng quát sẽ được thực hiện, bao gồm cả khám vùng chậu. 

Bạn cũng có thể sẽ được làm các xét nghiệm máu nhằm kiểm tra các vấn đề liên quan đến hệ thống miễn dịch. Các xét nghiệm di truyền cũng có thể được tiến hành để tìm nguyên nhân sẩy thai liên tiếp. Các xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh như siêu âm cũng có thể được dùng để phát hiện các bất thường của tử cung.

8. Nếu đã xác định được nguyên nhân, có cách để điều trị sẩy thai liên tiếp không?

Nếu một nguyên nhân chuyên biệt gây sẩy thai liên tiếp có thể được xác định, bác sĩ có thể đề xuất những biện pháp xử lý phù hợp.

9. Nếu phát hiện bị chuyển đoạn nhiễm sắc thể, tôi phải làm gì?

Nếu bị chuyển đoạn nhiễm sắc thể, bạn nên đến gặp bác sĩ tư vấn về di truyền. Kết quả xét nghiệm di truyền có thể giúp bạn có được sự lựa chọn hợp lý. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với xét nghiệm di truyền đặc biệt gọi là chẩn đoán di truyền tiền làm tổ cũng có thể được sử dụng để chọn lọc nhưng phôi không bị bất thường.

10. Các bất thường về cơ quan sinh dục được điều trị ra sao?

Phẫu thuật phục hồi có thể làm tăng khả năng đậu thai thành công. Ví dụ, như phẫu thuật nội soi cắt vách ngăn trong buồng tử cung.

11. Có thể điều trị được không nếu tôi bị hội chứng kháng Phospholipid ?

Có thể sử dụng thuốc kháng đông máu, như heparin, và đôi khi phối hợp với Aspirin liều thấp, dùng trong suốt quá trình mang thai và vài tuần tiếp theo sau đó. Phương pháp điều trị này có thể giúp làm tăng khả năng đậu thai thành công.

12. Tôi có thể có thai không nếu như tôi bị liên tiếp sẩy thai mà không tìm ra được nguyên nhân ?

Có khoảng 65% phụ nữ sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân có khả năng có thai thành công trong thai kỳ tiếp theo.

* Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/Patients/FAQs/Repeated-Miscarriage

Wildcard SSL