ROTAVIRUS – THỦ PHẠM HÀNG ĐẦU GÂY TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ

Rotavirus là gì?

Rotavirus là một loại virus có thể lây nhiễm vào ruột gây tiêu chảy và nôn. Ở trẻ em, rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày ruột dẫn đến tiêu chảy cấp. Trước khi vaccine Rotavirus được sử dụng vào năm 2006, Rotavirus lây nhiễm gần như mọi trẻ em ở độ tuổi 3–5. Trên toàn cầu, rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây ra tiêu chảy nặng, mất nước ở trẻ dưới 5 tuổi, dẫn đến ước tính >500 000 ca tử vong ở trẻ em và >2 triệu ca nhập viện trên toàn thế giới vào năm 2000

Trẻ em có thể bị nhiễm rotavirus nếu:

- Chạm vào người bị bệnh hoặc bề mặt có virus và không rửa tay

- Ăn uống thực phẩm có chứa virus. Nếu người nhiễm rotavirus không rửa tay, họ có thể lây sang thức ăn mà họ chạm vào.

Người lớn cũng có thể bị nhiễm rotavirus, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở trẻ em.

Các triệu chứng của nhiễm Rotavirus là gì?

- Nôn

- Tiêu lỏng nước nhưng không có máu

- Sốt

Nếu bé bị nôn hoặc tiêu chảy, cơ thể trẻ có thể bị mất nước. Các triệu chứng mất nước đáng lưu ý bao gồm:

- Bé tiểu ít (Ít tã ướt hơn, nước tiểu màu vàng đậm hoặc nâu)

- Không có nước mắt khi khóc

- Khô miệng hoặc nứt môi

- Mắt trũng sâu

- Thóp lõm (ở trẻ nhũ nhi) –Khi trẻ bị mất nước, thóp trên đỉnh đầu của trẻ có thể trông như bị lõm xuống.

Chẩn đoán nhiễm Rotavirus như thế nào?

Nhiễm Rotavirus có thể được chẩn đoán dễ dàng, không xâm lấn bằng cách xét nghiệm mẫu phân của bé

Khi nào nên cho bé đi khám?

 Khi có bất kỳ dấu hiệu gợi ý bệnh như sốt, nôn, tiêu lỏng nên đưa bé đi khám để bác sĩ đánh giá, tư vấn hướng điều trị. Đặc biệt nên đưa trẻ khám ngay khi có các dấu hiệu nguy hiểm sau:

- Có bất kỳ triệu chứng mất nước nào

- Nôn mọi thứ

- Nôn ra máu, tiêu chảy ra máu

- Đau bụng dữ dội (có thể biểu hiện quấy khóc liên tục ở trẻ nhỏ)

- Không uống được bất cứ thứ gì trong vài giờ

- Không tiểu trong 6 đến 8 giờ (ở trẻ lớn hơn) hoặc không ướt tã trong 4 đến 6 giờ (ở trẻ nhỏ)

- Sốt cao và không đáp ứng thuốc hạ sốt

Biện pháp ngăn ngừa nhiễm Rotavirus

- Ăn sạch, uống sạch

- Vệ sinh tay (rửa tay bằng xà phòng hoặc dùng dung dịch sát trùng tay nhanh), vệ sinh tay cho trẻ và cả người chăm trẻ, vệ sinh tay trước khi chăm sóc trẻ và sau khi thay tả

- Làm sạch khu vực trẻ chơi và đồ chơi của trẻ

- Sử dụng vaccine ngừa Rotavirus. Đây là một vaccine hiệu quả, giúp giảm khả năng mắc bệnh cũng như giảm độ nặng của bệnh tiêu chảy do Rotavirus. WHO khuyến cáo rằng vaccine Rotavirus nên được đưa vào tất cả các chương trình tiêm chủng quốc gia và được ưu tiên, đặc biệt ở các quốc gia có tỷ lệ tử vong do tiêu chảy do Rotavirrus cao, như ở Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi cận Sahara.

Nguồn tham khảo: Uptodate, WHO

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.

Wildcard SSL