Bệnh rận mu: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Rận mu là một loài ký sinh trùng sống ở lông mu của người và hút máu, gây ngứa ngáy, khó chịu. Vừa qua, BVQT Phương Châu phát hiện và điều trị cho một trường hợp bé gái mới 2 tuổi mắc rận mu ở lông mi. Đây là một trường hợp vô cùng hiếm gặp vì rận mu thường rất ít tìm thấy ở trẻ em độ tuổi chưa dậy thì. Vậy bệnh rận mu là gì? Cách nhận biết triệu chứng và phòng ngừa bệnh rận mu như thế nào? Mời bạn đọc thêm trong bài viết sau để tìm hiểu rõ hơn về bệnh rận mu.

Bài viết được cố vấn nội dung chuyên môn bởi Khoa Xét nghiệm, Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu.

Hình ảnh rận mu qua soi được qua kính hiển vi tại Khoa Xét Nghiệm, BVQT Phương Châu

Ca lâm sàng nhiễm Pthirus pubis hiếm gặp tại BVQT Phương Châu

Bé gái 2 tuổi được người nhà đưa đến BVQT Phương Châu khám vì ngứa da và bong vảy da đầu. Tại phòng khám Da liễu, Ths. BS. Dương Lê Hồng Thảo đã thăm khám và soi da, ghi nhận trứng và kí sinh trùng di chuyển ở lông mi. Để xác định chính xác loại ký sinh trùng, BS. Thảo cho chỉ định xét nghiệm tìm ký sinh trùng.

Khoa Xét nghiệm, BVQT Phương Châu sau khi lấy mẫu và thực hiện kỹ thuật tìm ký sinh trùng. Kết quả phát hiện nấm men vị trí da đầu và phát hiện… rận mu trưởng thành ở lông mi.

 

Trứng rận mu ở lông mi khi bác sĩ soi qua kính
Trứng rận mu ở lông mi khi bác sĩ soi qua kính

 

Người nhà bé cho biết gia đình có 3 người, ba mẹ bé hiện không có triệu chứng, công việc văn phòng cơ bản. Tuy nhiên, nhà ở gần công trường nhiều bụi và quần áo thường xuyên ẩm ướt. Bác sĩ Thảo nhận định đây là một trường hợp mắc rận mu vô cùng hiếm gặp. Vì rận mu thường rất ít tìm thấy được ở trẻ em ở độ tuổi chưa dậy thì.

Rận mu là gì?

Rận mu có tên khoa học là Pthirus pubis, thuộc bộ Anoplura Pthirus. Chúng còn được gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn. Đây là loài ký sinh trùng nhỏ không cánh, sống bám vào lông của vật chủ và hút máu. Rận mu chủ yếu ký sinh trên người lớn và hiếm khi được tìm thấy ở trẻ em trước khi vào độ tuổi dậy thì.

Tập tính của rận mu có xu hướng sống và phát triển trên vật chủ suốt cuộc đời. Điều này có nghĩa là chúng không thường tự đi từ người này sang người khác mà mà chỉ lây truyền khi có tiếp xúc thông qua quan hệ tình dục hoặc các vật dụng cá nhân như quần áo, chăn, ga giường.

Đặc điểm sinh lý của rận mu

Rận mu có một chu kỳ phát triển qua ba giai đoạn chính: trứng, nhộng và con trưởng thành.

+ Giai đoạn trứng: Rận cái đẻ khoảng 30 - 50 trứng. Những trứng này gắn chặt vào chân lông của vật chủ và có kích thước khoảng 0,6 - 0,8 mm.

+ Giai đoạn nhộng: Sau khi nở từ trứng, các ấu trùng (nhộng) tiếp tục phát triển trên vật chủ và chuyển qua giai đoạn con trưởng thành.

+ Giai đoạn con trưởng thành: Con trưởng thành của rận mu có kích thước khoảng 0,8 - 1,2 mm. Chúng có cơ thể phẳng và rộng, với đầu tương đối ngắn và nằm trong một lõm của ngực. Ngực của chúng rộng và dính liền với bụng, tạo thành một khối. Rận mu có 6 chân, mỗi chân kết thúc bằng một móng vuốt ở cổ chân. Các móng vuốt trên cặp thứ 2 và thứ 3 của chân là rất lớn so với cặp đầu tiên, móng dài, khỏe và cong lại.

Rận mu thường đẻ trứng trên lông mu của vật chủ nhưng cũng có thể đẻ trứng ở các vùng khác như hậu môn, nách, đùi, bụng và thậm chí là ở lông mi và râu. Chúng thích sống trong môi trường thiếu vệ sinh và có thể lây lan nhanh chóng trong các môi trường có nhiều người. Vì thế, để ngăn ngừa và điều trị Pthirus pubis, việc duy trì vệ sinh cá nhân và sử dụng thuốc chống rận là cần thiết.

Hình ảnh rận mu (Nguồn ảnh: Viện sốt rét - KST - Côn trùng TPHCM)

 

Hình ảnh trứng rận mu (Nguồn ảnh: Viện sốt rét - KST - Côn trùng TPHCM)

 

Triệu chứng khi nhiễm rận mu

Ngứa là triệu chứng thường gặp

Ngứa là các triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm rận mu. Nguyên nhân là do nước bọt của rận, khi rận hút máu, nước bọt tiết ra tạo ra phản ứng. Ngứa xảy ra sau 1 - 2 tuần nhiễm bệnh. Tương tự như khi nhiễm các loại rận khác, ngứa dữ dội dẫn đến gãi nhiều, gây ra lở loét và nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu lông mi bị nhiễm rận, kèm theo nhiễm trùng thứ cấp có thể đưa tới viêm kết mạc mụn rộp và viêm giác mạc.

Một số triệu chứng khác

+ Bệnh nhân có thể mất ngủ, tâm thần bị ức chế.

+ Sẩn đỏ ngứa là biểu hiện phổ biến nhất, ngứa có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm.

+ Vết thâm và trầy xước trên da.

+ Cảm giác khó chịu khi trứng rận gắn liền với lông mi hoặc các vùng lông khác.

Khi thấy có rận mu trên đầu hoặc lông mi của một đứa trẻ có thể là một dấu hiệu cho thấy tiếp xúc tình dục hoặc bị lạm dụng. Người bị nhiễm nên được đánh giá đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác do rận mu được truyền qua tiếp xúc cơ thể gần gũi, có thể quan hệ tình dục.

Chẩn đoán nhiễm rận mu

Rận mu thường được chẩn đoán bằng cách thực hiện, xét nghiệm kiểm tra lông mu để tìm trứng, nhộng và con trưởng thành của chúng. Sau khi phát hiện, rận và trứng có thể được gỡ bỏ bằng kẹp hoặc cắt tóc bị nhiễm, sau đó đánh giá dưới kính hiển vi để xác định loài.

Nếu một thành viên trong gia đình bị nhiễm rận mu, tất cả các thành viên khác cần được kiểm tra để xác định sự lây lan. Chỉ những người bị nhiễm rận cần được điều trị bằng thuốc chống rận được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của rận mu và giảm thiểu các biến chứng sức khỏe.

Phòng bệnh rận mu bằng cách nào?

Để giảm nguy cơ mắc rận mu hoặc ngăn bệnh quay trở lại, người bệnh có thể thực hiện các cách sau đây:

+ Không tiếp xúc gần gũi hoặc quan hệ tình dục với người mắc bệnh.

+ Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như quần áo hoặc khăn tắm.

+ Hạn chế số lượng bạn tình, tránh quan hệ tình dục với những người có nhiều bạn tình.

+ Đi mua sắm, lúc thử đồ cần mặc đồ lót.

Khi nghi ngờ mắc phải hoặc tái phát bệnh rận mu, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ để được tư vấn liệu pháp chữa trị phù hợp. Hiện tại, phòng khám Da Liễu BVQT Phương Châu có tiếp nhận tư vấn, đăng ký xét nghiệm và tư vấn, điều trị bệnh rận mu.

Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ thông tin.

Wildcard SSL