RA HUYẾT TRONG THAI KỲ

BS.CKII. Nguyễn Duy Linh, Giám Đốc Chuyên môn, BVQT Phương Châu

* Có phải ra huyết trong khi mang thai luôn luôn là vấn đề nghiêm trọng?

Ra huyết âm đạo khi mang thai có rất nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân nguy hiểm, nhưng một số thì không đến nỗi nghiêm trọng lắm. Ra huyết có thể xảy ra giai đoạn sớm hoặc muộn hơn trong thai kỳ. Ra huyết giai đoạn sớm thường xảy ra hơn, đặc biệt trong 3 tháng đầu. Trong đa số trường hợp, đây không phải là vấn đề nghiêm trọng. Ra huyết giai đoạn muộn thai kỳ thường nghiêm trọng hơn. Hãy liên hệ ngay với BS Sản khoa khi bạn ra huyết bất cứ lúc nào trong thai kỳ để được khám và xử trí kịp thời.

* Ra huyết giai đoạn sớm thai kỳ thường xảy ra không?

Cứ 100 phụ nữ mang thai, có khoảng 15-25 thai phụ bị ra huyết âm đạo trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ra huyết ít có thể xảy ra 1-2 tuần sau khi đậu thai, khi trứng thụ tinh làm tổ trong lớp niêm mạc tử cung. Cổ tử cung cũng dễ bị chảy máu hơn trong thai kỳ bởi có nhiều mạch máu tăng sinh tại vị trí này và dẫn đến việc ra máu âm đạo. Một số nguyên nhân không thường xuyên gây ra huyết âm đạo thai 3 tháng đầu đó là ra huyết sau quan hệ hay sau làm Pap Test (phết tế bào tầm soát ung thư cổ tử cung) hay sau khi khám Phụ khoa.

* Những nguyên nhân thường gây ra huyết giai đoạn sớm thai kỳ?

Nguyên nhân thường gây ra huyết giai đoạn sớm thai kỳ bao gồm: dọa sẩy thai, sẩy thai, thai ngoài tử cung hay nhiễm khuẩn.

* Sẩy thai sớm là gì?

Sẩy thai trong 13 tuần đầu tiên của thai kỳ được gọi là sẩy thai sớm. Trong 100 thai kỳ thì có 10 thai kỳ bị sẩy. Ra huyết và đau co thắt bụng là dấu hiệu của sẩy thai sớm. Có khoảng 50% trường hợp sẩy thai không bị ra huyết trước đó.

* Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong lòng tử cung mà làm tổ ở vị khác, thông thường là ở 1 bên vòi trứng. Nếu vòi trứng bị vỡ, tình trạng chảy máu bên trong ổ bụng sẽ xảy ra, khi chảy máu nhiều sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt, đau bụng, cảm giác choáng hay thậm chí là gây ra tử vong.

Ra huyết âm đạo là một trong các triệu chứng của bệnh lý thai ngoài tử cung. Các triệu chứng khác bao gồm: đau bụng dưới, đau vùng chậu hoặc đau vai. Những triệu chứng này có thể xảy ra thậm chí trước khi bạn hay biết là mình đã có thai. Nếu bạn có những triệu chứng trên, nên liên hệ ngay với BS hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Thai ngoài tử cung cần phải được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

* Các nguyên nhân gây ra huyết giai đoạn muộn thai kỳ?

Các nguyên nhân thường gây ra huyết ít giai đoạn muộn thai kỳ bao gồm: viêm nhiễm hay tăng sinh mạch máu trên cổ tử cung. Ra huyết nhiều là 1 dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Ra huyết nặng thường liên quan đến những vấn đề của bánh nhau. Ra huyết nhiều cũng là dấu hiệu của chuyển dạ sanh non. Nếu bạn bị ra huyết giai đoạn muộn thai kỳ, hãy liên hệ ngay với BS hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

* Các vấn đề của bánh nhau gây ra huyết trong suốt thai kỳ?

Có một vài nguyên nhân của bánh nhau gây ra huyết giai đoạn muộn thai kỳ, bao gồm:

Nhau bong non: nhau bong non là tình trạng bánh nhau bị bóc tách khỏi thành tử cung trước hoặc trong quá trình chuyển dạ sinh. Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp nhất của nhau bong non là ra huyết và đau bụng hoặc đau lưng. Nhau bong non gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm. Thai nhi không đủ oxy còn thai phụ thì có thể sẽ bị mất máu nhiều.

Nhau tiền đạo: là tình trạng nhau nằm ở đoạn dưới của tử cung, nhau có thể che một phần hoặc che kín hoàn toàn cổ tử cung. Nhau tiền đạo có thể gây ra huyết âm đạo nhưng thường không gây đau. Một vài dạng nhau tiền đạo có thể tự mất trong giai đoạn 32 - 25 tuần khi đoạn dưới tử cung bị kéo căng và mỏng ra. Chuyển dạ sanh sau đó có thể được diễn ra bình thường. Nếu nhau tiền đạo không mất đi thì bạn không thể sanh ngả âm đạo và cần phải được phẫu thuật lấy thai.

Nhau cài răng lược: là tình trạng bánh nhau xâm lấn và không thể tách khỏi thành tử cung. Nhau cài răng lược có thể gây ra huyết âm đạo trong 3 tháng cuối thai kỳ và gây mất máu nhiều trong quá trình sanh. Hầu hết các trường hợp nhau cài răng lược có thể được phát hiện bằng siêu âm trong suốt thai kỳ. Đôi khi, một số trường hợp không được phát hiện cho đến khi thai nhi được sanh ra. Nếu bị nhau cài răng lược, bạn sẽ có nguy cơ bị đe dọa đến tính mạng do mất máu nhiều trong lúc sanh. Lúc này, các BS Sản khoa sẽ lên kế hoạch để chuẩn bị cho cuộc sanh được chuẩn bị cẩn thận và đảm bảo an toàn nhất có thể.

Bạn cần nên được theo dõi và chăm sóc y tế tại bệnh viện chuyên sâu với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm để có được một thai kỳ khỏe mạnh cũng như một cuộc sanh thật trọn vẹn. Phẫu thuật cắt tử cung thường được thực hiện sau sanh nhằm phòng ngừa việc mất máu nhiều đe dọa đến tính mạng của thai phụ.

* Ra huyết có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sanh non?

Trong giai đoạn muộn thai kỳ, ra huyết âm đạo có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sanh. Nếu chuyển dạ bắt đầu trước 37 tuần của thai kỳ, được gọi là chuyển dạ sanh non. Các dấu hiệu của chuyển dạ sanh non bao gồm:

- Thay đổi dịch tiết âm đạo (bao gồm nước, dịch nhày hoặc máu) hoặc gia tăng số lượng dịch tiết âm đạo

- Trằn nặng bụng dưới hoặc vùng chậu

- Đau lưng âm ỉ, liên tục

- Đau quặn bụng có hoặc không có kèm theo bị tiêu chảy

- Co thắt tử cung thường xuyên, đều đặn, thường không gây đau (4 cơn co thắt trong 20 phút hoặc 8 cơn trong 1 giờ)

- Vở màng ối (ra nước từ âm đạo, ồ ạt hoặc ra nước nhỏ giọt)

Chuyển dạ sanh non được xử trí dựa trên việc cân nhắc đem lại những lợi ích tốt nhất cho mẹ và thai nhi. Trong nhiều trường hợp, các loại thuốc dùng trong chuyển dạ sẽ được sử dụng. Khi chuyển dạ sinh non không thể kiểm soát được hoặc có lý do cần thiết phải cho thai nhi sinh ra sớm, lúc này thai nhi sẽ được cho sinh ra.

* Tài liệu tham khảo: https://www.acog.org/womens-health/faqs/bleeding-during-pregnancy

Wildcard SSL