QUY TRÌNH VÀ LỢI ÍCH

SÀNG LỌC TRƯỚC SINH TẠI PHƯƠNG CHÂU

BS. CKI. Nguyễn Thị Nhã Đan – Yên An

 

Ai đã từng làm mẹ đều sẽ trải qua và hiểu cảm giác lo lắng và mong mỏi sự trưởng thành toàn diện, vuông tròn của con. Ngày nay cụm từ “Sàng lọc trước sinh” không còn xa lạ với các mẹ bầu.

Và điều chúng ta ngày càng quan tâm nhiều hơn chính là chọn lựa những giải pháp an toàn, dễ dàng và nhanh chóng. Chính vì thế, nhiều mẹ bầu thông thái đã chọn việc thực hiện sàng lọc trước sinh kịp thời và khoa học để thực hiện tầm soát đầy đủ và bao quát các nguy cơ, yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe thai kỳ của hai mẹ con. Chỉ có như thế, những tháng ngày an dưỡng thai kỳ của mẹ bầu cùng bé yêu mới thật sự thoải mái và yên tâm.

Vậy quy trình sàng lọc trước sinh tại Phương Châu như thế nào? Tầm quan trọng và lợi ích ra sao?

Mời các ông bố, mẹ bầu cùng tham khảo nhé!

BS. Nguyễn Thị Nhã Đan tư vấn quy trình sàng lọc trước sinh cho khách hàng

 

GIAI ĐOẠN 3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ:

- Xét nghiệm huyết đồ, nhóm máu, yếu tố Rhesus, Rubella, đường huyết, Viêm gan B, HIV, … có tầm quan trọng như thế nào?

Nhờ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về sức khỏe của mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi, đồng thời theo dõi những nguy cơ bất thường có thể xảy ra. Cụ thể, tầm quan trọng của xét nghiệm máu khi mang thai như sau:

  • Xác định nhóm máu:

Nhóm máu hệ ABO: Phòng trường hợp cần truyền máu khi mang thai hoặc sinh nở, mẹ bầu nên kiểm tra nhóm máu để chuẩn bị. Thông thường, nhóm máu O là phổ biến nhất, sau đó mới đến nhóm máu A, B và AB.

Nhóm máu hệ Rhesus (Rh): Nếu mẹ là Rhesus âm (Rh-), trong khi bố là Rhesus dương (Rh+), bé con sinh ra có thể mang nhóm máu Rh+. Lúc này, trong thai kỳ, cơ thể mẹ sẽ sản xuất những kháng thể, phá hủy hồng cầu ở cơ thể bé. Do đó, với trường hợp này, bà bầu có nhóm máu Rh- sẽ được tiêm Globulin miễn dịch Rh, ngăn chặn các kháng thể chống Rh gây nguy hiểm trong quá trình mang thai hay lần mang thai tiếp theo.

  •  Kiểm tra hàm lượng sắt:

Xét nghiệm máu khi mang thai cho biết hàm lượng hemoglobin có trong máu. Nếu lượng chất này thấp, đây là dấu hiệu mẹ bầu đang thiếu máu, thiếu sắt. Cơ thể phụ nữ mang thai cần lượng sắt cao hơn so với người bình thường để sản xuất hemoglobin, mang ô-xy vào hồng cầu.

  •  Phát hiện bất thường hồng cầu:

Thông qua việc xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh tế bào hình liềm hoặc thalassaemia. Hai căn bệnh rối loạn tế bào máu này có thể gây ra hiện tượng thiếu máu ở bố, mẹ, và có thể di truyền cho thai nhi dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ.

  •  Kiểm tra mức độ kháng thể với Virus Rubella:

Hầu hết phụ nữ miễn dịch với virus Rubella nhờ được tiêm phòng từ nhỏ. Nếu mẹ bầu nào chưa có miễn dịch, trong thai kỳ, virus này có thể gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu, cũng như một số dị tật bẩm sinh khác liên quan đến thị giác, thính giác, tim.

  •  Phát hiện CMV (Cytomegalo Vius):

Virus này lây truyền từ người này sang ngưới khác qua tiếp xúc. Bệnh chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm máu. Với người bình thường, bệnh không để lại biến chứng gì lớn. Tuy nhiên, đối với bà bầu, sự lây truyền qua nhau thai chiếm khoảng 50% các trường hợp mắc virus. Hệ quả của CMV là sảy thai, dị tật bẩm sinh liên quan đến khả năng nghe, nhìn, chậm phát triển.

  •  Chẩn đoán Viêm gan B:

Bệnh viêm gan B thường rất khó phát hiện. Do đó, xét nghiệm máu là cách phổ biến nhất để chẩn đoán bệnh. Mẹ mắc viêm gan B nguy cơ truyền bệnh cho con là rất cao, khiến gan của bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do đó, khi phát hiện bệnh trong thai kỳ, mẹ bầu sẽ được chỉ định tiêm một mũi Globulin miễn dịch. Về em bé, cần một mũi vắc xin viêm gan B trong vòng 12 giờ sau sinh và một mũi nhắc lại khoảng 1 - 2 tháng sau sinh, mũi thứ 3 lúc 6 tháng.

  •  Phát hiện bệnh Giang mai:

Vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, xoắn khuẩn giang mai từ mẹ có thể nhiễm vào thai nhi, gây thai chết lưu, sinh non. Nếu trẻ vẫn được sinh ra bình thường, nguy cơ mắc bệnh giang mai bẩm sinh trễ là rất cao. Giang mai bẩm sinh trễ có triệu chứng lâm sàng xuất hiện 10 - 20 năm sau với nhiều thay đổi về sinh lý, thần kinh, khiếm khuyết trí lực…

  •  Tìm kháng thể HIV:

Tất cả các chuyên gia khuyến cáo và đề nghị phụ nữ mang thai phải được xét nghiệm virus HIV, virus gây bệnh AIDS. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, thai phụ và em bé sẽ được điều trị để giúp duy trì sức khỏe của mẹ và thai nhi, cũng như làm giảm đáng kể nguy cơ em bé nhiễm virus HIV.

- Siêu âm hình thái thai nhi: có thể phát hiện thai vô sọ, khe hở thành bụng, thoát vị rốn, nang bạch huyết vùng cổ thai nhi, cụt chi. Khi có những dị tật bẩm sinh nặng nề này, các bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ và gia đình nên chấm dứt thai kỳ.

- Tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày sẽ thực hiện sàng lọc Double Test: bằng cách kết hợp các yếu tố: tuổi mẹ, siêu âm đo độ mờ da gáy thai nhi, xương mũi, và xét nghiệm 2 chất trong máu của người mẹ (beta hCG, PAPP-A) để đánh giá nguy cơ Trisomy 21 (hội chứng Down), trisomy 18, 13. Xét nghiệm sẽ cho kết quả “Nguy cơ cao” hoặc “Nguy cơ thấp” mà không khẳng định chính xác. Sau khi có kết quả “Nguy cơ cao” thai phụ cần được làm các xét nghiệm xâm lấn để chẩn đoán như sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối.

 

GIAI ĐOẠN 3 THÁNG GIỮA THAI KỲ:

- Tuần thứ 15 - 17: thực hiện Triple test (trong trường hợp chưa kịp thực hiện Double Test ở giai đoạn 11 – 13 tuần 06 ngày) tầm soát nguy cơ hội chứng Down, trisomy 18 và khuyết tật ống thần kinh thai nhi. Bằng cách kết hợp tuổi mẹ và 3 chất trong máu của mẹ: AFP, hCG và uE3. Người ta kết hợp 3 trị số này và tính được nguy cơ cụ thể cho mỗi thai kỳ.

- Tuần thứ 21 - 24: siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi phát hiện các dị tật bẩm sinh như:

  •  Các bất thường của hệ thần kinh như thai vô sọ, thoát vị màng não, não úng thủy, thoát vị màng não tủy, tật nứt đốt sống…
  •  Các bất thường của hệ tim mạch như dị tật van tim, bất thường mạch máu lớn, phì đại tâm thất, thiểu sản tâm thất…
  •  Các bất thường ở lồng ngực như teo thực quản, thoát vị cơ hoành, tràn dịch màng phổi, nang kén trong lồng ngực…
  •  Các dị tật của dạ dày - ruột như: teo ruột, khe hở thành bụng, thoát vị rốn…
  •  Các dị tật của hệ sinh dục - tiết niệu như thận ứ nước, thận đa nang, thiểu sản thận, van niệu đạo…
  •  0Các dị tật của hệ cơ xương như loạn sản xương, gãy xương, ngắn chi…

Máy siêu âm Voluson E6 HDlive cho hình ảnh thai nhi rõ nét tại Phương Châu

 

SÀNG LỌC TRƯỚC SINH KHÔNG XÂM LẤN NIPT: Là phương pháp xét nghiệm ADN của thai nhi thông qua máu người mẹ.

- NIPT là chữ viết tắt của Noninvasive prenatal test (Sàng lọc trước sinh không xâm lấn), là một phương pháp được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của người mẹ để phân tích và đánh giá mức độ bất thường NST của thai nhi. Kỹ thuật này có khả năng phát hiện rất cao (> 99%) và dương tính giả rất thấp (<1%), vượt trội hơn rất nhiều so với những xét nghiệm sàng lọc trước đây (Double Test, Tripple Test). Chính vì lý do đó, NIPT giúp giảm số lượng đáng kể những thai phụ phải thực hiện các xét nghiệm xâm lấn (sinh thiết gai nhau hay chọc ối) làm giảm tối đa những nguy cơ có thể xảy ra khi làm thủ thuật.

 

GIAI ĐOẠN 3 THÁNG CUỐI THAI KỲ: phòng ngừa tai biến sản khoa

- Chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ

- Phát hiện những thai kỳ nguy cơ cao: nhau tiền đạo, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ…

- Siêu âm phát hiện các dị tật xuất hiện muộn như: ngắn chi, chẩn đoán thai chậm tăng trưởng, dây rốn quấn cổ thai, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược…

- Thực hiện Test dung nạp đường để phát hiện bệnh đái tháo đường ở sản phụ đang mang thai (24 – 28 Tuần)

- Xét nghiệm GBS:

Liên cầu nhóm B (Group B streptococcus – GBS ) là tên gọi của một loại vi khuẩn thường trú. GBS được tìm thấy ở đoạn cuối ruột non của 15- 40% phụ nữ khỏe mạnh và ở đường âm đạo hoặc trực tràng của 10-30% thai phụ. Bình thường, hầu hết phụ nữ mang thai bị nhiễm GBS rất ít biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, việc nhiễm GBS có thể gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, vỡ màng ối, viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ, thai chết và sanh non.

* GBS được xem là tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng sơ sinh đặc biệt là các trẻ sinh thường. Thai phụ sẽ được xét nghiệm vào những tuần cuối của thai kỳ, nếu GBS dương tính, thai phụ sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh vào thời điểm trước lúc sinh để dự phòng lây nhiễm cho bé.

- Tư vấn và giải đáp thắc mắc cho sản phụ về các vấn đề chọn lựa phương pháp sanh an toàn và phù hợp nhất.

Wildcard SSL