[Nhật Ký Mẹ-Con Cùng Khỏe]

Phần 5, Series GIẢI TỎA NỖI LO VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ CÙNG MẸ BẦU

TS.BS.Trần Thị Trúc Linh, CK Nội tiết, Trưởng P.KHTH, Tập Đoàn Y Tế Phương Châu

Dinh dưỡng điều trị là nền tảng và phải bắt đầu sớm sau khi xác định chẩn đoán Đái tháo đường thai kỳ cũng như duy trì liên tục cho đến tận khi sau sinh…

Luyện tập vừa phải giúp cải thiện kiểm soát đường huyết ở thai phụ đái tháo đường thai kỳ đã được ghi nhận…

Khi chế độ ăn và luyện tập không đảm bảo kiểm soát được glucose máu thì thai phụ đái tháo đường thai kỳ cần được điều trị phối hợp với insulin. Điều trị insulin làm giảm tỷ lệ các biến chứng ở thai nhi. Insulin đã được chứng minh là phù hợp với thai kỳ và được khuyến cáo là thuốc lựa chọn điều trị cho phụ nữ đái tháo đường khi mang thai.

Hình 1: hình ảnh tư liệu một buổi tập yoga bầu được chụp trước ngày 27/4

Thông tin trên từ bác sĩ đã phần nào mang lại sự an tâm cho người mẹ điều trị bằng insulin khi mắc đái tháo đường thai kỳ. Cùng với đó là vai trò quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong điều trị cũng như chế độ luyện tập phù hợp dành cho người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ dù ở bất kỳ giai đoạn nào, trải dài tiến trình từ trước sinh đến sau sinh.

TS.BS.Trần Thị Trúc Linh, bác sĩ chuyên khoa Nội tiết có những hướng dẫn chi tiết thêm về chế độ dinh dưỡng trong điều trị cũng như chế độ luyện tập phù hợp tiếp nối chuỗi bài viết trong Series này gửi đến các gia đình.

1. Chế độ dinh dưỡng của đái tháo đường thai kỳ ra sao?

Dinh dưỡng điều trị là nền tảng và phải bắt đầu sớm sau khi xác định chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ và duy trì liên tục cho đến tận khi sau sinh.

Tất cả các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ cần được tư vấn về dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý, cung cấp đủ calo và các chất dinh dưỡng cho người mẹ và thai nhi, nhưng phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát đường máu. Điều này giúp tối ưu hóa vấn đề kiểm soát đường máu đồng thời tránh nhiễm ceton và giảm nguy cơ hạ đường máu ở thai phụ sử dụng insulin.

Ở thai phụ đái tháo đường thai kỳ, hậu quả bất lợi liên quan đến tăng đường máu sau ăn. Do đó, mục đích quan trọng của liệu pháp ăn kiêng là làm giảm mức đường máu sau ăn.

Nhu cầu năng lượng cho thai phụ đái tháo đường thai kỳ khoảng 30 - 35 kcal/kg/ngày cho người có cân nặng bình thường, 25 - 30 kcal/kg cho người thừa cân và 35 - 40 kcal/kg cho người có cân nặng thấp. Trung bình năng lượng 1500 cal/ngày - 1800 cal/ngày là hợp lý. Đặc biệt chú ý năng lượng từ carbohydrate nên được hạn chế ở mức 33 - 40%, lượng calo còn lại chia ra protein 20% và chất béo 40%.

Bữa ăn nên chia nhỏ làm nhiều lần trong ngày: 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ (giữa buổi sáng, giữa buổi chiều, trước khi đi ngủ), để phân phối tiêu thụ glucose và giảm sự biến động glucose máu sau ăn, giúp kiểm soát glucose máu tốt hơn. Tổng lượng calo phân chia 20% cho bữa sáng, 30% cho bữa trưa, 30% cho bữa tối, 20% cho các bữa phụ.

Chế độ ăn không có đường hấp thu nhanh, giàu canxi và sắt, đảm bảo cân đối và đủ các thành phần dinh dưỡng, vitamin và các yếu tố vi lượng, cung cấp đủ nhu cầu trong thời gian mang thai; duy trì kiểm soát glucose máu tốt, không gây tăng glucose máu lúc đói, sau khi ăn; kiểm soát được cân nặng trong suốt thời gian mang thai.

Hình 2: hình ảnh tư liệu một buổi tập yoga bầu được chụp trước ngày 27/4

2. Chế độ tập luyện như thế nào là phù hợp trên đái tháo đường thai kỳ?

Luyện tập vừa phải giúp cải thiện kiểm soát đường huyết ở thai phụ đái tháo đường thai kỳ đã được ghi nhận.

ADA khuyến cáo nếu thai phụ không có chống chỉ định về sản khoa và nội khoa thì nên bắt đầu hoặc tiếp tục tập luyện mức vừa phải. Nỗ lực này làm tăng nhạy cảm với insulin của các tế bào, giảm đề kháng insulin, do đó làm giảm glucose máu ở người mẹ.

- Đi bộ sau bữa ăn mỗi ngày 20 - 30 phút là hoạt động nên thực hiện ở thai phụ, giúp kiểm soát glucose máu tốt hơn.

- Bơi cũng là một bài tập tốt cho thai phụ.

- Thai phụ đái tháo đường thai kỳ cũng có thể tham gia các lớp tập thể dục, yoga... nhưng chỉ nên tập với cường độ thấp hơn so với mức đã từng tập trước đây. Lời khuyên kèm theo dành cho các thai phụ là nên tránh các bài tập có sự va chạm, xoắn vặn, thay đổi tư thế đột ngột. Trong khi tập nên giữ cho nhịp tim không vượt quá 140 lần/phút và không để tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài quá 20 phút cho mỗi buổi tập.

Lưu ý, người mẹ không nên tập khi có phù nhiều, huyết áp không kiểm soát được, đường máu quá cao hoặc quá thấp.

Mời các gia đình xem lại các phần của Series Giải Tỏa Nỗi Lo Về Đái Tháo Đường Thai Kỳ Cùng Mẹ Bầu với các phần: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Thông tin liên hệ: tổng đài 1900 54 54 66 hoặc 02923 222 696 (CSKH Đa khoa)

Hoặc gửi thông tin trao đổi bằng cách inbox (gửi tin nhắn cho Fanpage Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu)

Wildcard SSL