OMICRON – TỐC ĐỘ LÂY LAN VÀ HIỆU QUẢ CỦA VACCINE

Khoa dược – Bộ phận Dược lâm sàng

Tóm lược

Omicron là biến thể SARS ‐ CoV -2 đột biến cao (thuộc dòng Pango B.1.1.529), được thu thập lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 11 năm 2021, tại tỉnh Gauteng của Nam Phi. Vào cuối tháng 11 năm 2021, biến thể đã lan rộng theo hướng cố định ở Gauteng và được phát hiện trên tất cả các lục địa. Dữ liệu được thu thập cho đến ngày 7 tháng 12 năm 2021 cho thấy sự tăng trưởng theo cấp số nhân của biến thể Omicron trong khoảng thời gian bốn tuần ở Gauteng (8 tháng 11 - 5 tháng 12 năm 2021) với thời gian nhân đôi bằng 3,38 ngày [CI 95%: 3,18 - 3,61 ngày]. Hồi quy tuyến tính (log-linear) cho thấy rằng sự lan truyền bắt đầu vào khoảng ngày 10 tháng 10 năm 2021, tuy nhiên do tính ngẫu nhiên trong sự lây lan ban đầu, ước tính này có thể không chính xác. Phân tích phát sinh loài (Phylogenetic analysis) chỉ ra rằng chủng Omicron bắt đầu phân hóa trong khoảng thời gian từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 5 tháng 11 năm 2021. Điều này ngụ ý rằng sự lây lan ẩn của Omicron trước ngày 10 tháng 10 năm 2021 (điều này cho thấy sự phát triển của chủng chậm hơn) là khó có thể xảy ra. Thời gian nhân đôi rất ngắn của Omicron ở Gauteng, một tỉnh đã đạt được miễn dịch cộng đồng đối với biến thể Delta (ngụ ý rằng số ca mắc bệnh giảm hàng tuần trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2021, không có hạn chế di chuyển đáng kể), cho thấy rằng Omicron sẽ gây bùng phát đột ngột dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới và sẽ trở thành chủng vi rút chiếm ưu thế (tạm thời).

Giới thiệu

Omicron, biến thể mới của SARS-CoV- 2 (Dòng Pango B.1.1.529, mã định danh dòng theo Nextstrain 21K, được thu thập lần đầu tiên ở tỉnh Gauteng của Nam Phi, ngày 8 tháng 11 năm 2021 ID gia nhập trình tự GISAID: EPI_ISL_6913995) có đặc điểm là sự thay thế 30 amino acid, mất ba đoạn nhỏ và một đoạn chèn nhỏ trong protein gai so với virus SARS-CoV- 2 ban đầu. Nhìn chung, Omicron có 51 đột biến amino acid và người chị em biểu sinh gần nhất được biết đến của nó có 15 đột biến (ID truy cập trình tự GISAID: EPI_ISL_622806) với chỉ 9 đột biến phổ biến, do đó Omicron có khoảng cách 42 đột biến so với tổ tiên chung cuối cùng (dựa trên cây phát sinh loài được tạo bởi Nextstrain). Thu thập biểu sinh của Omicron vào ngày 13 tháng 9 năm 2020, cho thấy hơn một năm tiến hóa trong một môi trường biệt lập, có thể ở vật chủ bị suy giảm miễn dịch, nhưng cần có thêm dữ liệu để loại trừ hoặc xác nhận sự tồn tại của các nhánh ẩn. Biến thể bắt đầu lây lan nhanh chóng ở tỉnh Gauteng vào tháng 11 năm 2021, đạt mức ổn định vào cuối tháng 11 và gây ra một đợt bùng dịch đột ngột trong tỉnh. Dựa trên dữ liệu GISAID và dữ liệu tỉnh Gauteng về số ca COVID ‐ 19 hàng ngày, cả hai đều được truy cập vào ngày 7 tháng 12 năm 2021, nhóm tác giả sẽ ước tính thời gian nhân đôi của chủng Omicron và ngày phát sinh biến thể.

Kết quả

Biến thể Delta (dòng B.1.617.2) trở thành biến thể thống trị ở Gauteng vào tháng 6 năm 2021, gây ra một đợt dịch bệnh đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 7 năm 2021, Hình 1A. Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2021, số trường hợp mắc COVID-19 hàng tuần đã giảm xuống, mặc dù không giảm đáng kể mức độ di chuyển của dân số tại các nơi làm việc và trung tâm bán lẻ và giải trí, Hình 1B. Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh nhanh chóng (Hình 1A). Hình 1C cho thấy sự phát triển theo cấp số nhân của biến thể Omicron trong các tuần 45-48, 2021 (8 tháng 11 - 5 tháng 12). Việc ước tính số ca nhiễm Omicron dựa vào tỷ lệ số bộ gen Omicron so với tất cả các bộ gen được thu thập trong một tuần nhất định và tổng số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận hàng tuần (xem Bảng 1). Vì dữ liệu về bộ gen vào tuần 48, năm 2021 vẫn chưa có nên giả định rằng trong tuần đó tất cả các trường hợp tại Gauteng đều do Omicron. Phương pháp này, không chỉ phân tích tỷ lệ bộ gen của dòng mới, mà còn cho phép theo dõi sự phát triển của Omicron trong các tuần 46–47, năm 2021.

* Giả sử tất cả ca đều nhiễm biến chủng Omicron

Tỷ lệ nhân đôi của Omicron hàng tuần được ước tính là 4,20 [CI 95%: 3,84–4,60] tương ứng với thời gian nhân đôi bằng 3,38 ngày [CI 95%: 3,18–3,61 ngày]. Hồi quy tuyến tính (log-linear) cho thấy rằng sự phát triển theo cấp số nhân của Omicron đã bắt đầu vào khoảng ngày 10 tháng 10 năm 2021, tuy nhiên sự phát triển của dịch bệnh ban đầu là rất ngẫu nhiên và có thể bị xáo trộn nặng nề bởi sự xuất hiện của những cá thể siêu lây nhiễm. Sự tích lũy đột biến trong Hình 1D chỉ ra rằng chủng Omicron bắt đầu phân hóa từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 5 tháng 11 năm 2021 (95% CrI), với tỷ lệ tích lũy đột biến trung bình bằng 0,47 / tuần [CrI 95%: 0,38–0,57], phù hợp với tỷ lệ tích lũy đột biến SARS-CoV- 2 trung bình bằng 0,45 / tuần (dựa trên ước tính của Nextstrain tính đến ngày 7 tháng 12 năm 2021).

A Số ca bệnh tổng hợp theo tuần của Omicron, Delta và các biến thể khác ở tỉnh Gauteng ở Nam Phi.

B Mức di chuyển trung bình hàng tuần trong các ngày làm việc ở tỉnh Gauteng tại các nơi làm việc và trung tâm bán lẻ & giải trí.

C Sự phát triển theo cấp số nhân của chủng Omicron trong các tuần 45-48, 2021 (8 tháng 11 - 5 tháng 12) ở tỉnh Gauteng.

D Tích lũy các đột biến của Omicron trên toàn thế giới dựa trên cây phát sinh loài Nextstrain. Đường màu xanh lục cho thấy xu hướng tích lũy đột biến được xác định bằng hồi quy tuyến tính, giả sử phân phối Poisson của số lượng đột biến trong một thời gian nhất định. Khoảng tin cậy 95% được hiển thị bằng hình chữ nhật màu xanh lục nhạt.

Thảo luận

Nhóm tác giả đã chứng minh sự tăng trưởng theo cấp số nhân của chủng Omicron ở tỉnh Gauteng của Nam Phi trong khoảng thời gian bốn tuần từ ngày 8 tháng 11 đến ngày 5 tháng 12 năm 2021, với thời gian nhân đôi bằng 3,38 ngày [CI 95%: 3,18–3,61 ngày]. Dựa trên hồ sơ tích lũy đột biến, chủng Omicron bắt đầu phân kỳ trong khoảng thời gian từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 5 tháng 11 năm 2021, tức là sau ngày 10 tháng 10, ngày được gợi ý bởi hồi quy log-tuyến tính về số trường hợp hàng tuần. Sự khác biệt có thể được giải thích bởi sự xuất hiện của một hoặc nhiều cá thể siêu lây nhiễm vào đầu tháng 11 có thể gây ra sự gia tăng mạnh của số lượng ca nhiễm Omicron trước khi sự tăng trưởng theo cấp số nhân đều đặn hơn bắt đầu. Trước ngày 8 tháng 11 không có bộ gen Omicron nào được tìm thấy. Nhưng từ ngày 8 đến 15 tháng 11, 61 bộ gen Omicron được thu thập trên thế giới. Ngày phân kỳ ước tính từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 5 tháng 11 năm 2021, cùng với việc thiếu bộ gen Omicron được phát hiện trước ngày 8 tháng 11, ngụ ý rằng sự lưu hành của Omicron vào tháng 10 hoặc tháng 9 năm 2021 khó có thể xảy ra.

Trước khi bùng phát biến thể Omicron, biến thể Delta là chủng chủ yếu ở Gauteng, và từ tháng 7 đến tháng 10, dịch COVID-19 đã thuyên trong khi luồn dân cư không di chuyển đáng kể, cho thấy rằng quần thể Gauteng đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng đối với biến thể Delta. Khả năng miễn dịch ở cấp độ quần thể rõ ràng đã bị phá vỡ bởi biến thể Omicron. Omicron đã tích lũy hơn 30 đột biến trong protein gai, chỉ riêng trong miền liên kết thụ thể (the receptor binding domain - RBD) đã có 15 sự thay thế. Nhiều đột biến RBD này được cho là làm giảm hiệu lực của các kháng thể trung hòa. Điều này phù hợp với nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng sự lây lan của biến thể Omicron về cơ bản làm tăng tỷ lệ nguy cơ tái nhiễm so với các biến thể cũ.

Thời gian nhân đôi Omicron nằm trong khoảng 3,18–3,61 ngày ở tỉnh Gauteng, dài hơn nhưng có thể so sánh với thời gian nhân đôi trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 đầu tiên vào mùa xuân năm 2020 được tìm thấy trong khoảng từ 1,86 đến 2,88 đối với Trung Quốc, Ý. , Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Sĩ và Bang New York. Thời gian nhân đôi của Omicron ngắn như vậy chứng tỏ rằng nó có khả năng sẽ cạnh tranh với biến thể Delta, trở thành (tạm thời) là chủng vượt trội và gây ra dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Những đợt bùng phát này có thể khó kiểm soát bằng các loại vắc-xin hiện tại (như đã được gợi ý bởi sự gia tăng đột ngột của các trường hợp Omicron ở Đan Mạch và Vương quốc Anh với tỷ lệ tiêm chủng lần lượt là 69% và 77%) cũng như các đợt giãn cách xã hội do sự mệt mỏi khi giãn cách ngày càng tăng.

Hiệu quả của vắc xin COVID-19 đối với biến thể Omicron (B.1.1.529)

Giới thiệu

Như đã đề cập ở bài báo trên, một số lượng lớn các đột biến đã được xác định trong biến thể Omicron, bao gồm nhiều đột biến đối với vùng liên kết thụ thể của protein gai có liên quan đến việc giảm phản ứng kháng thể. Dữ liệu khẩn từ phòng thí nghiệm cho thấy phản ứng kháng thể trung hòa với Omicron giảm so với vi rút COVID-19 ban đầu hoặc biến thể Delta ở những người được tiêm chủng, mặc dù liều tăng cường đã làm tăng hiệu giá kháng thể. Kháng thể trung hòa được phát hiện có mối tương quan với việc bảo vệ chống lại sự tái nhiễm và hiệu quả của vắc xin, do đó, có thể dự đoán việc hiệu quả vắc xin trên Omicron giảm dựa trên những phát hiện ban đầu trong phòng thí nghiệm.

Vắc xin COVID-19 đã được chứng minh là có hiệu quả cao đối với bệnh có triệu chứng và bệnh nặng với chủng COVID-19 ban đầu cũng như biến thể Alpha chiếm ưu thế vào đầu năm 2021. Các biến thể Beta và biến thể Delta đã giảm hiệu quả vắc xin chống lại việc nhiễm và các ca bệnh nhẹ, mặc dù hiệu quả chống lại bệnh nặng vẫn cao. Tuy nhiên, sự suy giảm khả năng bảo vệ vài tháng sau 2 mũi tiêm chính đã được ghi nhận với biến thể Delta, tuy nhiên, liều tăng cường dẫn đến sự gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ chống lại cả kết quả bệnh nhẹ và nặng.

Chương trình tiêm chủng COVID-19 của Vương quốc Anh đã được áp dụng từ tháng 12 năm 2020 với liệu trình chính gồm 2 liều BNT162b2 (Pfizer-BioNTech, Comirnaty®), ChAdOx1-S (Vaxzevria, AstraZeneca) hoặc mRNA-1273 (Spikevax, Moderna). Tỷ lệ bao phủ 2 liều là hơn 60% ở tất cả các nhóm trên 20 tuổi và hơn 80% ở tất cả các nhóm trên 50 tuổi và hiện nay tiêm chủng cũng đang được cung cấp cho trẻ em trên 12 tuổi. Tiêm vắc xin tăng cường với BNT162b2 hoặc một nửa liều (50μg) mRNA-1273 được giới thiệu vào tháng 9 năm 2021 cho người lớn trên 50 tuổi và những người trong nhóm nguy cơ, sau đó được mở rộng cho tất cả người lớn. Ban đầu mũi tăng cường được cung cấp 6 tháng sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm chính. Với sự xuất hiện của biến thể Omicron, khoảng cách này đã giảm xuống còn 3 tháng.  

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả ước tính hiệu quả của vắc-xin đối với những ca có triệu chứng với 2 liều BNT1622 và ChAdOx1-S cũng như liều tăng cường BNT162b2 sau một đợt chính BNT1622 hoặc ChAdOx1-S.

Thiết kế nghiên cứu

Một thiết kế đối chứng trường hợp âm tính (A test negative case control) đã được sử dụng để ước tính hiệu quả của vắc xin đối với trường hợp nhiễm Omicron có triệu chứng so với Delta. Tỷ lệ tiêm chủng trong các trường hợp PCR dương tính được so sánh với tỷ lệ tiêm chủng ở những người có kết quả xét nghiệm âm tính.

Việc xác định trình tự gen của virus được thực hiện tại một mạng lưới các phòng thí nghiệm, bao gồm cả Viện Wellcome Sanger, và trình tự toàn bộ bộ gen được xác định theo các định nghĩa của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UK Health Security Agency-UKHSA) về các biến thể dựa trên đột biến. Trạng thái đích của gen Spike (gen S) trên PCR là cách tiếp cận thứ hai để xác định từng biến thể vì biến thể Omicron có liên quan đến kết quả đích gen S âm tính (S-gen target fail, SGTF) trong thử nghiệm PCR với xét nghiệm Taqpath trong khi với biến thể Delta, mục tiêu gen S hầu như luôn luôn dương tính (24).

Kết quả

Trong các trường hợp được giải trình tự từ thử nghiệm Pillar 2 nơi xét nghiệm gen S được thực hiện, tỷ lệ các xét nghiệm âm tính gen S được giải trình tự là Omicron là 6/12 (50%) vào ngày 25 tháng 11, 13/20 (65%) vào ngày 26 tháng 11, 18/20 (90%) vào ngày 27 tháng 11, 10/11 (91%) vào ngày 28 tháng 11 và 17/19 (89%) vào ngày 29 tháng 11. Do đó, nhóm nghiên cứu sử dụng các trường hợp từ ngày 27 tháng 11 trong đó giá trị dự đoán dương tính trên 80%. Giải trình tự gen hoặc xét nghiệm gen S đều được sử dụng để xác định các trường hợp Omicron và Delta, trong đó kết quả giải trình tự được ưu tiên.

Có 581 trường hợp Omicron có triệu chứng được xác định trong suốt thời gian nghiên cứu bằng cách giải trình tự hoặc SGTF và được liên kết với Hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia (The National Immunisation Management System – NIMS). Trong cùng kỳ, có 56.439 trường hợp Delta đủ điều kiện và 130.867 trường hợp âm tính đối chứng.

Hiệu quả của vắc-xin ở những ca bệnh có triệu chứng theo giai đoạn sau 2 liều và liều tăng cường được thể hiện trong Hình 1 Bảng 2. Liều tăng cường ở cả hai trường hợp (đã tiêm 2 liều BNT162b2 hoặc ChAdOx1) là BNT162b2. Ngoài khoảng 2-9 tuần sau liều 2 đối với BNT162b2, hiệu quả của vắc xin đối với Omicron thấp hơn so với Delta ở mọi khoảng thời gian được khảo sát. Trong số những người đã được tiêm 2 liều ChAdOx1 từ tuần 15 sau liều thứ 2, vắc xin không có hiệu quả đối với những ca nhiễm Omicron có triệu chứng. Trong số những người đã nhận được 2 liều BNT162b2, hiệu quả của vắc xin là 88,0% (CI 95%: 65,9 đến 95,8%) 2-9 tuần sau liều 2, giảm xuống 48,5% (CI 95%: 24,3 đến 65,0%) ở 10- 14 tuần sau liều 2 và giảm thêm xuống còn 34 - 37% từ 15 tuần sau liều 2. Trong số những người được tiêm 2 mũi ChAdOx1, từ 2 tuần sau tăng cường BNT162b2, hiệu quả của vắc xin tăng lên 71,4% (CI 95% : 41,8 đến 86,0%). Hiệu quả của vắc xin tăng lên 75,5% (CI 95%: 56,1 đến 86,3%) sau khi tiêm tăng cường ở những người đã được tiêm 2 mũi BNT162b2.

Với biến thể Delta, hiệu quả giảm từ 76,2% (CI 95%: 63,7 đến 84,4%) 2-9 tuần sau liều 2 xuống 41,8% (CI 95%: 39,4-44,1%) ở 25+ tuần sau liều 2 với trường hợp tiêm 2 mũi cơ bản ChAdOx1. Hiệu quả tăng lên 93,8% (CI 95%: 93,2-94,3%) 2 tuần sau khi tiêm liều tăng cường BNT162b2. Với 2 mũi cơ bản BNT162b2, hiệu quả giảm từ 88,2% (KTC 95%: 86,7 đến 89,5%) 2-9 tuần sau liều 2 xuống 63,5% (KTC 95%: 61,4 đến 65,5%) 25+ tuần sau liều 2, tăng đến 92,6% (KTC 95%: 92,0-93,1%) 2 tuần sau khi tiêm mũi tăng cường.

Tất cả các ước lượng Omicron đều có độ không đảm bảo đáng kể với khoảng tin cậy rộng.

Hình 1: Hiệu quả của vắc-xin với các ca nhiễm có triệu chứng theo giai đoạn sau liều 1 và liều 2 đối với biến chủng Delta (hình vuông đen) và biến chủng Omicron (hình tròn xám)

(A): người nhận 2 liều cơ bản là vắc-xin Astrazeneca và liều tăng cường Pfizer

(B): người nhận 2 liều cơ bản là vắc-xin Pfizer và một liều tăng cường Pfizer 

Bảng 1: Hiệu quả của vắc-xin với các ca nhiễm có triệu chứng theo giai đoạn sau liều 1 và liều 2 đối với biến chủng Delta và biến chủng Omicron

Thảo luận

Phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc xin đối với ca nhiễm Omicron có triệu chứng thấp hơn đáng kể so với biến thể Delta. Vẫn chưa thể xác định khả năng bảo vệ chống lại các trường hợp bệnh nặng do cho đến nay số lượng nhiễm Omicron rất nhỏ và độ lệch thời gian giữa khi nhiễm đến khi diễn tiến nặng hơn. Kinh nghiệm trước đây của Vương quốc Anh với biến thể Delta cho thấy khả năng bảo vệ khỏi nhập viện sau 2 liều vắc-xin được duy trì tương đối tốt. Mặc dù hiệu quả sẽ giảm dần theo thời gian sau khi tiêm 2 mũi cơ bản, nhưng hiệu quả tăng từ trung bình đến cao đối với trường hợp nhẹ là 70-75% đã được thấy trong thời gian đầu sau khi tiêm liều tăng cường BNT162b2.

 

Những phát hiện này phù hợp với dữ liệu trung hòa sơ bộ cho biến thể Omicron. Các nghiên cứu ở Nam Phi và Đức, cũng như dữ liệu chưa được công bố từ Anh cho thấy hoạt tính trung hòa trong huyết thanh người nhận 2 liều vắc xin BNT162b2 giảm từ 20 đến 40 lần so với chủng COVID-19 ban đầu và giảm ít nhất 10 lần so với biến thể Delta. Trong huyết thanh của những người nhận 2 liều ChAdOx1, có sự giảm mạnh hoạt tính trung hoà với một tỷ lệ cao huyết thanh có hoạt tính trung hòa dưới giới hạn định lượng. Hoạt tính trung hòa cao hơn được thấy sau một liều tăng cường.

Mối tương quan giữa kháng thể trung hòa và khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng là ít chắc chắn. Với các biến thể trước đây, hiệu quả của vắc xin chống lại bệnh nặng, bao gồm cả nhập viện và tử vong, cao hơn hiệu quả chống lại bệnh nhẹ. Sẽ mất một thời gian trước khi ước tính hiệu quả chống lại bệnh nặng với Omicron, nhưng dựa trên kinh nghiệm với các biến thể khác, con số này có khả năng cao hơn đáng kể so với ước tính đối với bệnh có triệu chứng.

Điều quan trọng cần lưu ý là có sự khác biệt trong các quần thể đã được tiêm các loại vắc xin khác nhau. Ví dụ, ChAdOx1 là vắc xin chính được sử dụng sớm trong chương trình tiêm phòng tại các khu vực chăm sác y tế và nhóm nguy cơ phơi nhiễm cao. Hơn nữa, vắc xin mRNA là vắc xin chính được sử dụng ở những người dưới 40 tuổi sau mối liên quan giữa ChAdOx1 và bệnh giảm tiểu cầu do vắc xin gây ra. Có các điều chỉnh trong vắc xin đối với các nhóm tuổi và các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm khác nhau, điều này có thể giải thích một số khác biệt ở đối tượng đã tiêm 2 mũi cơ bản - ví dụ: hiệu quả cao đối với Omicron 2-9 tuần sau tiêm liều thứ hai BNT162b2 chủ yếu trong nhóm người trẻ tuổi và thanh thiếu niên được tiêm chủng gần đây.Các quan sát ban đầu đối với hai liều AstraZeneca có khả năng không đáng tin cậy vì chúng dựa trên số lượng tương đối nhỏ và phản ánh một nhóm dân số cao tuổi và nhiều bệnh nền hơn so với nhóm được tiêm vắc xin Pfizer - điều này có thể giải thích cho điểm ước lượng âm.

Những đợt xét nghiệm và giải trình tự quy mô lớn ở Anh, cũng như việc sử dụng sổ đăng ký tiêm chủng quốc gia đã cho phép đánh giá nhanh hiệu quả của vắc xin chống lại sự lây nhiễm có triệu chứng với biến thể Omicron. Tuy nhiên, có một số hạn chế đối với nghiên cứu này và các phát hiện cần được diễn giải một cách thận trọng. Trong thời gian đầu lưu hành của biến thể mới này, một tỷ lệ lớn các trường hợp đã xảy ra giữa những du khách. Các cá nhân báo cáo đã đi du lịch trong 2 tuần trước đó đã bị loại khỏi phân tích này, tuy nhiên, điều này có thể không loại trừ tất cả khách du lịch và sẽ không loại trừ mối liên quan của khách du lịch đến kết quả này. Nhóm này có khả năng tiếp xúc khác nhau với dân số rộng hơn và cũng có thể có các mức độ bao phủ vắc xin khác nhau, do đó có thể có hiện tượng nhiễu. Do số lượng tương đối nhỏ các trường hợp Omicron ở Vương quốc Anh cho đến nay, có sự không chắc chắn đáng kể đối với các ước tính, và nhóm nghiên cứu không thể chia nhỏ ước tính theo đặc điểm dân số mà hiệu quả của vắc-xin đã được chứng minh là thay đổi trước đây (chẳng hạn như nhóm tuổi và mức độ phơi nhiễm). Trong phân tích này, nhóm so sánh của chúng tôi là các cá nhân chưa được tiêm chủng, bao gồm một tỷ lệ rất nhỏ các cá nhân trong một số nhóm tuổi. Nhóm này có thể có đặc điểm khác với dân số chung và có thể làm sai lệch ước tính hiệu quả vắc xin. Phân tích bao gồm tất cả các lứa tuổi có thể ít sai lệch hơn so với phân tích chỉ giới hạn ở nhóm người cao tuổi. Hơn nữa, các phân tích gần đây sử dụng các nhóm đối chứng khác nhau đã cho thấy sự phù hợp tốt khi sử dụng đối chứng chưa tiêm chủng so với hiệu quả tương đối của vắc xin giữa những người đã được tiêm một liều tăng cường và nhóm đã được tiêm 2 liều. Các liều tăng cường chỉ mới được triển khai gần đây ở Anh, do đó, nhóm tác giả chỉ có thể ước tính hiệu quả của vắc xin trong một thời gian ngắn sau khi tiêm vắc xin tăng cường và không có thông tin về thời gian bảo vệ sau khi tiêm nhắc lại. Cũng có thể có sự phân loại sai trong nghiên cứu của này do cả độ nhạy và độ đặc hiệu không hoàn hảo của xét nghiệm PCR, cũng như việc sử dụng SGTF để xác định các trường hợp Omicron.

Phát hiện trong nghiên cứu này chỉ ra rằng 2 liều vắc-xin BNT162b2 hoặc ChAdOx1 không đủ để cung cấp mức độ bảo vệ đầy đủ chống lại sự nhiễm và bệnh mức độ nhẹ với biến thể Omicron, và không thể bình luận về khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng. Liều tăng cường của BNT162b2 giúp gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ chống lại bệnh nhẹ và có khả năng cung cấp mức bảo vệ cao hơn nữa chống lại bệnh nặng. Do đó, những phát hiện này hỗ trợ việc tối đa hóa phạm vi bao phủ với liều vắc xin thứ ba ở những dân số được tiêm chủng cao như Vương quốc Anh. Cần theo dõi thêm để đánh giá thời gian bảo vệ của việc tiêm chủng nhắc lại.

TÀI LIỆU GỐC

[1]https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.12.08.21267494v1.full.pdf?fbclid=IwAR1sAykuRuAX2Ykm8VLCGsCif0b_O0cSYyAgtsxtRa9lVLxJmaHTet5wEb8

[2]https://khub.net/documents/135939561/430986542/Effectiveness+of+COVID-19+vaccines+against+Omicron+variant+of+concern.pdf/f423c9f4-91cb-0274-c8c5-70e8fad50074?fbclid=IwAR0k0GnNNp2RLm66DjC8AwHe7EDvTYq0e76xoxVgwSzPbBaGV5E5LoIlDwY

Wildcard SSL