ỐM NGHÉN VÀ THỰC PHẨM CẦN BỔ SUNG Ở MẸ BẦU

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS.Cao Thị Ngọc Trúc, Khoa Khám bệnh Sản-Phụ khoa, BVQT Phương Châu

* ỐM NGHÉN LÀ GÌ?

"Ốm nghén" thường được sử dụng để mô tả cảm giác buồn nôn và nôn khi mang thai. Mẹ bầu thường cảm thấy: khó chịu, đầy hơi ở bụng, xuất hiện nhiều lần trong một ngày, chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày hoặc đêm và thường không gây hại cho thai nhi.

Buồn nôn hay nôn rất phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ, các triệu chứng thường nhẹ và có thể được coi là một phần sinh lý bình thường của thai kỳ trong ba tháng đầu.

Khi mới bắt đầu có thai thì ốm nghén là tình trạng rất phổ biến. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của mẹ bầu và người thân xung quanh, đặc biệt khi các triệu chứng dai dẳng kèm theo tình trạng nghiêm trọng hơn.

MẸ BẦU ĂN GÌ ĐỂ GIẢM TÌNH TRẠNG NGHÉN?

Mẹ có thể điều chỉnh phối hợp giữa bữa chính và đồ ăn nhẹ

Mẹ bầu nên ăn trước hoặc ngay khi cảm thấy đói để tránh tình trạng bụng đói có thể làm trầm trọng thêm cảm giác buồn nôn. Một bữa ăn nhẹ trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng và đồ ăn nhẹ vào ban đêm có thể hữu ích (ví dụ, bánh quy giòn ăn ngay khi thức dậy).

Thực phẩm chứa protein làm giảm tình trạng nôn nghén của mẹ hơn so với việc mẹ chỉ sử dụng carbohydrate (tinh bột, chất xơ). Và đặt biệt quan trọng, đừng vì nôn nghén mà mẹ bỏ bữa, điều đó chỉ làm mọi việc tệ hơn.

Ăn chậm với một lượng nhỏ các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ sau mỗi một đến hai giờ để tránh tình trạng bụng quá no. Mẹ bầu có thể súc miệng bằng nước, đánh răng hoặc ngậm kẹo bạc hà để làm giảm cảm giác buồn nôn sau mỗi bữa ăn.

Mẹ bầu nên xác định loại thực phẩm nào mà mình cảm thấy dễ chịu và dung nạp tốt nhất, hãy cố gắng sử dụng những thực phẩm đó. 

Loại bỏ cà phê và thức ăn cay, có mùi, nhiều chất béo, có tính axit hoặc rất ngọt và thay vào đó tiêu thụ đồ ăn nhẹ, bữa ăn có nhiều protein, mặn, ít chất béo, nhạt hoặc khô.

Uống vitamin cùng với một bữa ăn nhẹ vào sáng sớm thay vì để bụng đói. Một số mẹ bầu nhận thấy vitamin dành cho bà bầu dạng nhai dễ uống hơn là viên nén hoặc viên nang. 

Gừng: Sử dụng trà gừng, viên nang gừng và kẹo gừng (chế biến từ gừng thật) cũng có thể hỗ trợ mẹ bầu cải thiện tình trạng buồn nôn đáng kể.

Nhìn chung, việc sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, làm trống dạ dày nhanh có thể cải thiện tình trạng nôn nghén. Bao gồm: thực phẩm ít chất béo, tăng cường chất xơ hòa tan và chất lỏng (ví dụ: thực phẩm xay nhuyễn)

Chất lỏng có giúp mẹ bầu dễ hấp thu hơn?

Chất lỏng nên được ăn ít nhất 30 phút trước hoặc sau khi ăn đặc để giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng đầy bụng. Chất lỏng được dung nạp tốt hơn nếu lạnh, trong và có ga hoặc chua (ví dụ: trà gừng, nước chanh, kem que).

Tuy nhiên, một số mẹ bầu không dung nạp được đồ uống có ga vì việc giải phóng carbon dioxide có thể gây chướng bụng và làm nặng thêm các triệu chứng. Một số mẹ bầu nhận thấy các chất lỏng có mùi thơm, chẳng hạn như: chanh, bạc hà hoặc trà bạc hà giúp mẹ cảm thấy dễ chịu trong việc ăn uống hơn và hữu ích trong việc giảm buồn nôn.

Tiêu thụ chất lỏng với số lượng nhỏ; sử dụng ống hút hoặc cốc rất nhỏ đôi khi có lợi. 

Tránh các tác nhân gây ra tình trạng buồn nôn:

Cùng với việc thay đổi chế độ ăn uống, tránh các tác nhân từ môi trường là biện pháp can thiệp chính để giảm buồn nôn và nôn khi mang thai. Ví dụ về một số tác nhân gây ra bao gồm phòng ngột ngạt, mùi hôi (ví dụ: nước hoa, hóa chất, thực phẩm, khói), nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn...

* Mẹ bầu nên tránh những điều sau:

- Nằm ngay sau khi ăn và nằm nghiêng về bên trái, có thể là những yếu tố làm bệnh nặng thêm. Vì những hành động này có thể làm chậm quá trình làm trống dạ dày. 

- Thay đổi tư thế nhanh và không nghỉ ngơi đủ giấc cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Nếu tình trạng nôn nghén nặng, mẹ có thể hạn chế thực phẩm chứa sắt, hay viên uống bổ xung sắt giai đoạn này. Tuy nhiên, thai phụ vẫn cần bổ xung acid folic (400-800 mcg mỗi ngày) để dự phòng dị tật về ống thần kinh của bé, đặc biệt là trong suốt ba tháng đầu, cho đến khi tình trạng ổn định bạn sẽ tiếp tục bổ sung sắt trở lại.

* LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ:

Những mẹ bầu bị nôn hầu hết thức ăn và chất lỏng cần đến khám và được đánh giá thường xuyên (thậm chí hàng ngày) về tình trạng sức khỏe và tình trạng đáp ứng với các liệu pháp. 

Những trường hợp cần được xử trí cấp cứu khi có các triệu chứng nghiêm trọng: dấu hiệu mất nước nhiều hoặc có các dấu hiệu thay đổi thần kinh cần được nhập viện để được theo dõi, đánh giá hàng giờ và điều trị chuyên sâu hơn.

BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

300 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ

Đặt lịch hẹn khám: 0907 939 346 hoặc Tổng đài: 1900 54 54 66

Wildcard SSL