NỘI SOI TRỰC TRÀNG NHI KHÔNG ĐAU

BS. Danh Minh

Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu Sóc Trăng

Viêm trực tràng, polyp trực tràng là bệnh mà chúng ta thường nghĩ rằng trẻ nhỏ khó có thể mắc phải, hơn nữa triệu chứng lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nhưng thực tế cho thấy đã có những bệnh nhi khá nhỏ tuổi mắc các bệnh lý về trực tràng. Để biết chính xác thì nội soi trực tràng là phương pháp hữu hiệu để phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh cho bé của bạn.

1. Nội soi trực tràng trẻ em là gì?

Nội soi trực tràng trẻ em là một trong những biện pháp giúp chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa dưới có độ chính xác cao. Tuy nhiên, nội soi trực tràng cho trẻ cũng có những chống chỉ định và các lưu ý trước và sau quá trình nội soi. Phụ huynh phải tuyệt đối tuân thủ để đảm bảo quá trình nội soi cho con được diễn ra an toàn.

2. Khi nào thì bác sĩ chỉ định nội soi trực tràng cho con?

Bác sĩ thường chỉ định nội soi trực tràng cho trẻ khi nghi ngờ con mắc bệnh lý nào đó ở đường tiêu hóa dưới như: viêm loét trực tràng, chảy máu ở trực tràng, polyp, có dị vật ở vùng trực tràng, khối u trực tràng,…

Đa số thường gặp ở những trẻ có biểu hiện sau: 

  • Đi cầu phân có máu hay có khối lồi ra từ hậu môn
  • Tiêu chảy kéo dài chưa rõ nguyên nhân
  • Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân
  • Táo bón lâu ngày
  • Trĩ
  • Nghi ngờ viêm loét, chảy máu, polyp trực tràng
  • Tổn thương quanh hậu môn (lỗ rò, áp xe,…)
  • Dị vật vùng trực tràng

Nội soi trực tràng sẽ giúp các bác sĩ quan sát được rõ tổn thương trong lòng trực tràng mà các kỹ thuật khác như, siêu âm, X-quang, CT scan,… vẫn còn nghi ngờ hay không phát hiện được.

Từ đó, bác sĩ có thể quan sát được các bất thường đang xảy ra bên trong lòng ruột để chẩn đoán bệnh tiêu hóa chính xác nhất và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho trẻ.           

3. Quá trình nội soi trực tràng cho trẻ diễn ra như thế nào? 

Bé sẽ được bác sĩ kiểm tra tổng quát trước khi nội soi như kiểm tra thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim, tai mũi họng, hoặc một số xét nghiệm cần thiết, qua đó, bác sĩ biết được bé đủ điều kiện sức khỏe để trải qua cuộc nội soi.

Trẻ sẽ được gây mê và ngủ suốt trong thời gian nội soi. Thời gian nội soi trực tràng ở trẻ chỉ diễn ra trong khoảng 5-10 phút.

Bác sĩ nội soi sẽ sử dụng ống nội soi mềm có đường kính nhỏ, được gắn máy quay phim rất nhỏ ở đầu ống, sau đó bác sĩ đưa qua lỗ hậu môn vào đường tiêu hóa dưới để quan sát hình ảnh bên trong lòng trực tràng, quan sát và chụp lại những hình ảnh bất thường. 

Trong quá trình nội soi, bác sĩ nội soi có thể lấy những mẫu mô rất nhỏ (gọi là sinh thiết) để làm xét nghiệm chuyên sâu, tầm soát ung thư đường tiêu hóa. Một số trường hợp có thể điều trị cắt polyp, cầm máu hay lấy dị vật ngay trong quá trình nội soi. Vì vậy nội soi không chỉ giúp phát hiện bệnh mà còn xử trí được rất nhiều vấn đề (cắt polyp, sinh thiết, gắp dị vật, xử trí chảy máu đường tiêu hóa,…) ngay trong trong quá trình nội soi. 

Khi nội soi kết thúc, trẻ sẽ tỉnh lại trong thời gian ngắn và hầu như không có cảm giác khó chịu gì. Sau đó, trẻ được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 2 giờ để đảm bảo an toàn, đến khi tình hình sức khỏe của bé ổn định, các bác sĩ sẽ khám lại cho con nếu không có vấn đề gì bé có thể xuất viện hoặc nếu cần thiết có thể cho con nhập viện để theo dõi thêm.

Nội soi trực tràng không gây đau, và hầu hết trẻ có thể về nhà trong ngày sau nội soi.

4. Nội soi trực tràng cho trẻ em có nguy hiểm không?

Nội soi trực tràng là kỹ thuật khá phổ biến và tương đối an toàn. Tuy nhiên, bất cứ thủ thuật nào cũng có một số nguy cơ, và tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ (dù là rất hiếm gặp) và nội soi trực tràng cho trẻ cũng vậy.

Thông thường bác sĩ tiêu hóa và bác sĩ gây mê sẽ khám thật kỹ cho trẻ trước khi quyết định thực hiện nội soi để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ khi làm thủ thuật.

Một số biến chứng (rất ít gặp) có thể xảy ra trong quá trình nội soi trực tràng cho trẻ như: 

  • Trẻ phản ứng dị ứng với thuốc mê, sốc, hít sặc, hoặc chảy máu chỗ sinh thiết, chỗ cắt polyp. 
  • Thủng trực tràng nếu kỹ thuật nội soi hoặc cắt polyp không đúng kỹ thuật.
  • Chướng hơi do bơm hơi khi nội soi.
  • Chảy máu sau thủ thuật.

5. Trẻ cần được chuẩn bị gì trước khi nội soi trực tràng ?

Việc chuẩn bị ruột sạch rất quan trọng vì giúp bác sĩ nội soi quan sát rõ và tránh bỏ sót các tổn thương trong lòng ruột khi soi.

Nhịn hoàn toàn (kể cả uống nước, sữa): 2 giờ trước nội soi.

Bơm thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đi vệ sinh để đảm bảo lòng ruột sạch phân (khi bơm thuốc trẻ có thể đi tiêu phân lỏng, đi nhiều lần hơn đến khi ruột sạch phân, đây là hiện tượng bình thường).

6. Phụ huynh cần thông báo cho bác sĩ những điều sau

- Các bệnh lý mạn tính mà trẻ mắc phải như tim, phổi, gan, thận, đái tháo đường, máu khó đông,…

- Tình trạng dị ứng của con (nếu có)

- Các loại thuốc trẻ đang uống, đặc biệt là thuốc kháng đông

- Tuyệt đối tuân thủ theo những dặn dò của bác sĩ trước khi nội soi

- Trẻ đang có vấn đề về sức khỏe như: sốt, ho, khó thở, nôn ói, tiêu chảy hay táo bón để bác sĩ khám thật kỹ cho con và có chỉ định cần thiết, giúp đảm bảo an toàn nhất cho con khi làm thủ thuật nội soi.

7. Sau khi nội soi xong trẻ cần được chăm sóc như thế nào? 

- Trong vòng 24 giờ sau khi nội soi trẻ cần được theo dõi tác dụng phụ của thuốc mê có thể còn ít. Do đó bé cần được nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động mạnh, không được đi xe đạp, bơi lội, sử dụng vật dụng sắc nhọn sau quá trình nội soi. 

- Trẻ có thể có cảm giác mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu trong một vài ngày. 

- Nếu cảm thấy khỏe con có thể ăn thức ăn lỏng, uống nước lọc, sau đó mới ăn thức ăn đặc. Tránh đồ uống có gas. 

- Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường sau quá trình nội soi như: sốt cao, mệt lử, buồn nôn và nôn, đau ngực, đau bụng nhiều ngày, da xanh xao, tiêu ra máu,… Cần cho bé đi thăm khám ngay với bác sĩ xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời.

NỘI SOI TIÊU HÓA KHÔNG ĐAU TẠI BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU SÓC TRĂNG

Trang thiết bị hiện đại: Máy nội soi tiêu hóa Olympus EVIS EXERA III (CV-190) thế hệ mới nhất được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản với công nghệ NBI và phóng đại cho hình ảnh rõ nét giúp quan sát được những tổn thương nhỏ nhất và tầm soát ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm.

Phương pháp nội soi tiên tiến: Nội soi không đau chính là phương pháp tiến bộ nhất hiện nay đang được ứng dụng hiệu quả tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng. Đây là phương pháp phù hợp nhất với cả người lớn và trẻ em, quá trình nội soi diễn ra nhẹ nhàng, trẻ được gây mê ngủ tạm thời và không cảm nhận bất kì đau đớn hay khó chịu nào.

Đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi: Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng đều  có kinh nghiệm nhiều năm về nội soi tiêu hóa và điều trị bệnh tiêu hóa.

Wildcard SSL