NHỮNG VẤN ĐỀ HẬU SẢN THƯỜNG GẶP

BS. Phan Thị Mỹ Xuyên, Bác sĩ điều trị Sản Phụ khoa, BVQTPC

Chăm sóc sức khỏe người mẹ sau cuộc vượt cạn cần sự kiểm soát liên tục quá trình phục hồi thể trạng, đặc biệt là những vấn đề thường gặp của giai đoạn hậu sản: sự co hồi tử cung, sản dịch, quá trình lên sữa, tiết sữa, bí tiểu, tiến trình phục hồi vết khâu/may…

Cùng bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ Phương Châu tìm hiểu các thông tin cơ bản cần biết về những vấn đề thường gặp giai đoạn này.

1. THỜI GIAN HẬU SẢN LÀ BAO LÂU?

Hậu sản là khoảng thời gian kéo dài 6 tuần sau sinh. Trong khoảng thời gian này, các cơ quan trong cơ thể người mẹ sẽ dần trở về trạng thái bình thường như trước khi có thai với những dấu hiệu cần theo dõi:

- Sự co hồi của tử cung

- Quá trình tiết sản dịch

- Sự lên sữa, tiết sữa và những thay đổi khác…

2. ĐẶC ĐIỂM SỰ CO HỒI CỦA TỬ CUNG?

Ngay sau khi sinh, tử cung của người mẹ sẽ co nhỏ lại tạo thành một khối cầu an toàn để giúp hạn chế chảy máu sau sinh. Tử cung sẽ co bóp để tống sản dịch ra bên ngoài âm đạo trong thời gian hậu sản. Cùng với sự giảm dần của sản dịch, các cơn co tử cung sẽ giảm dần qua từng ngày. Trung bình mỗi ngày tử cung co hồi sẽ nhỏ đi #1cm để trở về kích thước ban đầu. Sau khoảng 2 tuần tử cung thu hồi nhỏ lại và không còn sờ được đáy tử cung trên bụng nữa.

- Ở người con so, sự co hồi tử cung sẽ nhanh hơn ở con rạ

- Ở người cho con bú sớm và thường xuyên sẽ co hồi nhanh hơn những người không cho con bú

- Nếu có tình trạng nhiễm trùng, sự co hồi tử cung sẽ chậm hơn bình thường

3. SẢN DỊCH GIAI ĐOẠN HẬU SẢN?

Sản dịch là những mảnh vụn màng rụng, cục máu đông nhỏ từ vị trí vết thương nơi nhau bám và dịch tiết từ vết thương đường sinh dục.

Trong 2-3 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó chuyển sang đỏ sậm. Từ ngày thứ 4, sản dịch bắt đầu loãng hơn lẫn chất nhầy có màu như máu cá. Từ ngày thứ 8, sản dịch bắt đầu ít dần đi.

Vào ngày từ 12-18, sản phụ có thể thấy ra chút máu đỏ tươi với lượng ít trong 1-2 ngày. Đó là kinh non, do niêm mạc tử cung phục hồi sớm, là hiện tượng sinh lý bình thường.

Khi cho con bú mẹ hoàn toàn, chu kỳ kinh đầu tiên thường xuất hiện sau 6-8 tháng hoặc lâu hơn khi cho bé ngưng bú mẹ. Nếu không cho bé bú mẹ thì kỳ kinh đầu thường có vào khoảng 4-6 tuần sau sanh.

4. SỰ LÊN SỮA SAU SINH:

Sự lên sữa sẽ xảy ra trong 2 ngày đầu hậu sản, sau 2-3 ngày mẹ sẽ có sữa trưởng thành. Trước đó khi mang thai ở 3 tháng cuối thai phụ đã có sữa non. Do đó, sau khi sinh, mẹ nên cho con bú sớm trong 30 phút đến 1 giờ đầu để kích thích lên sữa.

5. BÍ TIỂU SAU SINH:

Thông thường sau sanh khoảng 6-8 giờ thì sản phụ có thể đi tiểu được ít nhất 1 lần. Nếu sau sinh hoặc sau khi rút sonde tiểu ≥6 giờ, nước tiểu tồn lưu trong bàng quang >150 ml mà sản phụ chưa đi tiểu được thì được cho là bí tiểu sau sinh.

Bí tiểu sau sinh không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu về vận động và cảm giác cho sản phụ. Tình trạng này có thể gây nhiểm trùng đường tiết niệu, ảnh hưởng sự co hồi tử cung dễ dẫn đến mất máu nhiều sau sinh.

* Sản phụ cần làm gì để tránh bí tiểu sau sinh:

- Tập đi tiểu để tạo phản xạ đi tiểu: thai phụ nên tự tiểu trong suốt quá trình chuyển dạ

- Vận động sớm sau sinh

- Uống nhiều nước, nên đi tiểu thường xuyên, không nên nín tiểu

6. CHĂM SÓC VẾT MAY TẦNG SINH MÔN ĐÚNG CÁCH:

- Để vết may được lành tốt, sản phụ nên để vết may luôn khô sạch và thay mới băng vệ sinh thường xuyên mỗi 4-6 giờ

- Nên rửa sạch vết may bằng nước ấm sau mỗi lần đi vệ sinh, tránh rặn quá mạnh

- Theo dõi vết may hằng ngày: nếu có sưng đỏ, đau, có dịch hôi phải báo ngay cho nhân viên y tế để được kiểm tra.

Để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ phục hồi sàng chậu cho người mẹ sau sinh thường, Phương Châu có trang bị máy vệ sinh bằng tia hồng ngoại Sitzbath.

Cùng với đó là dịch vụ xông vùng kín, phục hồi sàn chậu bằng thảo dược cho mẹ sau sinh thường lẫn sinh mổ, được các mẹ bỉm của Phương Châu rất yêu thích.

BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

300 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ

Tổng đài: 1900 54 54 66

Wildcard SSL