NHỮNG LƯU Ý VỀ CÁCH VỆ SINH KHI TRẺ MẮC TIÊU CHẢY

Khi chăm sóc trẻ mắc tiêu chảy, hướng dẫn gia đình và trẻ cách vệ sinh đúng cách rất quan trọng. Bên cạnh việc dùng thuốc đúng, chế độ ăn đúng, vệ sinh đúng cách góp phần làm quá trình lành bệnh nhanh hơn, giảm việc tái lại tiêu chảy và phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

1. Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống

2. Rửa tay sạch bằng xà phòng đủ 6 bước, khi không có điều kiên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, có thể dùng các dung dịch vệ sinh tay nhanh để thay thế. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện đủ 6 bước vệ sinh tay, và nên ưu tiên rửa tay bằng xà phòng khi có thể, các thời điểm rửa tay gồm:

+ Trước khi chế biến thức ăn, khi cho trẻ ăn và khi chăm sóc trẻ

+ Trước và sau khi thay tã lót cho trẻ

+ Sau khi trẻ ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay

+ Trước và sau khi trẻ đi vệ sinh (trẻ lớn)

+ Sau khi trẻ tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào nghi ngờ đang nhiễm bệnh

- Hạn chế người đến thăm, nếu có người đến thăm phải rửa tay trước khi bế trẻ

- Trẻ phải được rửa tay chân thường xuyên, hạn chế tối đa cho trẻ gặm tay, gặm chân, cho đồ chơi vào miệng.

- Cắt ngắn móng tay người chăm sóc và cho trẻ, hạn chế để tác nhân gây bệnh bám vào các kẽ móng tay

6 bước rửa tay cơ bản (Bộ Y tế)

1. Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước sạch. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau

2. Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại

3. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay

4. Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia

5. Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại

6. Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

Chú ý: Mỗi bước “chà” 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây.

3. Vệ sinh dụng cụ cho ăn

- Bình sữa, đồ cho ăn dặm của trẻ phải được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi bữa. Các vật dụng nên được đun sôi, hoặc khử trùng hơi nước sau mỗi lần cho ăn

- Hạn chế cho trẻ ngậm ti giả, nếu trẻ ngậm ti giả cũng phải được vệ sinh hàng ngày.

4. Khi thay bỉm

- Vệ sinh nhẹ nhàng, sạch vùng hậu môn của trẻ bằng khăn mềm và nước ấm, thấm khô bằng khăn bông, bôi thuốc hăm nếu cần

- Bỉm bẩn sau khi thay phải được buộc gọn gàng trong túi nilon và cho vào thùng rác. Không được để bỉm bẩn trong phòng của trẻ, thùng rác phải được để xa phòng của trẻ

- Nếu trẻ đi vệ sinh bằng bô hoặc bồn cầu thì bô và bồn cầu phải được vệ sinh bằng xà phòng hàng ngày.

- Hạn chế thay tả gần khu vực ăn uống

- Khu vực nền nhà sau khi thay tả cần được sát trùng bằng cồn hay bằng các dung dịch xịt sát khuẩn

5. Chăn, ga của trẻ

Phải được thay giặt ngay khi bị dính bẩn, phơi nơi thoáng gió và có nắng. Hàng tuần chăn ga của trẻ phải được thay giặt để đảm bảo vệ sinh, hạn chế tối đa vi khuẩn bám trên chăn ga.

6. Đồ chơi của trẻ

Phải được vệ sinh hàng tuần, phơi dưới ánh nắng mặt trời, phòng của trẻ phải được dọn gọn gàng hàng ngày.

** Lưu ý: trẻ bị tiêu chảy không nên đi bơi vì khả năng phát tán mầm bệnh. Trẻ có thể quay lại hồ bơi 1-2 tuần sau lần tiêu chảy cuối cùng.

Chế độ vệ sinh cho trẻ mắc tiêu chảy nhiễm khuẩn rất quan trọng, góp phần làm quá trình lành bệnh nhanh hơn. Tuy nhiên rất cần sự kiên trì và tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc trẻ của cha mẹ.

Tổng đài 1900 54 5 66 sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.

 

 

Wildcard SSL