NHỮNG LƯU Ý KHI TIÊM CHỦNG CHO BÉ

(Tổng kết sau livestream chủ đề 8, lớp “Học Tiền Sản Và Chăm Con Cùng Phương Châu)

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch sẽ tạo nên một “khiên chắn” chủ động bảo vệ sức khỏe cho bé trước các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, lịch tiêm có thể linh hoạt thay đổi do những yếu tố như: Ba mẹ bận công việc, sức khỏe bé không đáp ứng,… mà không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tiêm chủng của trẻ.

Theo BS. Phan Lê Công, có những mốc tiêm chủng cơ bản trong từng giai đoạn phát triển của trẻ như: Giai đoạn sơ sinh, giai đoạn 2 - 6 tháng tuổi, giai đoạn từ 6 - 12 tháng, giai đoạn 16 - 24 tháng, giai đoạn 4 - 6 tuổi và tiêm ngừa ung thư cổ tử cung đối với các bé gái từ 9 tuổi.

Ở mỗi cột mốc sẽ có những mũi tiêm khác nhau, ba mẹ sẽ biết được cụ thể và chính xác hơn khi xem thông tin lịch tiêm chủng tại http://tiemngua.phuongchau.com/

Để quá trình thực hiện tiêm chủng của bé được diễn ra thuận lợi và hạn chế được một số trường hợp sốc thuốc phản vệ, BS. Lê Thị Diễm My cung cấp thông tin giúp gia đình mình ghi nhớ những lưu ý trước và sau tiêm chủng nhé!

*Trước khi tiêm chủng:

Có 3 yếu tố:

- Đảm bảo bé đủ năng lượng, khỏe mạnh để đáp ứng tốt với vaccine

- Cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe của bé (Tiền sử bệnh tật; di ứng với thuốc, thức ăn và tiền sử dị ứng với vaccine trong những lần tiêm trước; Tình trạng hiện tại của bé, bé có đang dùng thuốc hay điều trị gì không?) Kết hợp với việc khám sàng lọc, bác sĩ sẽ kết luận bé có đủ điều kiện tiêm chủng hay không?

- Mang theo hồ sơ và số khám bệnh để bác sĩ biết được toàn bộ lịch sử tiêm chủng của bé và tránh bỏ sót những mũi tiêm quan trọng.

*Sau khi tiêm chủng:

Quá trình theo dõi biểu hiện của bé sau tiêm chủng luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều ba mẹ, BS. Phan Lê Công sẽ đưa ra hướng xử trí sau tiêm cho bé giúp gia đình phần nào yên tâm hơn.

Nếu tại chỗ tiêm có cảm giác ngứa, đau, sưng, đỏ kèm theo toàn thân bé khó chịu, mệt mỏi, chán ăn hoặc sốt nhẹ, thì ba mẹ cũng đừng quá lo lắng nhé vì đó chỉ là phản ứng thông thường thôi. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bé dùng thuốc hạ sốt nếu cần và không nên thoa bất kỳ thuốc gì lên vết tiêm ba mẹ nha!

Tuy nhiên, khi bé bị nổi mề đay, xuất hiện phản ứng khó thở, sốt cao trên 39 độ, co giật hoặc tím tái,…gia đình nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Dù là hiếm gặp nhưng dị ứng thuốc lại tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Chắc chắn rằng: Sau tiêm chủng, bé phải được theo dõi 30 phút tại bệnh viện và ít nhất 24 giờ tại nhà để đảm bảo an toàn cho con, ba mẹ nhé!

💜Từ lâu, tiêm chủng đã trở thành một phần quan trọng kiến tạo nên hệ miễn dịch tuyệt vời của chúng ta sau này. Do đó, từ những ngày đầu sau sinh, bé cần được thực hiện tiêm chủng đầy đủ với sự theo dõi chặt chẽ từ gia đình và các bác sĩ.

-----------------------

Nhờ vào sự kết hợp giữa online và offline, các ông bố bà mẹ ở khắp nơi có thể thuận tiện theo dõi những kiến thức bổ ích tại lớp “Học tiền sản và chăm con cùng Phương Châu”. Gia đình mình có thể tìm hiểu thông tin chi tiết và thời gian diễn ra lớp học tại http://bit.ly/HocTienSanChamConCungPC

Wildcard SSL