NHỮNG LƯU Ý KHI CHĂM SÓC TRẺ NHIỄM SIÊU VI, MẸ THÔNG THÁI NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT

BS. CKI. Nguyễn Thị Thúy Hồng, Trưởng khoa Nhi – Sơ sinh, BVQT Phương Châu

“Nắng mưa là chuyện của trời”, nhưng sức khỏe của bé cưng là chuyện muôn đời mà ba mẹ quan tâm. Giai đoạn chuyển mùa là thời điểm thuận lợi cho siêu vi phát triển. Nếu sức đề kháng kém, trẻ sẽ dễ mắc bệnh nhiễm siêu vi hay sốt siêu vi.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cùng bác sĩ Nhi khoa Phương Châu tìm hiểu những thông tin về nhiễm siêu vi để bảo vệ con trẻ trong thời điểm giao mùa này ba mẹ nhé.

1. Nguyên nhân:

Do siêu vi gây ra. Có rất nhiều loại siêu vi, tùy từng loại trẻ nhiễm mà có bệnh khác nhau như sốt xuất huyết, hoặc viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban, thậm chí là bệnh tay chân miệng.

2. Dấu hiệu nhận biết:

- Trẻ sốt cao 39 - 40 độ C

- Đau nhức cơ thể, quấy khóc

- Viêm đường hô hấp: ho, hắt hơi, sổ mũi, họng đỏ

- Rối loại tiêu hóa: biếng ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc bón.

- Phát ban: ở mặt, tay chân hay toàn thân. Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì trẻ sẽ đỡ sốt.

- Viêm hạch: Hạch to ở vùng đầu, cổ, có thể đau hoặc sờ thấy.

3. Cách chăm sóc trẻ:

- Dùng Paracetamol liều 10mg/kg mỗi 4 – 6 giờ khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C hoặc trẻ khó chịu vì sốt.

- Lau mát bằng nước ấm khi trẻ sốt trên 39 độ C, lau khô mồ hôi, nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

- Uống nhiều nước chín hoặc bù nước điện giải bằng cách uống Oresol (một gói Oresol pha với nước theo hướng dẫn trong gói ORS uống dần trong ngày) vì trẻ bị mất nước do sốt.

- Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng Natrichlorua 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

- Cách ly trẻ không cho đến trường (vì bệnh có thể gây thành dịch).

- Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng.

4. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện

- Trẻ sốt cao khó hạ hoặc sốt co giật.

- Trẻ lơ mơ, ngủ nhiều li bì, khó đánh thức.

- Nôn ói nhiều, không ăn uống được.

- Tiêu ra máu.

- Thở mệt, tím tái.

- Xuất hiện những chấm xuất huyết ở da.

- Sốt từ ngày thứ 3 nên đưa trẻ đến kiểm tra xem trẻ có bị sốt xuất huyết.

5. Phòng bệnh cho trẻ:

-  Không cho trẻ tiếp xúc với người đang bệnh.

- Giữ ấm cho trẻ.

- Không cho trẻ dầm mưa hay chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều.

- Đảm bảo vệ sinh ăn uống.

- Giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.

- Tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch các vắc xin như: cúm, viêm não, thủy đậu, sởi

Ba mẹ không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan khi trẻ bị nhiễm siêu vi. Chỉ cần chăm sóc trẻ thật tốt, chú ý các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám kịp thời. Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho ba mẹ trên hành trình chăm sóc con trẻ.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ gia đình những thông tin cần thiết.

 

Wildcard SSL