NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VIRUS HPV

Bài viết được cố vấn nội dung bởi BS. Chu Tú Phương, Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu

HPV (Human Papilloma Virus) là virus gây ra mụn cóc sinh dục hoặc những thay đổi trong tế bào. Sự thay đổi này bao gồm tiền ung thư, ung thư cổ tử cung hoặc các vị trí khác trong cơ thể. Bạn hãy cùng tìm hiểu thêm về virus HPV trong bài viết dưới đây.

HPV lây truyền như thế nào?​​​

1. HPV là gì?

HPV là virus lây qua đường tình dục thường gặp nhất. Tại Mỹ, ước tính trong khoảng 43 triệu ca nhiễm HPV (2018) thì có đến 13 triệu ca mắc mới. Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm HPV vào khoảng 8 -11% tùy vùng miền.

Có ít nhất 50% phụ nữ đã nhiễm HPV 1 lần trong đời. Đa số gặp ở những đối tượng trẻ từ 20 - 24 tuổi, vì đây là độ tuổi bắt đầu hoat động tình dục.

HPV có hơn 200 type khác nhau. Trong các HPV tấn công niêm mạc sinh dục, các HPV liên quan đến ung thư cổ tử cung, tổn thương tiền ung thư, sùi mào gà nên có thể chia thành nhóm:

- Nhóm HPV nguy cơ thấp gồm type: 6, 11, 42, 43 và 44

- Nhóm HPV nguy cơ cao gồm type: 16, 18, 31, 33, 34, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68 và 70

 

2. HPV lây lan như thế nào?

HPV có thể lây lan qua các con đường như:

- Quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người nhiễm HPV

- Tiếp xúc trực tiếp da và niêm mạc người nhiễm HPV

- Tiếp xúc với đồ vật có nhiễm HPV

Người nhiễm HPV không có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị HPV, ngay cả khi chỉ có một bạn tình.

Khi có quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh, bạn có thể xuất hiện triệu chứng sau nhiều năm. Điều này gây khó khăn cho việc xác định thời điểm bị lây nhiễm lần đầu.

 

3. HPV ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?

90% trường hợp HPV có thể tự đào thải trong vòng 2 năm mà không gây triệu chứng gì. Nếu đào thải không thành công, HPV có khả năng gây sùi mào gà, tiền ung thư hoặc ung thư.

Sùi mào gà hay mụn cóc xuất hiện trên da của bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Kích thước có thể nhỏ hoặc thành khối, mảng lớn, lan rộng và có hình thù như bông cải.

 

4. HPV gây ung thư như thế nào?

HPV có thể gây ung thư cổ tử cung. Ung thư có thể xuất hiện ở các vị trí khác như âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn. Ngoài ra, HPV cũng có thể gây ung thư ở vùng hầu họng, sàng lưỡi và amidan.

Ung thư có thể xuất hiện sau nhiều năm nhiễm bệnh. Không phải tất cả người nhiễm HPV là sẽ chuyển thành ung thư. Những bị suy giảm miễn dịch (như người nhiễm HIV) có khả năng cao đào thải HPV không thành công. Khi đó, HPV có khả năng diễn tiến thành bệnh sùi mào gà hoặc ung thư.

 

5. Cách phòng ngừa lây nhiễm HPV

Một số phương pháp giúp  giảm thiểu khả năng lây nhiễm HPV như:

Tiêm vaccin:

Vaccin ngừa HPV được đánh giá là an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa ung thư do HPV.

Hiện nay có 3 loại vắc xin HPV đã được FDA chấp thuận:

+ Vaccin nhị giá (Cervarix phòng được HPV type 16 và 18)

+ Vaccin tứ giá (Gadasil phòng được HPV type 6, 11, 16, 18)

+ Vaccin cửu giá (Gardasil 9 phòng được HPV type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58).

Cả 3 loại vaccin đều được tiêm bắp 3 mũi vào tháng 0, tháng 1-2 và tháng 6.

+ Đối với nữ, tuổi tiêm được khuyến cáo là 11-12 tuổi. Vaccin có thể bắt đầu tiêm từ 9 tuổi và từ 13-26 tuổi nếu chưa tiêm trước đó.

+ Đối với nam, tuổi tiêm khuyến cáo là từ 11-12 tuổi. Vaccin có thể tiêm từ 9 tuổi và từ 13-21 tuổi chưa được tiêm trước đó. Loại vắc xin thường dùng là vaccin tứ giá hoặc cửu giá.

+ Đối với người suy giảm miễn dịch và quan hệ đồng giới, vắc xin được khuyến cáo tiêm ngay cả trên 26 tuổi.

+ Không dùng cho phụ nữ mang thai.

Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ

Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kì để phát hiện sớm bệnh. Ngoài ra, các chị em cũng nên giữ thói quen khám sức khỏe, khám phụ khoa định kỳ.

Phòng ngừa khi quan hệ tình dục :

- Quan hệ tình dục chung thuỷ một vợ một chồng.

- Dùng bao cao su đúng cách mỗi khi có quan hệ tình dục. Điều này giảm thiểu khả năng lây lan HPV. Tuy nhiên HPV vẫn có thể lây lan qua những vùng da mà bao cao su không bảo vệ được.

HPV có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa. Trong đó, tiêm vắc xin phòng HPV là phương pháp tối ưu.

Các chị em ơi, hãy chủ động bảo vệ bản thân mình và con gái bằng cách tiêm phòng vắc xin phòng HPV đầy đủ. Hiện tại, Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu có dịch vụ tiêm ngừa vắc xin phòng HPV với quy trình tiêm ngừa an toàn và chất lượng.

Liên hệ: BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

Địa chỉ: 300, Nguyễn Văn Cừ nối dài, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Tổng đài hỗ trợ tư vấn: 1900 54 54 66 (nhấn phím 1)

-----------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Burd E.M. (2003), Human papillomavirus and cervical cancer, Clin Microbiol Rev, trang 1-17, truy tập ngày 08/01/2023 tại:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC145302/ 

1. CDC (2022), Genital HPV Infection, truy cập ngày 08/01/2023 tại:

https://www.cdc.gov/std/hpv/stdfact-hpv.htm#:~:text=HPV%20(the%20virus)%3A%20CDC,they%20don't%20get%20vaccinated.

Wildcard SSL