NHỮNG ĐIỀU BA MẸ CẦN HIỂU VỀ TÁO BÓN Ở TRẺ EM

BS Đỗ Tuấn Vũ, chuyên khoa Nhi - Sơ sinh, BVQT Phương Châu

Nếu bé con đã cố gắng đi ngoài nhiều lần mà không có tã bẩn thì có phải ba mẹ đang vò đầu bứt tóc tìm hiểu xem có chuyện gì đã xảy ra không?

Táo bón là một vấn đề khá phổ biến ở trẻ em mọi lứa tuổi, dù vậy nó không quá nghiêm trọng và có thể được trị khỏi bằng các biện pháp tại nhà hoặc bằng cách cải thiện chế độ ăn uống cho bé.

Bài viết dưới đây sẽ thể hiện chi tiết, ba mẹ cùng xem nhé!

1. Táo bón là gì?

- Là sự giảm số lần bài tiết phân, phân cứng, hoặc đi tiêu khó khăn

- Ba giai đoạn bé dễ bị táo bón: Ăn dặm, Tập đi nhà vệ sinh, Bắt đầu đi học

- Ba mẹ cần chú ý nhận biết sớm để ngăn chặn tình trạng táo bón kéo dài.

2. Nguyên nhân táo bón: Hơn 90% trường hợp táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng

- Bé từ chối đi tiêu:

+ Do đau: rò hậu môn, kích thích quanh hậu môn, lạm dụng tình dục, trĩ

+ Cố ý từ chối đi tiêu: bé mãi chơi, nhịn đi cầu làm phân to cứng, bé cảm thấy đau sau khi tiêu, từ đó dẫn đến việc né tránh đi cầu lần sau, như thế càng làm bé đau hơn nữa ở lần đi cầu tiếp theo.

+ Do môi trường toilet mới, bé mới đi học, thiếu sự quan tâm.

- Bé không được tập thói quen đi tiêu đúng cách

- Chế độ ăn không hợp lý: uống quá nhiều sữa, thiếu nước, ít chất xơ (rau củ, trái cây…)

- Bệnh lý: Tắc ruột, Hirschprung, đại tràng trái nhỏ, suy giáp, xơ nang, một sốt bệnh về thần kinh, tác dụng phụ của một số thuốc điều trị…

3. Chẩn đoán táo bón

Chẩn đoán táo bón chức năng được xác định nếu có 2 tiêu chí sau được thỏa:

+ Đi tiêu < 3 lần/ tuần

+ Phân cứng và to, phân như phân dê, hoặc phân rất to, đi không thường xuyên, phân nhiều gây nghẹt toilet

+ Khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu

+ Phân cứng gây chảy máu hậu môn

+ Rặn, hành vi nín nhịn giữ phân

+ Đã có những đợt táo bón trước đây

+ Trước đây hoặc bây giờ có nứt hậu môn, tiền căn đau khi đi tiêu và chảy máu do phân cứng

Các dấu hiệu cảnh báo nguyên nhân thực thể của táo bón

+ Táo bón xuất hiện từ rất sớm: ngay sau sinh hoặc nhũ nhi sớm

+ Chậm tiêu su (> 48 giờ sau sinh)

+ Sốt, nôn ói hoặc tiêu chảy

+ Tiêu phân máu không kèm nứt hậu môn

+ Chướng bụng nặng

+ Ói dịch mật

+ Tiêu phân dẹt

+ Dấu hiệu tháo cống: : Xuất hiện khi được kích thích bằng ống thông đưa vào hậu môn, bé ra rất nhiều phân, dạng như tháo nút tắc ở cống nước

+ Tiêu khó hoặc bệnh lý bàng quang

+ Sụt cân hoặc chậm tăng cân

+ Bất thường tuyến giáp

+ Tiền căn gia đình có bệnh Hischprung

+ Vị trí hậu môn bất thường, dò quanh hậu môn

+ Lệch rãnh gian mông

+ Mất phản xạ da bìu

+ Mất phản xạ nhíu hậu môn

+ Giảm sức cơ hoặc trương lực cơ chi dưới

+ Bất thường vùng cùng cụt

+ Bất thường bẩm sinh hoặc hội chứng có liên quan đến hội chứng Down

Hình 1. Minh họa hiện tượng són phân ở bé

4. Điều trị bệnh táo bón ở trẻ em

Ba mẹ không nên quá lo lắng nếu như trẻ bị táo bón kéo dài vì vẫn có thuốc điều trị chứng táo bón. Tuy nhiên kết quả thường không đến sớm như gia đình mong muốn. Hãy kiên trì theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Mục tiêu điều trị:

+ Đi tiêu >3 lần/tuần

+ Phân mềm, cảm giác thoải mái khi đi tiêu

+ Hết són phân

+ Ngăn ngừa tái phát

- Táo bón chức năng: trước tiên phải giải phóng khối phân cứng đang tích tụ, sau đó phải tạo lập và duy trì thói quen đi cầu đúng cách bằng thuốc, chế độ ăn uống, tập luyện và giáo dục tâm lý (thời gian điều trị có thể kéo dài ít nhất 6 tháng-1 năm):

+ Làm rỗng đại tràng (giai đoạn xổ phân): chỉ tháo phân trong giai đoạn phân ứ nhiều trong trực tràng. Các thuốc bơm hậu môn có thể sử dụng như: Rectiofar (glycerin), Microlax (sorbitol 70%), Fleet enema (Sodium phosphate)…

+ Giai đoạn tấn công và duy trì: sử dụng thuốc làm mềm phân

• Nhóm thuốc nhuận trường thẩm thấu: Thuốc có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, giúp phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài

Duy trì ít nhất 6 tháng trẻ cần được tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá điều chỉnh liều thuốc phù hợp với tình trạng của trẻ.

• Nhóm thuốc nhuận trường kích thích: ít sử dụng

+ Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học:

•  Đối với trẻ đang bú mẹ: Tiếp tục cho bé bú mẹ vì trong sữa mẹ có sự cân bằng các thành phần chất béo, protein, chất xơ, nước… điều này giúp phân mềm ngay cả khi bé không đi vệ sinh trong vài ngày

•  Đối với bé ăn dặm và bé lớn hơn: Duy trì chế độ ăn đa dạng các chất dinh dưỡng, bổ sung thêm thành phần chất xơ (rau quả, củ, bánh mì đen…) trong chế độ ăn. Uống đủ nước

* Tập thói quen đi cầu đúng: Rèn luyện thói quen đi cầu vào một thời điểm cố định. Tập tư thế đi cầu đúng: không ngồi bệt, không đứng rặn,

Hình 2. Minh họa tư thế đi vệ sinh đúng và sai

- Táo bón thực thể: Giải quyết được nguyên nhân mới giải quyết được tình trạng táo bón.

Thông tin liên hệ: Tổng đài 1900 54 54 66

Hoặc gửi thông tin trao đổi bằng cách inbox (gửi tin nhắn cho Fanpage Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu)

Wildcard SSL