NHỮNG DẤU HIỆU GIÚP MẸ BẦU NHẬN BIẾT NGÔI THAI THUẬN

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. Phan Minh Tài, Khoa Cấp cứu Sản - Phụ khoa, Phòng sanh, BVQT Phương Châu Sóc Trăng

Việc biết được ngôi thai là một trong những yếu tố được các gia đình bầu quan tâm. Bởi vì ngôi thai là yếu tố rất quan trọng trong việc tiên lượng mẹ bầu nên sinh thường hay sinh mổ. Do vậy, từ tuần thai 28 trở đi, việc khám thai thường xuyên là điều hết sức quan trọng. Thời điểm này, ngoài việc khảo sát ngôi thai, tuân thủ khám thai định kỳ còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc theo dõi tăng trưởng của thai, phát hiện các bất thường về dây rốn, bánh nhau, lượng nước ối...

Hình minh họa BS Sản khoa Phương Châu tư vấn khám thai

* NGÔI THAI THUẬN LÀ GÌ?

Ngôi thuận hay còn gọi là ngôi đầu. Tư thế của thai nhi lúc này sẽ quay đầu xuống dưới âm hộ, gáy quay về phía bụng và mông hướng về phía ngực của mẹ. Ngôi thai thuận thường được chia thành 2 dạng, dựa vào hướng mặt của thai nhi:

- Thai nhi quay đầu xuống và mặt hướng về lưng của mẹ. Đây là trường hợp thường gặp nhất và cũng là vị trí thuận lợi nhất cho quá trình sinh nở của người mẹ.

- Thai nhi quay đầu xuống và mặt hướng về bụng mẹ. Trường hợp này ít găp hơn và thường khiến việc sinh nở của mẹ bầu gặp khó khăn vì thai nhi dễ bị kẹt lại khi chào đời.

* NGÔI THUẬN XUẤT HIỆN KHI NÀO?

Ngôi thai thuận xuất hiện ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Từ tuần 30 trở đi, thai nhi phát triển và dần quay đầu hướng xuống âm hộ của mẹ để chuẩn bị chào đời. Tuy nhiên, ở mỗi em bé thời điểm bắt đầu và thực hiện xoay ngôi thai là khác nhau. Đa số thai nhi từ tuần 35 của thai kỳ thì ngôi thai sẽ ổn định và vào đúng vị trí. Đối với những mẹ bầu mang thai lần 2, thời điểm ngôi thai dọc có thể xuất hiện muộn hơn khoảng tuần thứ 36, 37 của thai kỳ.

Những dấu hiệu giúp mẹ nhận biết ngôi thai thuận?

Để mẹ bầu có thể biết được em bé trong bụng có thuộc ngôi thai thuận hay không, mẹ sẽ phải sờ và cảm nhận những bộ phận của con bằng cách:

- Đặt hai tay vào phần bụng dưới và ấn nhẹ vào bụng. Nếu mẹ cảm thấy cứng cứng thì có thể thai nhi đã nằm ở ngôi thuận và vị trí mà mẹ cảm nhận được chính là đầu của con. Ngược lại, nếu cảm thấy mềm thì đó có thể là mông và thai nhi vẫn chưa quay đầu.

- Đặt hai tay vào hai bên trái, phải của vùng bụng, sau đó tay phải giữ nguyên còn tay trái thì sờ nhẹ nhàng và làm ngược lại. Động tác này để cảm nhận xem phần lưng của thai nhi nằm bên nào qua đó xác định được hướng mặt của con.

- Đặt hai tay vào vị trí đầu của con để xác định độ lọt.

Ngoài những cách kiểm tra trên, mẹ bầu cũng có thể nhận biết được con thuộc ngôi thai thuận bằng vị trí thai máy và cử động trong bụng mẹ:

- Nếu thai nhi có cử động đạp, máy ở trên rốn thì đầu của con đang quay xuống bên dưới và đã sẵn sàng cho hành trình ra đời.

- Nếu các cú đạp, máy ở dưới rốn thì có thể thai nhi vẫn chưa quay đầu và vẫn còn ở ngôi mông.

- Nếu các cú đạp, máy xuất hiện xung quanh rốn thì có thể thai nhi đang ở tư thế ngôi đầu nhưng mặt đang hướng về bụng của mẹ.

 

Hình minh họa “mẹ tròn con vuông” từ cuộc sinh thường (sinh ngã âm đạo) tại Phương Châu

* VÌ SAO MẸ BẦU NÊN KHÁM THAI ĐỊNH KỲ?

Để xác định chính xác ngôi thai thì mẹ bầu nên đi siêu âm thai định kỳ. Bởi vì ngôi thai là yếu tố rất quan trọng trong việc tiên lượng mẹ bầu nên sinh thường hay sinh mổ. Do vậy, từ tuần 28 trở đi, việc khám thai thường xuyên là điều hết sức quan trọng. Mẹ bầu nên đến các cơ sở y tế uy tín để khám thai định kỳ. Điều này giúp mẹ theo dõi tăng trưởng của thai, phát hiện các bất thường về phần phụ của thai như: bất thường dây rốn, bánh nhau, lượng nước ối,.. Đặc biệt là ngôi thai để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình chào đón bé yêu.

BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

300 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ

Tổng đài: 1900 54 54 66

Fanpage Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu

Wildcard SSL