NHỮNG BĂN KHOĂN CỦA BA MẸ VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG Ở BÉ

BS. Võ Lê Thúy Uyên, chuyên khoa Nhi – Sơ sinh, BVQT Phương Châu

Tay chân miệng ở trẻ em là căn bệnh quá đỗi quen thuộc nhưng khi bé mắc bệnh này, phần đông các bậc phụ huynh vẫn còn trăn trở và chưa hiểu rõ về nó. Hiểu được “nỗi lòng” này của những ba mẹ có con nhỏ, Nhi khoa Phương Châu xin mời ba mẹ cùng tham khảo bài viết chi tiết với những thông tin hữu ích nhất về bệnh tay chân miệng, cùng theo dõi nhé!

Hình minh họa những băn khoăn của ba mẹ về bệnh tay chân miệng ở bé

1. Bệnh Tay Chân Miệng là gì?

- Mặc dù có cái tên có vẻ đáng sợ nhưng bệnh tay chân miệng là một căn bệnh phổ biến, dễ lây lan do các loại vi-rút khác nhau gây ra

- Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.

2. Trẻ nào hay mắc bệnh và con đường lây nhiễm của bệnh như thế nào?

- Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi

- Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm

- Bệnh thường không nghiêm trọng nhưng rất dễ lây lan. Nó lây lan nhanh chóng tại nhà trẻ, mẫu giáo, trường học.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh Tay Chân Miệng

- Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày: giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng.

- Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

-  Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

+ Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

+ Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

+ Sốt nhẹ.

+ Nôn.

+ Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

+ Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

3. Cách điều trị bệnh Tay Chân Miệng như thế nào?

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ nâng đỡ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm).

- Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.

- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

* Đối với độ 1: Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở.

- Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.

- Hạ sốt bằng bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ.

- Vệ sinh răng miệng.

- Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

* Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu từ độ 2a trở lên như:

- Sốt cao ≥ 390C

- Thở nhanh, khó thở

- Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều

- Đi loạng choạng

- Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh

- Co giật, hôn mê

* Đối với trẻ mắc bệnh từ độ 2a trở lên: Cần nhập viện theo dõi

3. Cách phòng ngừa cho bé qua mùa dịch

- Rửa tay cẩn thận: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Giúp bé giữ tay sạch sẽ.

- Dạy bé giữ vệ sinh tốt: Hướng dẫn bé che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc khi ho.

- Khử trùng các khu vực chung: Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.- Cách ly bé bệnh tại nhà: Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các bé chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Thông tin liên hệ: Tổng đài 1900 54 54 66

Hoặc gửi thông tin trao đổi bằng cách inbox (gửi tin nhắn cho Fanpage Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu)

Wildcard SSL