NHẸ NHÀNG VƯỢT QUA NHỮNG “CƠN BÃO” LÚC TUỔI XẾ CHIỀU

BS. Phan Quang Lộc, Trung Tâm Phẫu Thuật Nội Soi, BVQT Phương Châu

Dân gian thường ví giai đoạn mãn kinh của phụ nữ như một buổi xế chiều không bình lặng. Sự thay đổi nội tiết tố gây nhiều rối loạn cho cơ thể như những “cơn bão” liên tục ập đến. Bão từ trong ra ngoài. Đàn ông sao hỏa, đàn bà sao kim. Ấy vậy mà ở giai đoạn này thì sao kim đôi lúc cũng bốc hỏa cháy ngùn ngụt.

Giai đoạn này, ngoài những thay đổi về tâm lý, người phụ nữ cũng thường gặp những vấn đề phụ khoa đi kèm những bệnh lý khác. Nhiều chị em cảm thấy khó khăn, lo lắng.

Vì sao buổi sớm thì an nhiên mà chiều về thì dữ dội? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Tiền mãn kinh, mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh thường rơi vào độ tuổi từ 45 – 55. Đây là độ tuổi đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ. Nói cách khác, khi nào bạn ngừng có kinh nguyệt, đó là lúc bạn chính thức mãn kinh.

Giai đoạn tiền mãn kinh:

Tiền mãn kinh (TMK) là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh (MK) hay còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Tùy theo cơ địa mỗi người có thể diễn ra vào các lứa tuổi khác nhau. Đồng thời, mỗi người cũng sẽ có những triệu chứng không giống nhau.

Giai đoạn TMK thường bắt đầu trước khi MK từ 8 – 10 năm. Đây là giai đoạn hoạt động của hệ trục vàng Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm. Bộ ba nội tiết tố nữ estrogen - progesterone - testosterone không còn sản xuất đủ để đáp ứng mọi hoạt động của cơ thể.

Vì thế, người phụ nữ phải đối mặt với những xáo trộn về tâm sinh lý, sức khỏe và cả sắc đẹp:

- Nguy cơ loãng xương

- Rối loạn tim mạch

- Giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo

- Dễ bị kích thích tâm lý gây tình trạng bốc hỏa, hay nóng giận, nóng bừng mặt, đổ mồ hôi nhất là vào ban đêm. Tình trạng mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp, lo âu gây chán nản, thiếu tập trung trong công việc.

Trong giai đoạn cuối của thời kỳ TMK, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ngày càng ít estrogen hơn. Giai đoạn này kéo dài ít nhất là vài tháng và lâu nhất là 4 năm.

Thời kỳ mãn kinh:

Thời kỳ MK chính thức bắt đầu khi buồng trứng sản xuất quá ít estrogen, đến mức trứng không được phóng thích nữa. Khi đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng lại.

 

2. “Quỹ đạo" tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ có giống nhau?

Tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn xảy đến một cách tự nhiên trong cuộc đời người phụ nữ. Tuy nhiên, không ít trường hợp xảy ra không theo quỹ đạo, tức là đến sớm hơn (trước 35 tuổi) hoặc muộn hơn (sau 50 tuổi).

Một số nguyên nhân có thể khiến giai đoạn MK đến sớm hơn:

- Có mẹ hoặc chị gái cũng bị mãn kinh sớm

- Suy buồng trứng sớm

- Đã cắt bỏ tử cung hoặc toàn bộ buồng trứng

- Trải qua hóa trị và xạ trị trong quá trình điều trị ung thư

- Mắc một số chứng bệnh như rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ miễn dịch,…

- Hút thuốc lá nhiều năm vì thuốc lá là yếu tố nguy hại làm giảm nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể

 

3. Các vấn đề phụ khoa thường gặp ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh:

Việc suy giảm nội tiết tố nữ trong giai đoạn TMK, MK có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý sau đây:

- Viêm sinh dục: Viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần.

- Sa sinh dục, sa bàng quang, trực tràng: sa thành âm đạo, cổ tử cung, bàng quang, trực tràng ở các mức độ khác nhau. Chị em có thể thấy tức nặng vùng âm hộ hoặc sờ thấy khối sa ra ngoài âm hộ.

- Khối u: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung. Các dấu hiệu thường là rối loạn kinh nguyệt, lượng kinh nhiều hơn, kéo dài hơn, ra dịch nhầy, khó chịu một bên hố chậu, đau bụng liên quan đến kỳ kinh.

- U xơ, u nang vú: Thấy đau nhói, sờ thấy nhân ở vú.

- Tổn thương ác tính: ung thư cổ tử cung, niêm mạc tử cung, buồng trứng, ung thư vú

Ngoài các bệnh phụ khoa, một số những bệnh lý khác cũng có thể gặp trong giai đoạn này như:

- Loãng xương, thoái hóa khớp: đau mỏi trong xương, khớp, cử động khớp khó khăn, có tiếng lục cục ...

- Rối loạn chuyển hóa: tiểu đường, tăng mỡ máu.

- Cao huyết áp, bệnh tim mạch.

- Suy giáp hoặc cường giáp.

- Khối u các cơ quan (tuyến giáp, dạ dày, đại tràng,...)

 

4. Điều trị bệnh lý tiền mãn kinh, mãn kinh như thế nào?

Do tính chất đặc biệt của các rối loạn chức năng và bệnh lý thời kỳ TMK, MK nên việc điều trị nhất thiết phải theo nguyên tắc tổng thể, phối hợp đa chuyên ngành: Phụ khoa - Mãn kinh, Nội tiết, Tim mạch, Tiết niệu, Tiêu hóa, Tâm lý liệu pháp, Phục hồi chức năng, Dinh dưỡng, Phẫu thuật...

Mỗi người bệnh sẽ có dấu hiệu và thể trạng khác nhau, vì thế người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp với việc vận động, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Chế độ ăn uống:

Chất đạm

Ở tuổi TMK, khối lượng cơ bắt đầu sụt giảm. Vì thế, bạn cần tăng lượng đạm trong khẩu phần ăn để hỗ trợ duy trì khối lượng cơ. Ngoài ra, đạm còn giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn và lượng đường trong máu, cũng như cân bằng lượng hormone trong cơ thể bạn. Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại đậu… là nguồn thực phẩm cung cấp đạm tốt. 

Axit béo omega-3

Axit béo omega-3 có liên quan đến việc giảm viêm, cải thiện tâm trạng và phòng ngừa chứng trầm cảm. Do vậy, người phụ nữ rất cần bổ sung các loại cá béo (cá ngừ, cá thu, cá trích…) trong chế độ ăn. Viên uống dầu cá cũng là lựa chọn tốt nếu lượng cá béo bạn cung cấp chưa đủ.

Chất xơ

Chất xơ (có trong các loại rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…) giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, từ đó hạn chế cảm giác thèm ăn và duy trì cân nặng. Điều này đặc biệt hữu ích đối với phụ nữ TMK – những người dễ bị tăng cân do tốc độ trao đổi chất chậm lại.

Chất xơ còn được chứng minh giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh lão hóa bao gồm bệnh tim, đột quỵ và ung thư.

Canxi

Khi nguy cơ loãng xương tăng lên, bạn cần tăng lượng canxi lên 1.200mg/ngày. Vitamin D cũng rất quan trọng vì giúp cơ thể hấp thụ canxi tối đa. Bạn hãy làm bạn với sữa không đường tách béo, các loại đậu, động vật có vỏ, trứng… vì đây là nguồn canxi dồi dào.

Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, có một số thực phẩm bạn cần hạn chế hoặc kiêng tuyệt đối khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, đó là:

- Thực phẩm giàu chất béo bão hòa: mỡ động vật, các chế phẩm từ sữa như bơ, phô mai…

- Thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế cao: bánh mì trắng, mì, bánh ngọt, kẹo, kem…

- Thức uống chứa caffein 

Chế độ sinh hoạt:

- Tập thể dục hàng ngày

- Ngừng hút thuốc lá

- Hạn chế uống rượu bia

- Cố gắng tạo cho mình giấc ngủ ngon và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ngày

- Duy trì cân nặng ổn định với chỉ số BMI trong giới hạn bình thường

Khám phụ khoa định kì

Do tình trạng mỗi bệnh nhân khác nhau nên tùy tình trạng cụ thể bác sĩ Phụ khoa sẽ có thể đề nghị thêm các cận lâm sàng phù hợp:

- Siêu âm tử cung, buồng trứng qua đường bụng

- Lấy bệnh phẩm làm phiến đồ tế bào cổ tử cung – âm đạo

- Chụp Xquang tuyến vú (2 bên)

- Đo độ loãng xương

- Thực hiện các xét nghiệm khác để phát hiện các bệnh lý tiền mãn kinh nếu có.

Thông thường, bác sĩ Phụ khoa sẽ đồng hành cùng chị em trong quá trình theo dõi và điều trị. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, chị em có thể trực tiếp hỏi và nhờ bác sĩ tư vấn.

Đôi khi, giai đoạn hoàng hôn của cuộc đời có chút khó khăn nhưng không phải là sự chấm hết. Trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe bản thân chính là hành trang để các chị em nhẹ nhàng và an nhiên đón chào một hoàng hôn rực rỡ.

----------------------------------

PHÒNG KHÁM VIP – TIÊU CHUẨN NHẬT BẢN

Nâng cấp dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cao. Nâng tầm chăm sóc tận tâm, an toàn. Không gian phòng khám đặc trưng mang phong cách văn hóa xứ sở mặt trời mọc.

KHÁM SẢN KHOA - KHÁM PHỤ KHOA - KHÁM NHŨ

* THỜI GIAN TIẾP NHẬN KHÁM: 07h00 đến 13h00, từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần

* ĐĂNG KÝ KHÁM VIP bằng nhiều cách:

- Đặt lịch hẹn khám qua điện thoại 0907 93 93 46 hoặc Tổng đài 1900 54 54 66

- Link đăng ký: https://forms.gle/uJg2MjgUFYbmsCe88

- Đăng ký trực tiếp tại bệnh viện

* Có thể yêu cầu bác sĩ theo lịch làm việc tuần, vui lòng xem lịch ở đường link sau: https://phuongchau.com/examination/lich-kham-benh

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ các gia đình những thông tin cần thiết.

Wildcard SSL