NHAU CÀI RĂNG LƯỢC - TAI BIẾN SẢN KHOA "RÌNH RẬP" SẢN PHỤ

 

 

 

 

Phòng mổ sáng đèn...

Ekip bác sĩ Phương Châu ai nấy cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đại phẫu sắp diễn ra.

Vốn có nhiều kinh nghiệm trong những ca phẫu thuật khó trước đây, các bác sĩ hiểu rằng đây sẽ là một ca mổ rất phức tạp và nhiều biến chứng nguy hiểm nên cần phải có một sự tập trung cao độ và phối hợp thật tốt trong cả ekip vì đây là trường hợp sản phụ mắc nhau cài răng lược thể percreta hiếm gặp.

Dụng cụ phẫu thuật đầy đủ, những đơn vị máu dự trù,… tất cả đã sẵn sàng…

Sau một phút time-out, cuộc chiến đấu giành lấy sự sống cho cả hai mẹ con sản phụ bắt đầu. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm, ekip phòng mổ hôm ấy đã phối hợp nhuần nhuyễn trong suốt quá trình phẫu thuật.

Từng giây phút trôi qua một cách nặng nề cho đến khi tiếng khóc “oa oa” của bé vang lên, xé tan đi không khí căng thẳng, hồi hộp nơi gian phòng phẫu thuật, ghi nhận thời khắc các bác sĩ Phương Châu đã chiến thắng “tử thần” mang tên nhau cài răng lược, thành công bảo vệ an toàn cho cả hai mẹ con.

 

 

Qua 5 ngày hậu phẫu, sức khỏe chị T ổn định dần lên. Còn bé dù sinh non tháng nhưng hoàn toàn khỏe mạnh nên cũng được xuất viện cùng với mẹ.

 

Nhau cài răng lược - Tai biến sản khoa "rình rập" sản phụ

Mở lại từng trang hồ sơ bệnh án, Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh chia sẻ: “Hôm ấy chị T. đến khám thai định kỳ bình thường như những lần đi khám khác. Bản thân chị T. cũng không có biểu hiểu hiện gì cho thấy chị đang mắc nhau cài răng lược”. Nhưng quá trình khám thai kỹ lưỡng cùng với kinh nghiệm và sự nhạy bén, các bác sĩ nhận định đây chính là “gã hung thần” nhau cài răng lược, tai biến Sản khoa gây ám ảnh cho các bác sĩ và cả sản phụ.

“Ban đầu, chị T. rất bất ngờ và hết sức lo lắng khi các bác sĩ thông báo tình trạng nguy hiểm của bệnh lý mà chị gặp phải. Tuy nhiên, quá trình khám thai kỹ lưỡng và được sự đồng hành sát sao của bác sĩ Phương Châu nên chị cũng giải tỏa bớt phần nào áp lực”, Bác sĩ Vinh chia sẻ thêm.         

Một cuộc hội chẩn toàn viện được thành lập bao gồm các bác sĩ: Sản khoa, Nhi khoa, Ngoại tổng quát, Gây mê hồi sức, Ngoại tiết niệu. Kết quả hội chẩn đưa ra quyết định sau cùng là mổ lấy thai, cắt toàn bộ tử cung, chừa 2 buồng trứng. Sản phụ cùng gia đình đã được các bác sĩ Phương Châu tư vấn về phương pháp phẫu thuật dự kiến và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón bé, cũng như thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo an toàn cho quá trình phẫu thuật.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Vinh, nhau cài răng lược là sự bám bất thường hoặc xâm lấn một phần hay toàn bộ bánh nhau vào lớp cơ tử cung nên nhau không tự bong ra sau sinh như bình thường. Bánh nhau thậm chí có thể xâm lấn ra ngoài tử cung ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Bệnh thường dễ xảy ra ở những sản phụ có tiền sử mổ lấy thai, nhau thai tiền đạo, tiền căn nạo hút thai, mang bầu ở độ tuổi ngoài 35, sinh quá nhiều con.

Nguy hiểm nhất là nhau cài răng lược không có dấu hiệu rõ ràng. Một số trường hợp sau sinh nhau không tự bong ra mới phát hiện nên quá trình xử trí có thể rất bị động. “Thủ phạm” gây tử vong cho đa số các trường hợp mắc nhau cài răng lược chính là mất máu do băng huyết sau sinh. Tuy nhiên hoàn toàn có thể phát hiện sớm bệnh lý này qua việc tầm soát bằng siêu âm định kỳ.

 

 

Thai phụ nên đi khám thai định kỳ ở các cơ sở y tế có điều kiện nhằm phát hiện những bất thường trong thai kỳ cũng như được bác sĩ tư vấn, theo dõi và lập kế hoạch chăm sóc tốt nhất, hạn chế những tai biến nguy hiểm do các bệnh lý như nhau cài răng lược gây ra” – Bác sĩ Vinh nhắn nhủ đến các Sản Phụ.

Wildcard SSL