NGUYÊN NHÂN GÂY TẮC TIA SỮA SAU SINH LÀ GÌ?

Bài viết được thực hiện bởi BS. Cao Thị Ngọc Trúc, Khoa Khám Bệnh Sản Phụ Khoa, BVQT Phương Châu và cố vấn bởi BS.CKII. Huỳnh Thị Uyển Trang, Phó Trưởng Khoa Hậu Sản, BVQT Phương Châu.

 

Khi chào đón con yêu đến với thế giới này, người mẹ nào cũng mong muốn con mình được thưởng thức làn sữa mẹ ấm nóng. Tuy nhiên, hành trình nuôi con bằng sữa mẹ có thể gặp nhiều thử thách, một trong số đó là tình trạng tắc tia sữa. Ước tính khoảng 20% phụ nữ trải qua tình trạng này sau sinh, dẫn đến đau nhức, mệt mỏi và ảnh hưởng đến mục tiêu nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Hãy cùng Bác sĩ Phương Châu tìm hiểu về tình trạng tắc tia sữa cũng như lời khuyên của bác sĩ dành cho các mẹ khi gặp phải tình trạng này nhé.

1. Tắc tia sữa là gì? Nguyên nhân gây tắc tia sữa ở mẹ bầu?  

Tắc tia sữa còn gọi là tắc tuyến sữa hay tắc ống dẫn sữa, là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực mà không được đẩy ra ngoài, khiến việc cho con bú gặp nhiều khó khăn cũng như gây đau đớn cho người mẹ

Hình minh họa

Nguyên nhân chủ yếu của tắc ống dẫn sữa bao gồm những yếu tố ảnh hưởng đến lưu thông của một phần hay toàn bộ vú ví dụ như: 

    - Bú không hiệu quả, không thường xuyên

    - Mặc áo bó kín và chèn ép của ngón tay khi nâng đỡ vú không đúng cách

    - Bầu vú không được làm trống đủ và đúng sau các bữa bú là các tác nhân thường nhất dẫn đến tắc nghẽn cục bộ của lưu thông sữa trong vú

Ngoài ra còn liên quan đến chấn thương vú, tiền sử chấn thương vú (do phẫu thuật chẳng hạn), các vấn đề tâm lý như stress và căng thẳng sau sanh cũng là một nguyên nhân thường thấy.

2. Cho con bú thì có bị tắc ống dẫn sữa không?

Nhiều mẹ lầm tưởng rằng chỉ những trường hợp không cho con bú sữa mẹ mới gặp tình trạng tắc tuyến sữa. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến việc mẹ không cho con bú thường xuyên hoặc mẹ cho con bú không đúng cách, bé ngậm bắt vú sai hoặc mẹ không hút hết sữa còn sót lại ra ngoài dẫn đến sữa còn ứ đọng trong bầu ngực gây tắc nghẽn.

Hình ảnh em bé đang bú mẹ tại BVQT Phương Châu

3. Tắc tia sữa có nguy hiểm không?

Tắc tia sữa nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây ra nhiều vấn đề và biến chứng nguy hiểm cho mẹ như:

    - Trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ sữa mẹ.

    - Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng vì những cơn đau và sốt nhẹ, lâu ngày có thể dẫn tới áp xe vú.

    - Viêm tuyến vú hoặc áp xe vú là một trong những biến chứng nguy hiểm khó điều trị.

4. Mẹ nên đến gặp bác sĩ khi nào?

Hình ảnh bác sĩ Phương Châu đang thăm khám cho khách hàng

Mẹ cảm thấy căng đau nhức vùng vú, sờ thấy có cục chai cứng ở bầu ngực.

Mẹ đã cho bé bú và đã vắt sữa nhưng vẫn không hết khối cứng ở vú.

Tình trạng tắc tia sữa kéo dài >2 ngày và không biến mất.

Các triệu chứng căng đau không cải thiện mà ngày nặng hơn, khối tăng to hơn kèm theo sốt không giảm.

Có dấu hiệu nhiễm trùng như mệt mỏi, sốt, ăn uống kém.

Đã áp dụng các biện pháp cải thiện tình trạng tắc tia sữa tại nhà nhưng không hiệu quả.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

🏩 BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

📍 Địa chỉ: 300 Nguyễn Văn Cừ (nối dài), P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Tổng đài hỗ trợ tư vấn: 1900 54 54 66 (nhấn phím 1)

Wildcard SSL