Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là tế bào còn non trẻ, có khả năng tự thay mới mình và biệt hoá thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể và thay thế cho các tế bào ở các mô, cơ quan bị mất đi do già và chết tự nhiên hoặc bị tổn thương vì các nguyên nhân khác nhau.

Tế bào gốc nằm ở đâu trong cơ thể?

Trong cơ thể các tế bào gốc được cất giữ tại các vị trí đặc biệt được gọi là “ổ” tế bào gốc (“stem cell niche”). Ổ tế bào gốc nằm rải rác ở khắp các mô và cơ quan trong cơ thể. Từ đây, các tế bào cứ đều đặn (hoặc tăng tốc độ khi có nhu cầu như sau nhiễm trùng hay chấn thương) tăng sinh và biệt hoá, cung cấp nguồn tế bào mới để tái tạo mô và giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng. Ổ tế bào gốc là những cấu trúc rất đặc biệt và khác nhau tuỳ theo ổ ấy nằm ở mô nào. Chúng có cấu tạo bao gồm các tế bào và phân tử có nhiệm vụ tạo ra một vi môi trường thích hợp cùng các tín hiệu cần thiết vừa bảo vệ tế bào gốc trước các tín hiệu gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis) từ bên ngoài lọt vào, vừa điều phối hoạt động đều đặn hay tăng tốc của chúng khi cần, đồng thời kiểm soát không cho chúng phát triển quá mức dẫn đến ung thư.

Tại sao có thể dùng tế bào gốc để chữa bệnh?

Quá trình liền vết thương và phục hồi các thoái hoá/tổn thương của các mô, cơ quan trong cơ thể có nhiều cơ chế phức tạp nhưng kết quả cuối cùng là tái lập lại các mô đã bị thoái hoá/tổn thương đó. Chính các tế bào gốc là lực lượng dự trữ được huy động để tái tạo các tế bào bị tổn thương đó. Ở các cơ thể còn trẻ, khỏe thì lượng tế bào gốc còn phong phú nên khả năng liền vết thương mạnh. Với các cơ thể già và yếu thì lượng tế bào gốc cũng suy yếu nên không còn khả năng tự tái tạo dẫn đến các biểu hiện của tuổi già, suy các cơ quan hoặc không liền vết thương. Vì thế dùng tế bào gốc trong điều trị chính là đưa vào cơ thể các tế bào non trẻ để có thể có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới để bổ xung hoặc thay thế cho các tế bào và mô cơ quan bị tổn thương hay mất chức năng.

Có bao nhiêu loại tế bào gốc và tại sao nói dây rốn là nguồn tế bào gốc lý tưởng?

Các tế bào gốc có thể lấy ra từ phôi, thai, dịch ối, dây rốn, nhau thai, các mô khác nhau của người sau khi sinh cho đến người trưởng thành. Dựa vào nguồn mô lấy ra để phân lập so với giai đoạn phát triển phôi thai và cơ thể người ta chia các tế bào gốc thành các loại sau:

  • Tế bào gốc phôi (embryonic stem cells): là các tế bào gốc được lấy từ khối tế bào bên trong của phôi nang 4-7 ngày tuổi. Đây là các tế bào chưa biệt hoá, có tính vạn tiềm năng, có thể phát triển thành gần như bất kỳ loại tế bào nào của cơ thể.
  • Tế bào gốc thai (foetal stem cells): là các tế bào gốc được phân lập từ tổ chức thai sau nạo phá thai. Đây là các tế bào vạn tiềm năng hoặc đa tiềm năng, tức là chúng có tiềm năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau của các mô và cơ quan.
  • Tế bào gốc nhũ nhi (infant stem cells): là các tế bào đa tiềm năng hoặc vạn tiềm năng phân lập từ cơ thể trẻ sơ sinh, dây rốn, và từ nhau thai.
  • Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells): là các tế bào chưa biệt hoá, được tìm thấy số lượng ít trong các mô của người trưởng thành (tủy xương, máu ngoại vi, mô não, mô da, mô cơ...), được cho là có tính đa tiềm năng.
  • Tế bào gốc giống tế bào gốc phôi hay tế bào gốc vạn tiềm năng cảm ứng là những tế bào đã biệt hóa được đưa thêm một số gen của tế bào gốc phôi vào để cảm ứng chúng làm cho chúng có đặc tính giống như tế bào gốc phôi.

 

Trong số các nguồn cung cấp tế bào gốc kể trên, việc lấy tế bào gốc từ phôi, thai, dịch ối trước sinh có liên quan đến hủy phôi, nạo phá thai, can thiệp chọc dịch ối trước sinh là những việc làm có liên quan đến các lo ngại về đạo đức và ảnh hưởng bất lợi cho thai nhi; Việc lấy tế bào gốc từ các mô ở người trưởng thành như tủy xương, máu ngoại vi, nang lông… Có những khó khăn về kỹ thuật và hạn chế về số lượng tế bào cũng như chất lượng tế bào gốc vì chúng tương đối “già” hơn so với các tế bào gốc lấy từ phôi và thai. Dây rốn và nhau thai sau khi sinh là sản phẩm thường bị bỏ đi như rác thải y tế. Tuy nhiên trong các tổ chức này có chứa các tế bào có nguồn gốc từ cơ thể của em bé, bao gồm cả các tế bào gốc. Các tế bào gốc lấy từ dây rốn có các ưu điểm chủ yếu sau:

  • Thu hoạch dây rốn để tách tế bào gốc không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của cả mẹ và con vì dây rốn được lấy sau khi sinh đã “mẹ tròn con vuông”.
  • Thu hoạch và cất giữ tế bào gốc dây rốn không liên quan đến phôi, thai, nên không có lo ngại về vấn đề đạo đức như các loại tế bào gốc phôi và tế bào gốc thai.
  • Từ dây rốn có thể thu được nhiều loại tế bào gốc bao gồm các tế bào gốc trong máu dây rốn (chứa nhiều tế bào gốc tạo máu, tương tự như các tế bào gốc ở tủy xương) và các tế bào gốc trung mô và biểu mô từ màng dây rốn, và có thể các loại tế bào gốc khác từ nhu mô dây rốn mà chúng ta chưa biết hết.
  • Các tế bào gốc từ dây rốn còn rất trẻ, chúng thuộc loại các tế bào gốc nhũ nhi nên khả năng phân chia tốt và tiềm năng phát triển thành các loại tế bào khác là tương đối lớn, do vậy phạm vi ứng dụng cũng lớn.
  • Có thể lưu trữ lâu dài để sử dụng điều trị cho chính người có dây rốn ấy hoặc người thân trong gia đình hoặc ai đó trong cộng đồng có các chỉ số sinh học phù hợp với mẫu tế bào gốc dây rốn đó.
  • Các tế bào gốc từ dây rốn có các đặc điểm đặc ưu về phương diện miễn dịch để dễ được cơ thể khác chấp nhận, nên khi được dùng để điều trị cho người khác không phải là em bé có dây rốn đó thì các tế bào gốc này dễ được cơ thể nhận chấp nhận và hòa hợp tốt hơn với cơ thể mới đó.

 

Thế nào là máu dây rốn và tế bào gốc máu dây rốn? 

Dây rốn là đoạn kết nối giữa rốn của thai nhi và nhau thai bám ở thành tử cung của người mẹ, có vai trò là cầu nối giữa người mẹ và em bé để vận chuyển ô-xy và các chất dinh dưỡng từ người mẹ chuyển qua em bé. Máu của em bé được chuyển qua dây rốn sang nhau thai để tiếp xúc với máu mẹ qua màng nhau thai để lấy ô-xy và chất dinh dưỡng rồi sau đó qua dây rốn quay trở lại với em bé. Khi em bé sinh ra dây rốn được kẹp và cắt sát phía em bé, phần còn lại dính vào nhau thai thường được vứt bỏ cùng với bánh nhau sau khi sổ nhau dưới dạng rác y tế. Trong đoạn dây rốn và bánh nhau này còn sót lại một lượng máu của em bé được gọi là máu dây rốn. Thành phần của máu dây rốn bao gồm tất cả các thành phần của máu như các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Ngoài ra trong máu dây rốn còn có các tế bào gốc, chủ yếu là các tế bào gốc tạo máu - là các tế bào sẽ sinh ra tất cả các loại tế bào máu tương tự như các tế bào gốc tạo máu có ở tủy xương. Đấy là lý do tại sao có thể dùng tế bào gốc tạo máu trong máu dây rốn để truyền thay cho tế bào gốc tủy xương.


Ưu điểm của tế bào gốc máu dây rốn so với tế bào gốc tủy xương?

Bốn ưu điểm chính của tế bào gốc máu dây rốn so với tế bào gốc tủy xương là lấy máu dây rốn đơn giản, an toàn, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người cho là em bé mới sinh; Các tế bào được thu thập từ trước với đầy đủ các xét nghiệm được làm sẵn và được bảo quản khi có nhu cầu là có thể lấy ra sử dụng ngay không mất thời gian tìm kiếm và xét nghiệm; Khi tiến hành cấy ghép thì các tế bào gốc máu dây rốn không đòi hỏi phải có cặp người cho và người nhận hòa hợp tuyệt đối về mức độ hòa hợp mô; Các tế bào này cũng có nguy cơ thấp hơn cho cơ thể người nhận như phản ứng mô ghép chống túc chủ cũng như nguy cơ lây truyền một số loại virus.


Thế nào là màng dây rốn và tế bào gốc màng dây rốn?

Dây rốn được bao bọc bên ngoài là một lớp màng quấn quanh tổ chức của dây rốn. Từ lớp màng bao dây rốn này có thể thu được hai loại tế bào gốc là tế bào gốc biểu mô và tế bào gốc trung mô. Tế bào gốc biểu mô là những tế bào làm nhiệm vụ che phủ, bao quanh cơ thể như da hoặc là các tế bào che phủ tạo nên lớp che đậy mặt trong của các cấu trúc rỗng như ruột. Tế bào gốc trung mô cấu tạo nên phần chính trong cấu trúc nền của các mô, cơ quan.

 

Các tế bào gốc màng dây rốn dùng để làm gì?

Tế bào gốc trung mô (MSC) phân lập từ màng dây rốn đang được thử  nghiệm  lâm sàng ở các viện, trường đại học trên thế giới nhằm điều trị các  bệnh như  sau:

  • Tim
  • Viêm loét đại tràng
  • Tự kỷ
  • Xơ gan
  • Đột quỵ
  • Xơ hóa phổi
  • Viêm xương khớp
  • Dùng hỗ trợ cho các cuộc ghép tế bào gốc tạo máu, giúp nhanh mọc mảnh ghép và hạn chế chứng mảnh ghép chống ký chủ (GVHD)
  • Bệnh Parkinson’s

 Tế bào gốc biểu mô (ESC) phân lập từ màng   dây rốn cũng có khả năng được dùng để     điều trị:

  • Vết thương, vết loét khó lành
  • Điều trị tổn hại mắt sau bỏng
  • Thay thế các tế bào tiết insulin bị tổn hại trong tiểu đường
  • Các loại bỏng khác nhau
  • Chấn thương cơ

 

Wildcard SSL