CN.Nguyễn Hoàng Như Ngọc

Cách thức xây dựng một chế độ sinh hoạt cân đối, hợp lý trong giai đoạn mang thai để tạo nền tảng cho bé có được bước khởi đầu hoàn hảo sau khi chào đời, đặc biệt là chế độ “Dinh dưỡng trong thai kỳ để bé yêu khỏe mạnh, thông minh” là những thông tin được rất nhiều bà mẹ quan tâm tìm hiểu hiện nay. Và đây cũng chính là chủ đề của lớp học kiến thức cho Mẹ và bé, được tổ chức tại hội trường Bệnh viện quốc tế (BVQT) Phương Châu vào ngày Chủ nhật 27/03/2016 vừa qua.
Lớp học do BS.CKII. Đỗ Thị Kim Ngọc – Phó giám đốc BVQT Phương Châu, trực tiếp hướng dẫn về các vấn đề xoay quanh việc chăm sóc thai kỳ, chế độ ăn uống hợp lý dành cho thai phụ, với nhiều ví dụ trực quan, gần gũi và phù hợp với điều kiện thực tế của các gia đình Việt Nam. Qua đó, sau khi tham dự chương trình, các thai phụ và người thân trong gia đình có thêm những kiến thức để đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng thức ăn cần thiết cho mẹ và thai nhi; số cân nặng phù hợp với thể trạng trong từng giai đoạn thai; được giải thích về những kinh nghiệm dân gian liên quan đến các món ăn cần kiêng cử hay khuyến khích ăn nhiều khi mang thai.

BS.CKII. Đỗ Thị Kim Ngọc – BVQT Phương Châu đang hướng dẫn về các vấn đề xoay quanh việc chăm sóc thai kỳ

Theo BS.CKII. Đỗ Thị Kim Ngọc, giai đoạn 3 tháng đầu khi mang thai chính là giai đoạn tạo dựng nền tảng cho bào thai, do đó các món ăn cần đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng: đạm, khoáng chất, vitamin. Và một số vi chất như sắt, axit folic, canxi, taurine rất quan trọng trong giai đoạn này cần được bổ sung giúp ngăn ngừa dị tật ở thai nhi. Bác sỹ cũng nhấn mạnh lợi ích của từng chất dinh dưỡng, đồng thời hướng dẫn bổ sung loại thực phẩm nhằm đạt đủ chất lượng và số lượng của dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thai phụ cần bổ sung thêm 10% chất xơ từ hoa quả, rau xanh và lựa chọn thực phẩm sạch để hệ tiêu hóa được bảo vệ một cách tốt nhất. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm thuốc bổ (sắt, axit folic, canxi) trong thời gian này. Để tránh hiện tượng nôn, buồn nôn do ốm nghén mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ.
Đến giai đoạn 3 tháng giữa là thời kỳ xây dựng, thai nhi phát triển nhanh chóng, nhu cầu dinh dưỡng là khá cao và người mẹ cũng ít nghén hơn. Vì vậy người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng tăng cường hơn về số lượng các loại thịt, đậu, cá, rau xanh, hoa quả, vitamin và đặc biệt là sản phẩm giàu canxi như tôm, tép, cua, trứng, sữa… vì giai đoạn này thai nhi phải hấp thu một lượng lớn canxi để cấu thành xương, nếu không bổ sung đầy đủ, mẹ sẽ dễ bị thiếu canxi, gây hư răng, vọp bẻ, loãng xương sau sanh.

Trong ba tháng cuối thai kỳ, đây là giai đoạn tích lũy, vì thai nhi đã lớn, có thể chèn ép lên các bộ phận như dạ dày, ruột, bàng quang… khiến thai phụ có cảm giác mệt mỏi, lười ăn, đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai ba tháng cuối cần phải đảm bảo giúp cho thai phụ đủ sức “vượt cạn” và nuôi con sau khi sinh. Ngoài các chất cơ bản như tinh bột, đạm, chất xơ, dầu, đường, những chất quan trọng cần bổ sung thêm trong giai đoạn như DHA, kẽm, magie, vitamin E.

Phần trình bày nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và câu hỏi, thắc mắc từ phía khán giả.

Giữa chương trình là phần bốc thăm trúng thưởng và trao quà cho khán giả may mắn có mặt tại hội trường

Cuối chương trình là phần thực hành tắm bé sơ sinh do các Nữ hộ sinh BVQT Phương Châu hướng dẫn qua từng bước, nhằm giúp khán giả có được những kiến thức và kỹ năng tắm bé và chăm sóc rốn an toàn, khoa học để tránh nhiễm trùng rốn ở trẻ.

Nữ hộ sinh hướng dẫn tắm bé và cách chăm sóc rốn

Kính mời các ông bố, bà mẹ tham dự Lớp học Kiến Thức Cho Mẹ & Bé kỳ sau được tổ chức vào lúc 8g sáng ngày 24/4/2016 với chủ đề “Tầm quan trọng của Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh” do BS. Nguyễn Thị Nhã Đan trình bày.

Vui lòng đăng kí qua SĐT 07102 222 555.

Wildcard SSL