LỒNG RUỘT Ở TRẺ EM: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

 

 

 

 

 

 

 

Lồng ruột là một bệnh lý hết sức nghiêm trọng ở trẻ nhỏ mà không phải ai cũng hiểu hết về bệnh lý này. Lồng ruột là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột. Lồng ruột có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, bệnh chiếm tỷ lệ 2-5% ở người lớn và 90% ở trẻ dưới 1 tuổi. Vậy đâu là nguyên nhân lồng ruột? Điều trị lồng ruột thế nào? Mời các gia đình cùng bác sĩ Phương Châu tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây nhé.

Thế nào là bệnh lồng ruột?

Lồng ruột là một bệnh lý đường ruột nguy hiểm và thường gặp trẻ nhỏ. Bệnh hình thành do có một đoạn ruột từ phía trên di chuyển tự do chui vào thành ruột phía dưới (hoặc ngược lại) khiến cho ruột đột nhiên bị tắc nghẽn lưu thông.

Sự di chuyển của ruột cũng kéo theo sự dịch chuyển của các mạch máu bị thắt nghẹt. Gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu. Nếu mạch máu bị tắc nghẽn quá lâu sẽ dẫn đến hoại tử ruột. Thông thường, trẻ sẽ được xác định lồng ruột thông qua phương pháp siêu âm bụng.

Biến chứng của lồng ruột

  • Tắc lòng ruột làm cho thức ăn và dịch không lưu thông được, trẻ nôn ói gây mất nước, mệt lã, bơ phờ, đừ, kém linh hoạt.
  • Tắc ruột kéo dài gây thiếu máu nuôi thành ruột làm chết đoạn ruột bị lồng, phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử.
  • Thiếu máu nuôi dẫn tới thủng đoạn ruột hoại tử gây viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng của trẻ, cần được điều trị cấp cứu

Nguyên nhân dẫn đến lồng ruột?  

  • Thời kỳ trẻ bắt đầu chuyển từ bú sữa sang ăn dặm dễ khiến ruột co bóp bất thườg
  • Kích thước các đoạn ruột ở trẻ em quá chênh lệch nên dễ xảy ra tình trạng lồng ruột
  • Khối u lành tính hay hiếm gặp hơn là: ung thư ruột non, polyp trong lòng ruột, bệnh túi thừa Meckel hay những đợt nhiễm bệnh gây rối loạn co bóp ruột
  • Viêm ruột

Những yếu tố nguy cơ mắc lồng ruột

Cứ 100.000 trẻ dưới 1 tuổi thì có 302 ca mắc bệnh lồng ruột tại Việt Nam mỗi năm. Lồng ruột là một trong những cấp cứu ngoại khoa có diễn biến nhanh. Đặc biệt nguy hiểm ở nhóm trẻ sơ sinh. Ngoài ra, bệnh lồng ruột còn có một số yếu tố nguy cơ như:

  • Độ tuổi: lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là khoảng từ 3 - 6 tháng tuổi
  • Giới tính: bé trai thường có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 3 lần so với bé gái. Đặc biệt là các bé trai bụ bẫm
  • Lồng ruột ở trẻ em xảy ra nhiều vào mùa thu và mùa đông
  • Bẩm sinh có cấu tạo ruột bất thường
  • Đã từng mắc bệnh lồng ruột trước đây
  • Mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch
  • Yếu tố gia đình: có anh chị em ruột đã từng mắc bệnh lồng ruột

Triệu chứng nhận biết trẻ bị lồng ruột

Giai đoạn đầu:

  • Trẻ thường xuyên khó chịu do co thắt dạ dày
  • Đột nhiên khóc thét, co gối lên ngực do đau bụng từng cơn và tình trạng này lặp lại nhiều lần
  • Bỏ bú
  • Nôn ói nhiều lần
  • Xanh xao, vã mồ hôi

Giai đoạn nghiêm trọng hơn:

  • Đi tiêu phân nhầy, máu
  • Thỉnh thoảng sờ thấy một khối u nhô lên ở vùng dạ dày
  • Mệt lả
  • Tiêu chảy
  • Sốt
  • Mất nước

Giai đoạn muộn, khi ruột bắt đầu bị hoại tử:

  • Nôn liên tục
  • Chướng bụng
  • Da lạnh, nhợt nhạt
  • Mạch nhanh, nông
  • Thở nhanh nông

Cách nhận biết bệnh lồng ruột ở trẻ

Do trẻ còn rất nhỏ chưa thể nói chuyện được nên thường gây khó khăn trong việc khai thác thông tin bệnh. Vì vậy bác sĩ sẽ tìm hiểu thông qua bệnh cảnh như:

  • Trẻ đang ăn uống bình thường bỗng đột ngột khóc thét, bỏ bú, da tím tái là các tín hiệu cho thấy các đoạn ruột bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó, trẻ có thể tạm thời nín khóc. Thậm chí bú lại nhưng khi cơn đau tái phát trẻ lại khóc thét từng cơn, ưỡn người, bỏ bú, nôn ói nhiều lần
  • Vài giờ sau: trẻ mệt lả, da xanh xao, nhợt nhạt
  • Sau khoảng 6-12 giờ: trẻ đi tiêu phân máu đỏ tươi có lẫn chất nhầy, da lạnh tái, môi khô, mạch nhanh, mắt trũng
  • Sau khoảng 24 giờ mà vẫn chưa được xử trí: trẻ sẽ bị nôn ói liên tục, chướng bụng, da lạnh, nhợt nhạt, mạch nhanh nông, thở nhanh nông, dấu hiệu ruột bắt đầu hoại tử

Cách xử trí khi trẻ bị lồng ruột 

Nếu trẻ đến bệnh viện kịp thời:

  • Tháo lồng bằng hơi: bác sĩ đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng. Bác sĩ sẽ bơm hơi dần vào ruột già với một áp lực vừa phải để kéo giãn đoạn ruột lồng cho đến khi khối lồng được tháo ra hoàn toàn. Đây được xem là phương pháp điều trị có tỷ lệ thành công khá cao và trẻ không cần phải trải qua đau đớn trong phẫu thuật
  • Đặt ống thông mũi - dạ dày: giúp giảm áp lực trong ruột non

Nếu trẻ đến muộn trên 6 giờ hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại:

  • Phẫu thuật sẽ được thực hiện để tháo khối ruột lồng
  • Điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh

Nếu trẻ đến muộn trên 24 giờ:

  • Trẻ cần được làm phẫu thuật để cắt đoạn ruột đã hoại tử. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức sau mổ rất khó khăn, phức tạp và trẻ dễ tử vong do suy kiệt, biến chứng viêm phổi nặng.

Ba mẹ cần làm gì khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh lồng ruột

  • Ghi nhớ các triệu chứng bệnh của con để cung cấp cho bác sĩ thông tin chính xác.
  • Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất
  • Tuyệt đối không nên tự ý cho con uống thuốc nếu không phải do bác sĩ kê toa
  • Lưu ý không nên cho trẻ ăn bất cứ thứ gì khi nghi ngờ trẻ bị lồng ruột

Trong rất ít các trường hợp, lồng ruột có thể tự tháo mà không cần điều trị. Tuy nhiên tình trạng này phải được bác sĩ xác định và theo dõi. Ba mẹ không nên tự ý chờ đợi cho khối lồng tự tháo.

 Lồng ruột có khả năng tái phát vài lần. Vì vậy, ba mẹ nên chú ý biểu hiện của con sau khi điều trị. Khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện tương tự lồng ruột, ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám kịp thời.

Mọi thắc mắc về các dịch vụ tại Phương Châu Cần Thơ, quý khách vui lòng liên hệ Hotline 1900 54 54 66 hoặc fanpage BVQT Phương Châu (Cần Thơ) để được tư vấn nhé!

(*) TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Lê Tấn Sơn, Nguyễn Thị Trúc Linh (2018), “Lồng ruột trẻ em “, Ngoại nhi lâm sàng, Nhà xuất bản Y học, 220-223

Wildcard SSL