LỢI ÍCH CỦA TIẾP XÚC DA KỀ DA SỚM NGAY SAU SINH

(Early skin-to-skin contact)

BS. CKII. Nguyễn Duy Linh – ĐD. Lê Thu Cúc

Tiếp xúc da kề da sớm ngay sau sanh là phương pháp cho bé nằm sắp trên ngực mẹ ngay sau sanh, với lưng bé được che phủ bằng một tấm chăn. Phương pháp trên đã được triển khai tại BV Quốc tế Phương Châu trong thời gian vừa qua và bước đầu đã đem tại nhiều lợi ích ích cho mẹ và thai nhi sau sanh. 

1. Thế nào là phương pháp tiếp xúc da kề da sớm ngay sau sanh ?

Tiếp xúc da kề da sớm ngay sau sanh là phương pháp đặt trẻ sơ sinh ngay  sau (sanh ngả âm đạo hay sanh mổ) lên trên ngực trần của mẹ. Ngực, bụng và  chân của bé áp sát vào người mẹ, không có khoảng trống, đầu bé nghiêng về một  bên, phía trên thân của bé được đắp một tấm chăn ấm. Ngực trần của mẹ là nơi  hoàn hảo cho trẻ sơ sinh phục hồi sau những căng thẳng của hành trình vượt cạn.  Đó là nơi thoải mái bình yên và ấm áp nhất để bé bắt đầu cuộc sống bên ngoài  bụng mẹ. Trừ khi cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức, nếu không các bé nên  được nghỉ ngơi trên ngực mẹ ít nhất một giờ sau khi bé chào đời.  

https://lh3.googleusercontent.com/-qGQ7oWuEyI0/VkvtjK4VegI/AAAAAAAAGqY/CGdXBrWTUXw/s400-Ic42/image001.png

Phương pháp da kề da cũng được biết như phương pháp kangaroo được bắt đầu thực hiện tại Colombia năm 1978, sau đó bắt đầu được thực hiện và nghiên cứu khắp nơi trên thế giới [1]. Da kề da được thực hiện ngay khi bé được trào đời và kết thúc ít nhất sau khi bé có thể bú mẹ lần đầu tiên [2].

2. Lợi ích của việc tiếp xúc da kề da sớm ngay sau sanh?

Theo các nghiên cứu đã được báo cáo gần đây thấy rằng, việc tiếp xúc da kề da  sớm sau sanh có tác động tích cực lên sự thành công của việc cho trẻ bú mẹ lần  đầu tiên, bú mẹ ngày thứ 3, lúc 1-4 tháng, cũng như tổng thời gian cho bú mẹ [3].  Những lợi ích khác của phương pháp tiếp xúc da kề da sớm, bao gồm: giúp cho  nhiệt độ trẻ ổn định hơn, trẻ ít khóc hơn, đường huyết cao hơn và tăng khả năng  gắn kết tình cảm giữa mẹ và con [3]. Mặc dù, phương pháp trên chủ yếu được áp  dụng trên những trẻ sơ sinh khỏe mạnh sau sanh. Tuy nhiên, có những bằng  chứng đã cho thấy phương pháp da kề da cũng rất có lợi cho những trẻ sơ sinh  non tháng [4]. Hệ thống hô hấp, tuần hoàn và nhiệt độ của trẻ nhẹ cân sẽ ổn định  hơn khi được tiếp xúc da kề da trong 6 giờ đầu sau sanh so với trẻ được nằm  trong lồng ấp [5]. Bên cạnh các lợi ích trên, phương pháp da kề da còn có những  ưu điểm khác, như:  

https://lh3.googleusercontent.com/-Sj7LjfOAzRo/Vkvti4yBEBI/AAAAAAAAGq0/DUp93bB5M8E/s400-Ic42/image002.jpg

  • Giảm tỉ lệ vàng da và stress sau sanh [6]
  • Giúp giữ ấm trẻ. Một nghiên cứu tại Italy cho thấy nhiệt độ của trẻ làm da kề da không khác biệt so với trẻ được ủ ấm trong nôi [7].
  • Thắt chặt mối liên hệ giữa mẹ và bé thông qua kích thích xúc giác như sờ, sưởi ấm và mùi [6].
  • Giúp mẹ bớt đau, bớt lo lắng và giúp tâm lý mẹ và bé ổn định hơn [6].
  • Hormone oxytocin được tăng tiết nhiều hơn khi thực hiện da kề da và khi trẻ massage vú mẹ, điều đó sẽ giúp cho việc co tử cung của mẹ được tốt hơn [8].

3. Lợi ích của việc tiếp xúc da kề da trong giai đoạn hậu sản (Postpartum Period)?

a. Lợi ích cho mẹ: [9]

  • Giúp trẻ ít khóc hơn 10 lần và khóc ngắn hơn so với những bé nằm trong nôi (ICEA 2015).
  • Thắt chặt tình cảm mẹ con.
  • Mẹ mau lên sữa.
  • Giảm thời gian mẹ cần phải chăm sóc bởi nhân viên y tế.
  • Ngủ ngon giấc cùng lúc với trẻ.

b. Lợi ích cho thai:

  • Giảm tỉ lệ khó thở.
  • Giảm tỉ lệ trẻ bị sụt cân ban đầu.
  • Trẻ ngủ sâu và ngon giấc hơn.

 

Bảng 1: 9 phản xạ bản năng của trẻ sơ sinh [6].

Phản xạ bản năng

Thể hiện

Cất tiếng khóc chào đời

Trẻ khóc ngay lập tức sau sanh

Thư giãn

Trẻ nghỉ ngơi, không hoạt động

Thức dậy

Bắt đầu cử động nhẹ đầu và vai

Hoạt động

Bắt đầu cử động, đẩy các chi

Bò, trườn

Bắt đầu trườn trên ngực mẹ để tìm vú

Nghỉ ngơi

Trẻ nghỉ ngơi, có thể cử động vùng miệng và nút các ngón tay (đôi khi)

Làm quen

Liếm núm vú và quầng vú

Đòi bú

Bú vú mẹ

Ngủ

Nghỉ ngơi, nhắm mắt
















 

 

 

 

 

Theo: Crenshaw et al. (2012) and Widstrom et al. (2011)

4.Tại bệnh viện Phương Châu, phương pháp da kề da có được áp dụng cho cả sanh ngả âm đạo và mổ lấy thai hay không?

Tại bệnh viện Phương Châu, phương pháp da kề da không chỉ được áp dụng cho sanh thường mà sanh mổ cũng đã được thực hiện. Bé ngay sau khi được mổ bắt ra từ bụng mẹ sẽ được để trên bụng để thực hiện da kề da. Sau khi kết thúc cuộc mổ, mẹ được chuyển xuống phòng hồi sức, bé sẽ tiếp tục được thực hiện da kề da và cho bú mẹ sớm sau sanh.

Để có thực hiện được phương pháp trên một cách tốt nhất cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các  khoa phòng trong Bệnh viện, như: khoa sản, khoa Gây mê hồi sức và khoa Nhi sơ sinh…Tất cả các nhân  viên đều được các Bác sĩ giàu kinh nghiệm huấn luyện thật chu đáo và bài bản trước khi phương pháp  được triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó sản phụ và gia đình cũng sẽ được các Bác sĩ tư vấn và hướng dẫn kỹ để có thể phối hợp  với thầy thuốc thật nhịp nhàng trong quá trình áp dụng phương pháp nhằm đem lại hiệu quả nhất cho mẹ  và thai nhi. Phương pháp da kề da không những được thực hiện ngay sau sanh mà cũng nên tiếp tục  được thực hiện sau khi mẹ và trẻ được trở về bệnh phòng nhằm mục đích kích thích tăng tiết sữa mẹ  sớm nhất để bé có được nguồn sữa giàu dinh dưỡng và sức đề kháng.

 

https://lh3.googleusercontent.com/-V9KQvjIrXoQ/VkvtjDkVx1I/AAAAAAAAGqU/0NYm3eOJnok/s288-Ic42/image003.png

5.Trường hợp nào khi sanh ra không được áp dụng phương pháp da kề da?

Ngoại trừ những trường hợp mẹ cần phải được chăm sóc đặc biệt hay truyền máu hoặc bị các bệnh ngoài  da dễ lây nhiễm như thủy đậu…sẽ không áp dụng phương pháp này. Còn lại các trường hợp khác đều  được cho áp dụng da kề da sớm tại Bệnh viện chúng tôi. Trong những trường hợp mẹ đặc biệt như vậy,  những người thân khác trong gia đình, như: cha, ông bà, người thân…có thể thay thế mẹ thực hiện phương  pháp này.  

https://lh3.googleusercontent.com/-IrFNfyLhY5g/VkvtjX2bp4I/AAAAAAAAGqg/21xuPZxzSkQ/s800-Ic42/image004.jpg

  • Tài liệu tham khảo:

[1] N. Charpak, J. G. Ruiz, J. Zupan, A. Cattaneo, Z. Figueroa, R. Tessier, M. Cristo, G. Anderson, S. Ludington, S. Mendoza, M. Mokhachane, and B. Worku, “Kangaroo Mother Care: 25 years after.,” Acta Paediatr., vol. 94, no. 5, pp. 514–22, 2005.

[2] D. a Forster and H. L. McLachlan, “Breastfeeding initiation and birth setting practices: a review of the literature.,” Journal of midwifery & women’s health, vol. 52, no. 3. pp. 273–80, 2007.

[3] E. R. Moore, G. C. Anderson, N. Bergman, and T. Dowswell, “Early skin-to-skin contact for mothers and their healthy newborn infants.,” Cochrane database Syst. Rev., vol. 5, no. 4, p. CD003519, 2012.

[4] J. Baley, “Skin-to-Skin Care for Term and Preterm Infants in the Neonatal ICU,” Pediatrics, vol. 136, no. 3, pp. 596–599, 2015.

[5] F. S. Bergman NJ, Linley LL, “Randomized controlled trial of skin-to-skin contact from birth versus conventional incubator for physiological stabilization in 1200 g to 2199 g newborns.,” Acta Paediatr., vol. 95, no. 1, pp. 15–16, 2006.

[6] J. Stevens, V. Schmied, E. Burns, and H. Dahlen, “Immediate or early skin-to-skin contact after a caesarean section: A review of the literature,” Matern. Child Nutr., pp. 456–473, 2014.

[7] S. Gouchon, D. Gregori, A. Picotto, G. Patrucco, M. Nangeroni, and P. Di Giulio, “Skin-to-skin contact after cesarean delivery: an experimental study.,” Nurs. Res., vol. 59, no. 2, pp. 78–84, 2010.

[8] S. Lang, “Development and Evaluation of a Skin-To-Skin in the Operating Room Protocol Development and Evaluation of a Skin-To-Skin in the Operating Room,” Nurs. Masters, 2015.

[9] International Childbirth Education Association, “Skin-to-Skin Contact.” pp. 1–4, 2015.

 

Wildcard SSL