BS. CKII. Nguyễn Duy Linh

Giám Đốc Chuyên Môn BVQT Phương Châu

 

1. Tại sao nên tầm soát ung thư cổ tử cung (CTC) ?

Năm 2012, trên thế giới có khoảng 528,000 trường hợp ung thư CTC mới được phát hiện và 266,000 trường hợp tử vong do ung thư CTC. Hơn 85% những trường hợp tử vong do ung thư CTC là ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), chiếm 13% các loại ung thư xảy ra ở nữ giới [1]. Chính vì, vậy việc tầm soát để phát hiện sớm các tổn thương trên CTC nhằm tránh bị ung thư CTC là vô cùng quan trọng. 

2. Tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm mục đích gì ?

Tầm soát ung thư CTC với mục đích phát hiện sớm những tế bào bất thường của CTC để theo dõi và điều trị kịp thời nhằm tránh để cho các tổn thương trên xâm lấm và diễn tiến thành ung thư CTC.

93% ung thư CTC có thể phòng ngừa bằng cách tiêm ngừa và tầm soát ung thư CTC định kỳ [2].

3. Yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung?

Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của ung thư CTC là nhiễm virus HPV. Có trên 100 types virus HPV. Tuy nhiên hầu hết các types HPV đều không gây ung thư CTC. Có ít nhất 80% phụ nữ đã từng bị phơi nhiễm với HPV trong suốt cuộc đời và đa phần hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ ức chế được virus trước khi chúng có thể gây hại [3].

Có khoảng 30-40 types HPV gây bệnh trên niêm mạc hệ sinh dục, trong đó 8 types HPV (16, 18, 45, 31, 33, 52, 58 và 35) gây ra 95% ung thư CTC. Đặc biệt, types 16 và 18 là nguyên nhân gây ra 70% ung thư CTC. Bên cạnh đó, cũng có những types HPV nguy cơ thấp gây ung thư CTC như type 6 và 11, là tác nhân gây ra 90% mụn cóc sinh dục lành tính [4].

Việc có nhiều bạn tình sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm HPV. Bên cạnh đó những yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và ung thư CTC: quan hệ tình dục sớm (≤ 18 tuổi), sanh con đủ tháng sớm (< 18 tuổi), sanh nhiều (≥ 4 lần), sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp trên 5 năm, tiền sử bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Chlamydia, HIV, Herpes…) [5].

 

https://lh3.googleusercontent.com/-eO6h6S0ZDG4/VonxgxsbtGI/AAAAAAAAIEA/FkV-1Pnslq8/s800-Ic42/image006.jpg

 

4. Virus HPV lây truyền như thế nào?

Virus HPV lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc da với da, như: quan hệ tình dục, quan hệ bằng miệng, hậu môn…HPV không lây truyền khi sờ nắm đồ vật chung hay dùng chung toilet…Hầu hết mọi người nhiễm HPV sẽ không biết vì không có triệu chứng và đa số HPV sẽ tự thoái lui sau 2 năm. Khi virus tiếp tục tồn tại (khoảng 10-20%) có thể sẽ tác động lên tế bào CTC gây ra những tổn thương tiền ung thư và ung thư CTC. Tuy nhiên, sẽ phải mất rất nhiều năm thì các tổn thương này mới biến đổi trở thành ung thư CTC [3].

 

5. Cần làm những xét nghiệm nào để tầm soát ung thư cổ tử cung?

Việc tầm soát ung thư CTC có thể được thực hiện bằng những phương pháp sau:

+ Phết tế bào CTC (PAP test): gồm PAP qui ước (conventional Pap Smear: trải mỏng tế bào CTC lên một lam kính) hay PAP nhúng dịch (liquid-based, gồm: SurePath, ThinPrep, hay UPREP).

+ HPV DNA: tầm soát nhiễm virus HPV trong dịch âm đạo và CTC

6. Những ai nên làm xét nghiệm Pap’smear? [3]

a. Phụ nữ trẻ:

Tại Mỹ, tầm soát PAP test bắt đầu được khuyến cáo từ lúc 21 tuổi, còn một số quốc gia khác thì khuyến cáo bắt đầu từ 25 tuổi, khi đã có quan hệ. Ung thư CTC hiếm khi xãy ra ở lứa tuổi trẻ hơn.

Không khuyến cáo tầm soát PAP test cho lứa tuổi trẻ hơn dù đã có quan hệ tình dục vì tỉ lệ dương tính giả rất cao (đa số HPV sẽ tự thoái lui) và cũng để hạn chế việc chỉ định can thiệp quá mức làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của người phụ nữ.

Tần suất tầm soát được thực hiện mỗi 3 năm trong giai đoạn từ 21-30 tuổi. Tần suất có thể nhiều hơn nếu bệnh nhân có kết quả tầm soát bất thường hay có nhiễm HIV hoặc các bệnh lý về miễn dịch khác [3].

b. Phụ nữ lớn tuổi:

Hầu hết các chuyên gia khuyến cáo ngưng tầm soát PAP test cho phụ nữ > 65 tuổi nếu có làm PAP test định kỳ trong quá khứ, với:

+ 3 lần PAP test âm tính hoặc

+ 2 lần co-testing (Pap test + HPV test) âm tính trong 10 năm, với lần gần nhất trong vòng 5 năm qua.

c. Sau cắt tử cung:

Phụ nữ đã cắt tử cung toàn phần (gồm tử cung và CTC) thì không cần thiết làm PAP test. Những phụ nữ sau vẫn phải tầm soát ung thư CTC định kỳ, nếu:

+ Chỉ phẫu thuật cắt tử cung bán phần (vẫn còn chừa lại CTC).

+ Cắt tử cung toàn phần vì lý do ung thư CTC hay tiền ung thư CTC.

7. HPV Test có vai trò như thế nào trong tầm soát ung thư CTC?

Do PAP test qui ước được thực hiện bằng cách thu thập những tế bào CTC bất thường bị bong ra khi thực hiện khám phụ khoa. Việc thu thập tế bào như vậy phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan như: cách lấy bệnh phẩm, cách cố định, bảo quản, nhuộm và phụ thuộc người đọc lam… nên khả năng phát hiện được tổn thương bất thường không cao, chỉ khoảng 50-75% (dể bỏ sót tổn thương).

HPV Test có khả năng phát hiện được tổn thương lên đến 90% vì vậy hạn chế được nhược điểm của PAP qui ước. Vai trò của HPV test ngày càng được khẳng định trong việc phát hiện những type HPV nguy cơ cao gây ung thư CTC.

Hiện nay, việc tầm soát ung thư CTC bằng PAP Test và HPV DNA (gọi là co-testing) cho phụ nữ trên 30 tuổi đã và đang được khuyến cáo theo tổ chức lớn trên thế giới, như: Hiệp hội USPSTF (Nhóm chuyên trách về dịch vụ phòng ngừa của Hoa Kỳ)ACOG (Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ)ASC (Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ)ASCCP (Hiệp hội soi CTC và bệnh học CTC Hoa Kỳ)ASCP (Hội bệnh lý học lâm sàng Hoa Kỳ). Việc sử dụng co-testing làm tăng khả phát hiện các tổn thương tiền ung thư. Bên cạnh đó co-testing cũng giúp làm dãn khoảng cách giữa các lần tầm soát ung thư CTC (thay vì phải đi làm tầm soát mỗi năm như trước đây) [6][7].

 

BV Quốc tế Phương Châu đã áp dụng phương pháp tầm soát ung thư CTC bằng co-testing theo hướng dẫn của các tổ chức lớn trên thế giới từ năm 2015.Việc áp dụng qui trình này làm tăng khả năng phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư CTC và giảm thiểu tối đa nguy cơ bị ung thư CTC cho bệnh nhân.

8. Những ai nên làm xét nghiệm tầm soát HPV DNA?

Những phụ nữ trên 30 tuổi nên được tư vấn tầm soát nhiễm HPV kết hợp với làm PAP test (co-testing). Những phụ nữ dưới 30 tuổi chưa cần thiết làm xét nghiệm HPV vì độ tuổi này khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ cao nên 90% HPV sẽ tự thoái lui âm tính sau 2 năm.

HPV DNA cũng nên được chỉ định khi kết quả PAP test không rõ ràng [3].

 

Tài liệu tham khảo:

[1] World Health Organization (2014), Evidence based recommendations on Human Papilloma Virus (HPV) Vaccines Schedules. Background paper for SAGE discussions.

[2] Center for Disease Control and Prevention (2014), “Cervical cancer is preventable”, November.

[3] S. Feldman (2012), “Patient information: Cervical cancer screening”, Uptodate.

[4] Sarah Feldman (2012), “Screening for cervical cancer”, Uptodate 21.6, vol. 86, no. 6, pp. 563–564.

[5] S. L. McGraw (2014), “Update on prevention and screening of cervical cancer”, World J. Clin. Oncol, vol. 5, no. 4, p. 744.

[6] ACOG (2013), “ACOG Releases Guideline on Cervical Cancer Screening,” Am. Fam. Physician, vol. 88, no. 11, pp. 776–777.

[7] USPSTF (2012), “Current Recommendation for Cervical Cancer Screening,” http://www.uspreventiveservicestaskforce.org/uspstf/uspscerv.htm.

[8] Evidence for Co-testing (2015), Http://questdiagnostics.com/home/physicians/testing-services/condition/womens-health/cervical-cancer/evidence-co-testing.html.

 

Wildcard SSL