LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT CON BẠN CÓ CẦN CHĂM SÓC CẤP CỨU HAY KHÔNG?

Khi bạn có em bé, thỉnh thoảng bị nhiễm trùng và sốt là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ngay cả những bậc cha mẹ có kinh nghiệm với bị bệnh cũng có thể khó phân biệt được chứng quấy khóc bình thường, bệnh nhẹ với các vấn đề nghiêm trọng.

 Khi mà “cơn sóng” Covid-19 vẫn chưa lắng xuống, việc đến các cơ sở y tế có phần khó khăn thì sự lo lắng của phụ huynh cũng tăng lên bội phần.

BS CKI Nguyễn Thị Thúy Hồng, Trưởng khoa Nhi – Sơ sinh, BVQT Phương Châu đưa ra những dấu hiệu giúp ba mẹ phân biệt được khi nào bé cần cấp cứu và khi nào bé cần được ưu tiên, thăm khám trước như sau:

Hình 1. Minh họa làm thế nào để biết con bạn có cần chăm sóc cấp cứu hay không?

* NHÓM BỆNH NHI CẦN CẤP CỨU

Đầu tiên, những bệnh nhi cần cấp cứu có 4 dấu hiệu cần lưu ý gồm: Hô hấp, tuần hoàn, thần kinh, đánh giá mất nước nếu bé có tiêu chảy

1. Đánh giá nhanh hô hấp

- Màu sắc da thay đổi: xanh, tái

- Trẻ khó thở: Thở nhanh hơn so với mức bình thường kèm theo các biểu hiện rút lõm lồng ngực, hõm ức, cánh mũi phập phồng…

- Có thể nghe thấy các tiếng thở rít rõ hay tiếng trẻ thở khò khè, thở rên ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng

- Trẻ có dấu hiệu tím môi, đầu ngón chân, ngón tay

- Nặng hơn trẻ có biểu hiện rối loạn nhịp thở như có cơn ngừng thở hoặc ngừng thở (quan sát lồng ngực, bụng không phập phồng theo nhịp thở)

Hình 2. Trẻ khó thở: rút lõm lồng ngực (Sưu tầm)

2. Đánh giá nhanh tuần hoàn

- Trông trẻ xanh sao mệt mỏi, da tái nhợt do thiếu máu, hoặc mất máu nặng do chấn thương (chảy máu ra ngoài cơ thể hoặc chảy máu bên trong cơ thể)

- Trẻ chảy máu kéo dài, không cầm được.

- Trẻ mất nước nặng (do nôn nhiều, ỉa chảy cấp…) biểu hiện bằng các triệu chứng uống nước háo hức, kích thích vật vã hoặc li bì, hôn mê.

- Nặng hơn, trẻ tím tái, ngừng tim (áp tai vào vùng ngực không nghe thấy tiếng tim đập)

- Xuất hiện vết thương, chảy máu một cách đột ngột sau khi chích thuốc hay côn trùng cắn, kết luận có thể nghi ngờ bé bị sốc phản vệ.

3. Đánh giá hôn mê, co giật hoặc các tình trạng bất thường về thần kinh

- Trẻ co giật

- Trẻ ngủ li bì

- Trẻ hôn mê

Quan sát xem trẻ có đang thức tỉnh táo không? Nếu không, hãy cố gắng đánh thức trẻ bằng cách gọi, hỏi và lay dậy. Trẻ bị hôn mê nếu trẻ không đáp ứng hoặc đáp ứng yếu.

- Trẻ vật vã, tinh thần hoảng loạn

Trẻ rất đau, luôn vật vã, kích thích, quấy khóc hoặc lăn lộn trở mình mà ba mẹ không thể dỗ trẻ nín hoặc nằm yên được.

4. Đánh giá mất nước nếu trẻ có tiêu chảy

- Mắt trẻ trũng hơn so với ngày thường

- Véo da bụng quan sát nếp véo mất rất chậm

Véo phần da dưới da bụng ở vùng giữa từ rốn sang 2 bên thành bụng dọc theo chiều dài cơ thể giữ khoảng 1 giây sau đó thả ra và quan sát thấy nếp véo da vẫn còn sau 2 giây.

* NHÓM BỆNH NHI NẶNG CẦN ĐƯỢC ƯU TIÊN THĂM KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ TRƯỚC

Những bệnh nhi nặng cần được ưu tiên khám trước nếu có 1 trong các biểu hiện sau :

- Sốt cao (> 39 độ C)

- Li bì, bứt rứt, không yên

- Suy hô hấp: (ngưỡng thở nhanh: trẻ < 2 tháng: ≥ 60 lần/phút; trẻ 2 tháng dưới 12 tháng: ≥ 50 lần/phút; trẻ 12 tháng – 5 tuổi: ≥ 40 lần/phút)

- Gầy mòn nặng hoặc phù 2 bàn chân

- Lòng bàn tay rất nhợt nhạt

- Phỏng

- Tai nạn, ngộ độc

- Trẻ dưới 2 tháng tuổi

Thông tin liên hệ: Tổng đài 1900 54 54 66

Hoặc gửi thông tin trao đổi bằng cách inbox (gửi tin nhắn cho Fanpage Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu)

Wildcard SSL