LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT (Phần cuối)

BS. Cao Hoàng Minh - Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu

Mỗi ngày đèn đỏ đến, mệt mỏi kèm những cơn đau bụng đã quá quen thuộc với các chị em. Tuy nhiên, nếu đau bụng kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường thì không thể xem nhẹ. Điều chúng ta lo lắng là lạc nội mạc tử cung (LNMTC).

Ở các phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, các đối tượng dễ mắc LNMTC. Vậy LNMTC được chẩn đoán và điều trị như thế nào? Có thể phòng ngừa bệnh LNMTC không? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Xem thêm:

Lạc nội mạc tử cung: những điều cần biết (phần 1)

Lạc nội mạc tử cung: những điều cần biết (phần 2)

 

1. Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung như thế nào?

Lạc nội mạc tử cung khó chẩn đoán và thường được chẩn đoán rất muộn. Bác sĩ có thể nghi ngờ LNMTC dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần thực hiện các chỉ định:

- Khám vùng chậu: bác sĩ sẽ dùng tay để kiểm tra các bất thường ở vùng chậu. Các bất thường bao gồm khối u vùng chậu, bộ phận sinh dục hoặc các vết sẹo nếu có.

- Siêu âm: siêu âm ổ bụng và siêu âm đầu dò ngã âm đạo. Cả 2 phương pháp đều cung cấp hình ảnh của hệ sinh dục và có thể phát hiện u LNMTC.

 

- Chụp MRI: thường được chỉ định khi siêu âm cho kết quả không rõ ràng

- Nội soi kết hợp với sinh thiết: tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán vị trí, tính chất LNMTC. Ngoài ra, còn có thể can thiệp điều trị kết hợp với chẩn đoán.

 

2. Điều trị lạc nội mạc tử cung có khó không?

Lạc nội mạc tử cung hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Các triệu chứng bệnh sẽ cải thiện đáng kể sau khi mãn kinh.

Bác sĩ sẽ là người quyết định lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Điều này tùy vào mức độ nặng, nhẹ của triệu chứng và mong muốn có thai. Mục tiêu quan trọng nhất là giảm đau và bảo tồn khả năng sinh sản.

Ngày nay, điều trị nội khoa được ưu tiên hàng đầu. Phẫu thuật chỉ thực hiện khi có chỉ định hoặc mang lại lợi ích cho người bệnh.

2.1. Điều trị nội khoa:

- Thuốc giảm đau - kháng viêm Non-steroid (NSAID)

- Viên tránh thai phối hợp

- Thuốc nội tiết chỉ chứa progestin

- Kết hợp nhiều liệu pháp giảm đau: thay đổi lối sống, tâm lý

2.2. Phẫu thuật bảo tồn:

Phương pháp này thích hợp khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc giảm đau và điều trị nội tiết. Mục tiêu là loại bỏ hoặc phá hủy sự phát triển của NMTC. Phương pháp này không làm tổn thương cơ quan sinh sản.

2.3. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung:

Khi mọi phương pháp điều trị không mang lại cải thiện, bác sĩ sẽ đề nghị cắt toàn bộ tử cung. Tuy nhiên, trường hợp này hiếm gặp.

3. Cách phòng ngừa bệnh lạc nội mạc tử cung?

Hiện tại chưa có cách nào để ngăn ngừa bệnh LNMTC. Giảm nồng độ estrogen trong cơ thể là cách giảm nguy cơ phát triển của bệnh.

- Nhờ bác sĩ tư vấn về các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố. Chẳng hạn như thuốc viên, miếng dán hoặc vòng tránh thai nội tiết.

- Kết hợp tập thể dục và giảm lượng chất béo sẽ giúp giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.

- Tránh uống nhiều rượu. Các nghiên cứu đã chứng minh rượu làm tăng nồng độ estrogen.

- Hạn chế thức uống chứa caffeine do có thể làm tăng estrogen. Hạn chế dung nạp nhiều hơn một loại đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày. Đặc biệt là soda và trà xanh.

---------------------------

Lạc nội mạc tử cung không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nó gây rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thậm chí có thể gây vô sinh.

Ranh giới giữa sức khỏe và bệnh lý rất mong manh. Một sự quan tâm đúng lúc là chìa khóa vàng để chị em có một cơ thể khỏe mạnh.

Lời khuyên của bác sĩ là chị em nên đi khám sức khỏe phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm. Hoặc khi thấy các triệu chứng bất thường như: rối loạn kinh nguyệt, đau bụng khi hành kinh, đau khi đi đại tiểu tiện.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ những thông tin cần thiết.

Wildcard SSL