Hướng dẫn chuẩn bị phẫu thuật chương trình tại BVQT Phương Châu

Việc chuẩn bị trước khi phẫu thuật có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì bệnh nhân cần có sự chuẩn bị tốt nhất cả về thể chất và tinh thần để bước vào cuộc phẫu thuật. Đồng thời, bệnh nhân cần nắm rõ phương pháp điều trị, quy trình phẫu thuật, các yêu cầu cần phải tuân thủ để có được kết quả điều trị tốt nhất, phối hợp phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phẫu thuật và gây mê. Dưới đây là một số lưu ý chuẩn bị tốt hơn cho cuộc phẫu thuật an toàn của bạn.

 

 

- Chế độ ăn nên giàu chất đạm, giàu dinh dưỡng và vitamin. Đặc biệt, bệnh nhân suy dinh dưỡng cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để nâng cao thể trạng.

- Bạn nên chọn các loại thức ăn phù hợp, dễ tiêu hóa và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

- Bệnh nhân đái tháo đường cần chọn chế độ ăn điều trị nhằm giảm glucose máu và tránh tình trạng toan máu. Một số trường hợp có bệnh lý đặc biệt như nhiễm khuẩn, bệnh tim, gan, thận …cần có tư vấn của chuyên khoa dinh dưỡng.

 

 

- Người nghiện thuốc lá thường gặp các vấ n đề về hô hấp trong hoặc sau khi phẫu thuật, tăng nguy cơ viêm phổi, xẹp phổi sau mổ do tăng tiết đờm dãi, dịch nhầy trong khí phế quản. 

- Hút thuốc lá làm giảm lưu thông máu, làm chậm quá trình lành vết mổ, dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, bạn nên ngừng hút thuốc lá trước phẫu thuật càng lâu càng tốt. Thời gian nhưng thuốc lá tốt nhất là 3 tuần trước phậu thuật để hồi phục hệ thống miễn dịch, nồng độ ô-xy trong hồng cầu.

 

 

- Uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng nguy cơ chảy máu, giảm đáp ứng miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

- Rượu là một loại men xúc tác tại gan. Nhiều chất xúc tác ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc gây tê, gây mê.

- Người nghiện rượu rất dễ có biến chứng liên quan tim mạch và  thần kinh. Nghiêm trọng hơn, sảng rượu sau phẫu thuật có thể gây tăng nguy cơ hạ đường huyết, dễ đưa đến tử vong. Do vậy, bệnh nhân cần phải thông báo cho bác sĩ biết và thực hiện kiểm soát ngưng uống rượu bia trước mổ ít nhất 01 tuần

 

 

- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết các bệnh lý đã và đang mắc bệnh, các loại thuốc đang dùng.

+ Thuốc điều trị huyết áp: phải được bác sĩ tư vấn điều chỉnh phù hợp trước phẫu thuật như ngưng thuốc hoặc duy trì thuốc trước – trong và sau phẫu thuật.

+ Thuốc có tính chất chống đông máu (kháng đông): Cần phải được tư vấn ngưng trước phẫu thuật từ 7- 10 ngày nhằm kiểm soát an toàn chảy máu trong và sau phẫu thuật. Ngoại trừ một số trường hợp cân nhắc nguy cơ và lợi ích của việc dùng thuốc này.

+ Thuốc điều trị làm hạ đường huyết ở bệnh nhân đang bị bệnh đái tháo đường. Cần được kiểm soát hoặc điều chỉnh phù hợp trước mổ.

+ Thuốc gây nghiện, chống loạn thần: người bệnh đang điều trị cai nghiện hoặc bệnh lý tâm thần kinh. Cần được tư vấn, kiểm soát đặc biệt trước- trong và sau phẫu thuật.

 

 

- Bạn nên tập các động tác lý liệu pháp hô hấp như: Tập hít sâu, thở chậm, ho khạc đờm nhằm giúp tống xuất đờm, dịch tiết sau mổ tốt. Tăng thông khí trao đổi Oxy, giúp tránh viêm phổi, xẹp phổi và sớm lành vết mổ.

- Các động tác co, gấp, duỗi các chi, ngồi dậy sớm và vận động (nếu không có yêu cầu đặc biệt phải bất động tại giường) giúp bệnh nhân mau phục hồi, các chức năng vận động được cải thiện tốt hơn. 

- Vận động sớm giúp khôi phục chức năng lưu thông đường tiêu hóa sớm hơn, giảm thiếu nguy cơ viêm tắc mạch do huyết khối, giúp bệnh nhân có thể ăn sớm và phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

- Bạn nên đi cùng với người thân/người giám hộ để được hỗ trợ khi cần (đảm bảo an toàn cũng như lý do pháp lý).

- Bạn không nên mang trang sức quý giá, đắt tiền đến bệnh viện (chỉ mang những gì cần thiết cho việc thanh toán và các chi phí phát sinh khác). 

- Với bất kỳ thay đổi nào về tình trạng chung của cơ thể, bệnh nhân/người nhà cần phải báo ngay với bác sĩ hoặc điều dưỡng thăm khám khi vào viện.

- Các xét nghiệm như: xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm bụng, nội soi, điện tim, chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính, siêu âm tim (nếu cần) sẽ được bổ sung và hoàn thành trước khi thực hiện ca phẫu thuật.

- Một số loại thuốc đặc biệt bệnh nhân đang sử dụng như thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị đái tháo đường, huyết áp, tim mạch… người bệnh phải báo với bác sĩ điều trị để có hướng dẫn cụ thể. Một số thuốc có thể vẫn tiếp tục sử dụng, một số phải ngừng. Các bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dừng thuốc để đảm bảo an toàn cho phẫu thuật.  Đơn thuốc có thể được chỉ định sau khi bác sĩ thăm khám (nếu cần).

- Nếu bệnh nhân bị sốt/cảm lạnh, đến kỳ kinh nguyệt hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác trước phẫu thuật 1 ngày cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.

 

 

- Bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê khám đánh giá toàn diện chức năng các cơ quan cũng như khả năng chịu đựng cuộc phẫu thuật, đồng thời điều trị các bệnh lý phối hợp ( tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hô hấp, dinh dưỡng…),  bổ sung xét nghiệm, dự trù máu, quyết định phương pháp gây mê, giảm đau sau phẫu thuật. 

- Bệnh nhân cần cung cấp các thông tin chính xác nhất là tiền sử dị ứng, sốc phản vệ, hen suyễn hoặc tiền sử gây mê, phẫu thuật cũng như bệnh lý nền, các thuốc đang sử dụng. 

- Bác sĩ cũng sẽ giải thích về phương pháp gây mê, giảm đau sẽ áp dụng cho bệnh nhân, các điểm chú ý cần phối hợp của bệnh nhân cũng như nguy cơ có thể xảy ra.

- Trong một số trường hợp phẫu thuật, đặc biệt đối với các bộ phận cơ thể đối xứng (phải, trái) hoặc nhiều tầng (cột sống, đốt bàn ngón,…), bác sĩ sẽ phải đánh dấu vị trí bộ phận cơ thể sẽ được phẫu thuật. Điều này nhằm giúp bệnh nhân và bác sĩ xác nhận chính xác bộ phận cơ thể sẽ được phẫu thuật. 

 

 

- Sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng bệnh lý hiện có, phương pháp phẫu thuật, dự kiến thời gian và các rủi ro có liên quan đến bệnh hiện có và bệnh lý nền, bệnh nhân phải ký cam kết chấp thuận cho bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật theo kế hoạch.

- Tùy vào tính chất mỗi loại phẫu thuật, bệnh nhân có thể được yêu cầu ký cam kết bổ sung và thủ tục cần thiết bao gồm cả nghĩa vụ tài chính. Người dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký vào những cam kết chấp thuận nói trên.

 

 

- Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay, móng chân trước khi phẫu thuật. Chải và cột gọn tóc, tháo kính áp tròng, tháo răng giả tháo lắp (nếu có). Tháo tất cả đồ trang sức trên người (nếu được).

- Mặc quần áo do bệnh viện cung cấp. Mang giày dép theo quy định của bệnh viện.

- Đi tiểu trước khi vào phòng mổ

- Bệnh nhân < 18 tuổi cần có bố mẹ hoặc người giám hộ đi kèm

- Trước khi phẫu thuật, nếu có các triệu chứng bất thường như: cảm lạnh, đau họng, ho, đau bụng, tiêu chảy, chảy máu bất thường kể cả đang hành kinh hoặc sốt, Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê hoặc điều dưỡng tại khoa để kịp thời thăm khám tình trạng người bệnh. Bác sĩ có thể quyết định hoãn thực hiện phẫu thuật cho đến khi tình trạng người bệnh ổn định.

- Giữ gìn vệ sinh cơ thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Nhân viên sẽ hướng dẫn bệnh nhân sử dụng loại xà phòng khử trùng đặc biệt và yêu cầu bệnh nhân tắm trước khi phẫu thuật.

- Việc vệ sinh liên quan vùng phẫu thuật: Làm sạch lông sẽ được bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn và thực hiện theo quy trình.

 

 

- Nhịn ăn uống giúp phòng ngừa việc hít các vật thể lạ, chất nôn vào đường thở gây sặc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật là rất quan trọng. Nếu bệnh nhân mới ăn uống và phải phẫu thuật cấp cứu thì bác sĩ gây mê sẽ đánh giá nguy cơ hít các vật thể lạ khi gây mê.

- Dạ dày cần từ 6 – 8 giờ sau ăn để ở trạng thái trống, an toàn cho việc gây mê, tránh nguy cơ thức ăn và dịch từ dạ dày có thể vào phổi nếu dạ dày vẫn còn thức ăn hoặc nhiều dịch nên bệnh nhân cần kết thúc bữa ăn cuối trước khi lên phòng mổ khoảng 8 tiếng.

- Sữa, súp loãng cần kết thúc trước 06 giờ. Người bệnh có thể được uống nước giàu Carbonhydrat nhiều lần trong đêm (nhỏ hơn 200 ml) kết thúc 2 giờ trước khi được gây mê và phẫu thuật. Trẻ em cho bú sữa mẹ trước 04 giờ.

- Một số trường hợp, bệnh nhân phải nhịn hoàn toàn cả ăn uống, bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể.

- Những loại thuốc có thể gây ra biến chứng chảy máu nhiều trong quá trình phẫu thuật có thể được yêu cầu ngưng và hoặc thay đổi loại khác trước khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Thuốc điều trị tăng huyết áp loại ức chế men chuyển phải được dừng trước phẫu thuật 24 giờ, có thể chuyển sang một loại thuốc hạ áp khác theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn ngưng uống thuốc điều trị đái tháo đường vào buổi sáng ngày phẫu thuật. Nếu bệnh nhân dùng Insulin, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều hoặc chỉnh liều theo lượng đường trong máu của bạn.

Nếu bệnh nhân có bệnh lý ngưng thở khi ngủ (ngủ ngáy), cần thông báo tình trạng này để bác sĩ và điều dưỡng chủ động kế hoạch theo dõi hô hấp trong và sau khi phẫu thuật. 

 

 

- Bác sĩ phẫu thuật, điều dưỡng sẽ thông báo cho bệnh nhân thời gian dự tính của ca phẫu thuật. Để chuẩn bị tốt cho ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng mổ từ 30 - 45 phút trước khi bắt đầu.

- Trong một số trường hợp, kế hoạch dự kiến có thể bị thay đổi, việc trì hoãn sẽ được nhân viên thông tin cho bệnh nhân và người nhà. 

 

 

- Bệnh nhân sẽ được nhân viên đưa đến khu vực phòng phẫu thuật. Điều dưỡng sẽ kiểm tra lại các thông tin liên quan đến bệnh nhân, đối chiếu với thông tin trên hồ sơ bệnh án. 

- Thành viên gia đình được phép đi cùng bệnh nhân đến cửa phòng phẫu thuật nhưng không được vào bên trong vì đây là khu vực vô trùng.

- Bệnh nhân sẽ được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo cho việc thực hiện ca phẫu thuật, trước khi tiến hành gây mê hoặc gây tê. Nhân viên ekip mổ sẽ xác nhận lại thông tin với bệnh nhân trước khi thực hiện.

 

 

- Sau phẫu thuật, người bệnh được đưa đến phòng hồi tỉnh để theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật. Tại đây, bác sĩ và điều dưỡng sẽ theo dõi cho đến khi bệnh nhân tỉnh lại (nếu có gây mê) hoặc 2 chân cử động được (nếu gây tê tủy sống). 

- Khi bệnh nhân ổn định, phục hồi hoàn toàn về ý thức, chức năng vận động, cảm giác, phản xạ… nhân viên khu hồi tỉnh sẽ liên hệ chuyển bệnh nhân về phòng bệnh.

- Tùy theo tính chất của cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sau phẫu thuật có gắn ống dẫn lưu nhằm mục đích điều trị và theo dõi. Các ống này (nếu có) sẽ được rút sau phẫu thuật tùy theo diễn biến của bệnh nhân.

 

 

- Sau khi rời phòng hồi tỉnh, bệnh nhân được đưa về phòng bệnh. Điều dưỡng sẽ theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ, đánh giá mức độ đau và theo dõi các diễn tiến của bệnh nhân... để kịp thời thông báo cho bác sĩ khi có bất thường.

- Để tránh nguy cơ choáng dẫn tới té ngã sau phẫu thuật, bệnh nhân không nên tự ý rời khỏi giường mà nên nhờ sự trợ giúp của người thân và hướng dẫn của điều dưỡng. Mỗi buồng bệnh có hệ thống gọi điều dưỡng giúp bệnh nhân có thể sử dụng công cụ này được tiện lợi hơn.

- Sau phẫu thuật, trên cơ thể bệnh nhân có thể còn các ống dẫn lưu, ống dẫn nước tiểu… Điều dưỡng sẽ giải thích cho bệnh nhân về vai trò của các ống này. Nhằm đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất, điều dưỡng rất cần sự hợp tác của bệnh nhân và người nhà đối với các lưu ý về ống dẫn lưu.

 

 

- Đau nhiều ở vết mổ, đau bụng cấp, đau ở chi cấp tính

- Chảy máu vết mổ hoặc nôn ói hay đại tiện phân có máu

- Đi tiểu khó hoặc thấy không tiểu được. Không trung, đại tiện được kèm đau bụng

- Khó thở, đau ngực khi hít vào hoặc thở ra

- Buồn nôn ói mửa (thông thường do liệt ruột hoặc do tác dụng của thuốc mê)

- Bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.

 

 

- Các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để kiểm soát cơn đau sau thủ thuật, phẫu thuật đến mức thấp nhất cho bệnh nhân (nhưng không hoàn toàn hết đau). 

- Hãy báo ngay cho điều dưỡng hoặc bác sĩ điều trị tại khoa nếu bệnh nhân cảm thấy đau vượt ngưỡng chịu đựng sau phẫu thuật. 

- Điều dưỡng sẽ yêu cầu bạn phối hợp đánh giá ngưỡng đau theo thang đo từ 0 (không đau) đến 10 (rất đau) từ đó sẽ bác sĩ có bổ sung thuốc phù hợp để kiểm soát cơn đau. 

 

 

- Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân không được ăn hay uống trong một thời gian nhất định. Bác sĩ điều trị sẽ đánh giá cho y lệnh chế độ ăn uống phù hợp với từng loại phẫu thuật và bệnh lý đi kèm. Điều dưỡng tại khoa sẽ thông báo và hướng dẫn cụ thể khi nào bệnh nhân được phép ăn uống bình thường trở lại.

- Khi đã được phép ăn uống, bệnh nhân cần ngồi dậy khi ăn và uống để tránh nguy cơ bị hít sặc. Bệnh viện cung cấp suất ăn bệnh lý và theo nhu cầu phù hợp của bệnh nhân. Khi có yêu cầu về suất ăn bệnh nhân nên thông báo trao đổi với điều dưỡng để đề xuất chế độ ăn phù hợp nhất.

- Người nhà không nên mang thức ăn từ bên ngoài vào bệnh viện. Trong những trường hợp đặc biệt cần cung cấp suất ăn bên ngoài, bệnh nhân /người nhà cần thông báo cho điều dưỡng chăm sóc để được hỗ trợ.

- Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn vận động sớm nhất có thể để tăng khả năng hồi phục sau phẫu thuật.

 

 

- Bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ điều trị sẽ khám bệnh nhân mỗi ngày để đánh giá tiến độ hồi phục của  bệnh lý, tình trạng vết mổ và tiến triển hồi phục cho đến khi người bệnh xuất viện.

- bệnh nhân sẽ được thông báo về kết quả dự kiến ngày xuất viện, một số vấn đề cần thực hiện chăm sóc tại nhà, kế hoạch tái khám. 

- Ngày xuất viện, bệnh viện sẽ cung cấp các giấy tờ có liên quan bệnh lý như giấy ra viện, giấy tóm lược phương pháp điều trị, bảng thông tin tóm tắt về bệnh lý,…. Các giấy tờ này bệnh nhân phải bảo quản và mang theo trong những lần tái khám.

- Khi có vấn đề cần được tư vấn hỗ trợ: bệnh nhân/người nhà có thể liên hệ trực tiếp với nhân viên tại khoa điều trị để được hỗ trợ đầy đủ và tốt nhất hoặc số điện thoại của bác sĩ phẫu thuật trên tờ tóm tắt thông tin ra viện hoặc liên hệ với tổng đài Phương Châu số 1900 545466 để được hỗ trợ.

Trên đây là một số thông tin cơ bản có thể tham khảo nếu bạn hoặc người thân sắp trải qua cuộc phẫu thuật. Khi có những thắc mắc hay băn khoăn, bạn đừng ngần ngại liên hệ, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn nhiều nhất có thể.

Wildcard SSL