Hội chứng Stevens-Johnson: Không nên lơ là với những biểu hiện dị ứng đơn giản

Những nốt ban đỏ trên da, tình trạng da ửng đỏ, bong tróc vảy, bóng nước nhỏ, nốt lỡ loét... xuất hiện ở các hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng, họng, đường tiểu, âm hộ, âm đạo,… thường dễ bị bỏ qua khi chúng mới xuất hiện. Bệnh nhân thường chủ quan không đi khám hoặc chỉ tự đi mua thuốc uống. Nhưng không phải ai cũng biết rằng những triệu chứng đó có thể là khởi đầu cho một căn bệnh rất nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân. Đó là hội chứng Stevens-Johnson.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. CKII. Nguyễn Thị Thanh Hậu, Trưởng Khối Nội, Tập đoàn Y tế Phương Châu.

Hội chứng Stevens-Johnson rất dễ nhầm lẫn với những biểu hiện dị ứng đơn giản
Hội chứng Stevens-Johnson rất dễ nhầm lẫn với những biểu hiện dị ứng đơn giản

Trường hợp lâm sàng hội chứng Stevens-Johnson tại BVQT Phương Châu

Chị H. (1989) nhập viện BVQT Phương Châu trong tình trạng biến dạng toàn bộ khuôn mặt, dính mi mắt 2 bên, da đỏ và bong tróc toàn thân, sốt, mệt mỏi, lở toàn bộ niêm mạc miệng, tiểu gắt, tiểu khó, viêm loét âm hộ. Khó ai tưởng tượng ra rằng trước đó 10 ngày, chị ấy là một phụ nữ xinh đẹp, nhanh nhẹn và tháo vác.

Qua thăm khám, chị H. cho biết bệnh khởi đầu với các triệu chứng sốt. Chị tự đi mua thuốc không rõ loại uống thấy sốt có giảm nhưng không hết hẳn. Sau đó, chị phát hiện trên da có những nốt đỏ, bóng nước nhỏ kèm đau họng khi nuốt, vài bóng nước ở miệng. Nghĩ rằng chỉ là bị nổi mày day thông thường nên chị vẫn chị tiếp tục mua thuốc uống. Chỉ 2 đến 3 ngày sau, các bóng nước càng nổi nhanh, da toàn thân bong tróc.

Chị tiếp tục điều trị tại một phòng khám tư nhân, được chích thuốc, truyền dịch không rõ loại. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không cải thiện và ngày càng nặng. Lúc này, gương mặt đã bị tổn thương, biến dạng, dính hai mí mắt lở loét toàn thân. Chị và gia đình vẫn không biết mình bị mắc bệnh gì. Gia đình quyết định đưa chị đến BVQT Phương Châu để tìm rõ căn nguyên bệnh.

Chỉ trong chưa đầy 90 phút, chị đã được bác sĩ tại bệnh viện thăm khám, cho thuốc uống ban đầu và thực hiện cận lâm sàng. Kết quả chị H. được chẩn đoán mắc hội chứng Stevens - Johnson và có biến chứng nhiễm trùng huyết. Vậy hội chứng Stevens-Johnson là gì?

Hội chứng Stevens-Johnson là gì?

Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) là tình trạng tổn thương da nghiêm trọng. Hội chứng đặc trưng bởi những nốt ban đỏ trên da, nốt bóng nước, sau đó bong tróc. Những vùng da xung quanh mắt, cơ quan sinh dục và miệng là những vùng da dễ bị ảnh hưởng nhất. Đây là một bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, trong các trường hợp nặng, bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị.

Nguyên nhân mắc hội chứng Stevens – Johnson

Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến SJS là:

- Phản ứng dị ứng với thuốc (thuốc đang sử dụng, kể cả sử dụng trong một tháng trước đó). Phần lớn các thuốc đều có nguy cơ gây hội chứng Stevens -Johnson. Nhưng một số thuốc có nguy cơ gây bệnh cao hơn, đó là:

+ Một số kháng sinh như Penicillin, Cotrimoxazol, kháng sinh nhóm Sulfamid (Sulfasalazin, Sulfonamid).

+ Các thuốc chống động kinh, co giật: Carbamazepin, Phenytoin, Phenobarbital...

+ Thuốc điều trị gout: Allopurinol

+ Thuốc giảm đau - kháng viêm non-steroid (NSAIDS) như Ibuprofen, Naproxen, Meloxicam...

- Do nhiễm các virus như: virus Herpes (Herpes simple hoặc Herpes zoster), HIV, viêm gan A...

- Do các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn răng miệng.

+ Mắc các bệnh ký sinh trùng: sốt rét, trùng roi...

- Nhiễm nấm.

- Các bệnh về miễn dịch như lupus ban đỏ.

- Rối loạn nội tiết trong thời kỳ mang thai hoặc rối loạn kinh nguyệt.

Các triệu chứng thường gặp của Hội chứng Stevens - Johnson

+ Bệnh thường khởi đầu với cơn sốt cao đột ngột 39-40 độ C kèm theo đau đầu, mệt mỏi, viêm họng, viêm miệng. Viêm miệng là dấu hiệu sớm của bệnh. Mụn nước xuất hiện ở môi, lưỡi, niêm mạc miệng, xung quanh miệng. Các mụn nước này vỡ gây viêm miệng nặng kèm theo giả màng xuất huyết, tăng chảy nước bọt, loét miệng.

+ Ở da, xuất hiện các mụn, bọng nước, trợt da, xuất huyết ở mặt tay, chân. Sau đó, da xuất hiện các tổn thương ban đỏ toàn thân. Kèm theo đó là viêm ở một hoặc tất cả các hốc tự nhiên của cơ thể như miệng, mũi, kết mạc, niệu đạo, âm đạo, hậu môn...

+ Ở mắt xuất hiện viêm kết mạc hai bên, loét giác mạc.

+ Ở mũi có các triệu chứng viêm mũi, xung huyết, chảy máu mũi.

+ Có nhiều cơ quan bị ảnh hưởng, sự hoại tử xảy ra ở cả khí quản, phế quản, thận, ruột...

Nếu không kịp thời điều trị, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng, ngày càng nặng. Bệnh nhân có thể mệt mỏi, đau đớn, loạn nhịp tim, viêm màng cơ tim, khó thở, hôn mê, nhiễm trùng máu... và có thể dẫn đến tử vong.

Hội chứng Stevens - Johnson có phòng ngừa được không?

Hội chứng Stevens - Johnson là một bệnh hiếm gặp, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cần lưu ý:

- Phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý uống các thuốc không được kê đơn. Không sử dụng các đơn thuốc của người khác, không tự ý bỏ liều, ngừng sử dụng thuốc. Phải thông báo các dị ứng về thuốc, thức ăn của bản thân cho thầy thuốc biết. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy có bất kì triệu chứng bất thường nào, đặc biệt sốt cao, viêm miệng, bạn bên đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.

- Khám sức khỏe theo định kỳ để kiểm soát tình trạng sức khỏe.

- Chế độ dinh dưỡng phù hợp, uống đủ nước.

- Rửa tay trước khi ăn, khi chăm sóc những vùng da thương tổn.

- Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc hội chứng Stevens - Johnson như da phát ban, nổi bóng nước, viêm miệng... bạn nên đến ngay cơ cở y tế chất lượng để được chẩn đoán và điều trị tích cực, kịp thời, hạn chế tối đa nhưng biên chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Quý khách hàng có thể đặt lịch hẹn khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ tổng đài 1900 54 54 66 (nhấn phím 1) để được hỗ trợ.

Wildcard SSL