Hội chứng ruột kích thích: Lành tính nhưng gây nhiều phiền toái

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối chức năng ruột phổ biến. Không ít các bạn trẻ khi ăn vào thường bị đau bụng hoặc dễ bị tiêu chảy nhưng đi khám lại không tìm được nguyên nhân. Các biểu hiện trên có thể là dấu hiệu của IBS. Nguyên nhân gây IBS cho đến nay vẫn chưa được biết rõ. Bệnh thường tái đi tái lại nên gây ra không ít phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bài viết được cố vấn nội dung bởi BS. Nguyễn Minh Đức, Trung tâm nội soi - Phẫu thuật nội soi tiêu hóa Phương Châu.

Hội chứng ruột kích thích: Bệnh lành tính nhưng gây nhiều phiền toái
Hội chứng ruột kích thích: Bệnh lành tính nhưng gây nhiều phiền toái

1. Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở người trẻ tuổi

Hội chứng ruột kích thích (IBS - Irritable Bowel Syndrome) là các rối loạn chức năng của ruột già và cả ruột non. IBS là một bệnh mãn tính, thường tái đi tái lại nhiều lần nhưng xét nghiệm không thấy bất kỳ một tổn thương nào về giải phẫu, tổ chức học hoặc sinh hóa ở đường ruột.

Đây là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến với tỷ lệ mắc từ 5 - 20% dân số. IBS thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên và trung niên. Độ tuổi chiếm tỷ lệ mắc cao nhất là từ 30 – 49 tuổi. Nữ giới mắc nhiều hơn nam giới với tỷ lệ 1,6:1 [1]. Những người làm công việc văn phòng, học sinh, sinh viên, công nhân viên… thường xuyên căng thẳng, áp lực kéo dài cũng có tỷ lệ mắc IBS cao hơn.

2. Thường xuyên đau bụng và rối loạn tiêu hóa có phải là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích?

Không ít các bạn trẻ khi ăn vào thường bị đau bụng hoặc dễ bị tiêu chảy nhưng đi khám lại không tìm được nguyên nhân, nhất là sau mỗi lần lo âu hay căng thẳng. Đó có thể là do IBS. Các biểu hiện thường gặp của IBS bao gồm:

+ Đau bụng âm ỉ, thường không có vị trí xác định ít nhất 1 lần/tuần và kéo dài liên tục 3 tháng.

+ Cơn đau bụng sẽ tăng hoặc giảm khi đi tiêu.

+ Thay đổi số lần đi cầu: > 3 lần/ngày hoặc nhỏ hơn < 3 lần/tuần.

+ Thay đổi hình dạng của phân: lỏng, nhão, cứng.

Tuy nhiên, để chấn đoán chính xác IBS, bạn cần phải nội soi toàn bộ đại tràng để loại trừ các tổn thương khác như viêm loét đại tràng, polyp, thậm chí là ung thư đại tràng.

3. Hay lo âu, căng thẳng là yếu tố có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích

Hiện nay, nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các bác sĩ đã thống nhất các yếu tố liên quan có thể khiến bạn dễ mắc hội chứng này là:

+ Căng thẳng, lo âu kéo dài.

+ Chế độ ăn uống không điều độ hoặc loại thức ăn không phù hợp.

+ Thói quen thường xuyên uống rượu bia, cà phê, hút thuốc lá.

+ Dùng một số loại thuốc dễ gây rối loạn tiêu hóa như thuốc kháng sinh, kháng viêm.

Đây là các yếu tố rất khó thay đổi. Vì thế, IBS thường rất phổ biến, khó phòng tránh và rất dễ tái phát.

Nguyên nhân gây IBS vẫn chưa được biết rõ nhưng có liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài

4. Lối sống giảm căng thẳng và lo âu có thể giúp bạn phòng tránh hiệu quả hội chứng ruột kích thích

Theo các chuyên gia thì 50% kết quả quá trình điều trị được quyết định bởi thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng hợp lý, 50% còn lại là điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau đây từ bác sĩ nhé:

Lời khuyên giúp bạn thay đổi lối sống

+ Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng quá mức.

+ Có chế độ làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.

+ Từ bỏ các thói quen có hại như lạm dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá...

+ Thói quen tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện và nâng cao sức khỏe.

Bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý

+ Tránh sử dụng các loại thực phẩm gây kích ứng đường tiêu hóa. Nếu bạn ăn một loại thức ăn và bị đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa vài lần thì cần tránh ăn loại thức ăn đó nữa.

+ Không nên ăn nhiều các loại thực phẩm gây đầy hơi như nước uống có gas, bắp cải...

+ Không sử dụng thức ăn có nhiều gia vị mạnh, quá lạnh hoặc quá nóng.

+ Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây nếu có táo bón.

+ Tránh các loai thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo nếu có tiêu chảy.

+ Nên ăn uống điều độ, đúng giờ và không bỏ bữa.

Có cần phải sử dụng thuốc để điều trị IBS không?

Vì hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như thuốc chống co thắt, chống tiêu chảy, lợi khuẩn đường ruột, thuốc an thần...

Bạn cần chú ý quá trình điều trị phải lâu dài, thường tính bằng tháng, bằng năm nên cần sự kiên trì và phối hợp điều trị cùng bác sĩ để làm giảm triệu chứng cũng như hạn chế tái phát.

Trung tâm Nội soi - Phẫu thuật nội soi tiêu hóa Phương Châu tiếp nhận khám, chẩn đoán và điều hiệu quả các bệnh lý ở đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng, điều trị ung thư sớm, hội chứng ruột kích thích… Trung tâm có sự kết hợp giữa chuyên khoa Nội - Ngoại – Nội soi tiêu hóa cùng với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo bài bản về chuyên môn, hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp tầm soát và điều trị hiệu quả các bệnh lý ở đường tiêu hóa.

Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 (nhấn phím 1) để được hỗ trợ thông tin.

=====

1. Nguyễn Trường Sơn (2022), Đánh giá chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích, Tạp chí Y học Việt Nam tập 511, tháng 02, số 01, xuất bản 2022, trang 223-226.

Wildcard SSL