HỘI CHỨNG KHÁNG PHOSPHOLIPID VÀ THAI KỲ

BS. Liêu Tấn Hưng

Hội chứng kháng Phospholipid là gì?

Hội chứng Kháng Phospholipid là một bệnh mang tính chất hệ thống, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh có tính chất di truyền đồng thời cũng chịu tác động nhiều bởi yếu tố môi trường. Có thể hiểu nôm na, vì một lý do nào đó (cơ chế bệnh sinh chưa rõ) hệ miễn dịch của cơ thể thay vì tạo ra kháng thể chống lại các tác nhân ngoại lai như vi khuẩn, vi rút thì lại tạo ra kháng thể chống lại Phospholipid của cơ thể. Hậu quả là làm gia tăng tình trạng đông máu của người bệnh.

Hội chứng kháng Phospholipid biểu hiện như thế nào?

- Cục máu đông ở chân dẫn đến biểu hiện đau, sưng và đỏ.

- Đột quỵ có thể xảy ra ở một người trẻ tuổi mắc hội chứng Kháng Phospholipid nhưng không có yếu tố nguy cơ nào được biết đến đối với các bệnh tim mạch.

- Huyết khối gây thuyên tắc phổi.

- Các bệnh lý van tim

- Tấn công thiếu máu não thoáng qua (TIA)

- Phát ban

- Biến chứng thai kỳ, chúng có thể bao gồm: sẩy thai nhiều lần, thai chết lưu, sinh non, thai nhi chậm phát triển, huyết áp cao nguy hiểm khi mang thai (tiền sản giật)

Hội chứng kháng Phospholipid ảnh hưởng đến thai kỳ ra sao?

Biến cố thai sản là một trong các yếu tố giúp chẩn đoán Hội chứng Kháng Phospholipid:

- Có ít nhất một lần thai lưu không rõ nguyên nhân từ tuần thai thứ 10 trở lên (không phát hiện bất thường thai nhi đươc xác định bằng siêu âm hoặc thăm khám thai nhi)

- hoặc có ít nhất một lần sinh non không rõ nguyên nhân (không có bất thường thai nhi) trước tuần 34 thai kỳ do: (a) sản giật/tiền sản giật nặng, hoặc (b) có dấu hiệu suy tuần hoàn nhau thai 

- hoặc có ít nhất 3 lần sẩy thai ngẫu nhiên liên tiếp trước 10 tuần không do bất thường về giải phẫu hoặc về hormone của mẹ hoặc về nhiễm sắc thể

Từ đó có thể thấy Hội chứng Kháng Phospholipid có tác động to lớn đến tiền đồ thai sản cũng như kết cục thai kỳ.

Hội chứng kháng thể kháng Phospholipid có điều trị được không?

Rất tiếc Hội chứng Kháng Phospholipid (APS) không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ kiểm soát biến chứng. Điều trị bằng thuốc chống đông máu (làm loãng máu) có thể giúp ngăn ngừa cả cục máu đông và sảy thai. Các loại thuốc thường được sử dụng là aspirin, warfarin và heparin.

Lựa chọn thuốc tùy từng trường hợp cụ thể khác nhau:

- Aspirin: chẩn đoán APS nhưng không có tiền sử đông máu, bác sĩ có thể sẽ khuyên dùng aspirin liều thấp hàng ngày. Có tác dụng làm tế bào máu giảm kết cụm lại với nhau hơn.

- Warfarin:  nếu có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị cục máu đông. Ngoài ra dùng warfarin khi có tiền sử đông máu. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của warfarin trong quá trình điều trị là chảy máu. Cần được theo dõi chặt chẽ, làm các xét nghiệm đông máu thường xuyên.

Điều trị mẹ bầu bị Hội chứng kháng Phospholipid:

* Điều Trị Bằng Thuốc:

Khi mang thai, phương pháp điều trị thông thường là dùng aspirin liều thấp; tuy nhiên, thông thường, phụ nữ mang thai APS được tiêm heparin hàng ngày cũng như aspirin, đặc biệt là nếu sảy thai trước đó xảy ra vào giữa đến cuối thai kỳ hoặc nếu có các biến chứng thai kỳ khác như tiền sản giật.

Nếu đang điều trị bằng Wafarin sẽ được chuyển sang dùng Heparin để tránh tác dụng phụ trên thai nhi.

Khi bạn đang dùng thuốc làm loãng máu sẽ tăng nguy cơ chảy máu. 

* Điều Trị Hỗ Trợ Khác:

- Luyện tập thể dục

- Chế độ ăn uống và dinh dưỡng: Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh rất quan trọng đối với sức khỏe nói chung của bạn và có thể giúp ngăn ngừa bạn phát triển cục máu đông. 

- Ngừng hút thuốc: hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ đông máu.

- Không uống rượu.

- Không dùng thuốc tránh thai: thuốc tránh thai tăng nguy cơ đông máu.

- Nếu muốn sử dụng liệu pháp thay thế hormone sau thời kỳ mãn kinh, điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ cục máu đông vì vậy bạn nên thảo luận với bác sĩ.

- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kì đặc biệt ở các đối tượng như tiểu đường, huyết áp cao hoặc cholesterol cao.

- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kì và làm các xét nghiệm theo dõi cần thiết.

Wildcard SSL