HIỂU VỀ BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI B VÀ THAI KỲ

BS. Liêu Tấn Hưng, BS khoa Hậu sản, BVQT Phương Châu

Viêm gan siêu vi B là một dạng bệnh viêm gan do virus viêm gan siêu vi B (HBV) gây ra. Bệnh truyền nhiễm theo đường máu và sinh dục.

Nhiều thai phụ nhiễm viêm gan B thường lo lắng nguy cơ truyền nhiễm sang con. Cùng xem những thông tin dưới đây để hiểu rõ về căn bệnh này. Từ đó giải tỏa phần nào lo lắng và có cách phòng tránh hiệu quả.

1. Sau khi sanh, thai phụ bị viêm gan B (VGB) có cho bé bú được không?

Mẹ vẫn có thể cho con bú nếu ngay sau khi sanh trẻ được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống virus VGB 100 đơn vị. Sau đó trẻ sẽ được tiêm vaccine chống VGB theo công thức 3 mũi áp dụng cho trẻ sơ sanh (ngay sau khi sanh, tháng thứ 2 sau khi sanh, tháng thứ 3 sau khi sanh).

Khi trẻ được tiêm chủng ngừa VGB cũng sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm HBV từ tất cả các đường lây nhiễm khác. Khả năng bảo vệ trẻ khỏi lây nhiễm VGB là 90%.

Trong thời gian cho con bú, nếu mẹ bị VGB mắc các bệnh như: Vú nứt cổ gà, chảy máu, tổn thương vú thì không nên cho con bú trực tiếp vì như thế bé có thể sẽ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết huyết thanh của mẹ. Nên vắt sữa ra và xử lý sữa (đun sôi hoặc chưng cách thủy) trước khi cho bé bú.

2. Thai phụ bị VGB có được sanh thường được không?

Dĩ nhiên là được! Tuy nhiên nguy cơ lây truyền cho bé sẽ rất cao, sản phụ cần tầm soát sớm để có biện pháp phòng ngừa lây truyền hữu hiệu.

3. Thai phụ bị VGB tỷ lệ sanh bé bị lây truyền từ mẹ như thế nào?

- Tỷ lệ lây truyền siêu vi B từ mẹ sang bé tùy thuộc thời điểm

+ Nếu mẹ bị VGB vào 3 tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ mẹ truyền mầm bệnh cho con rất thấp, khoảng 1%.

+ Nếu mẹ bị mắc bệnh vào 3 tháng giữa thai kỳ thì tỷ lệ mẹ truyền mầm bệnh cho con lên đến 10%,

+ Nghiêm trọng hơn, nếu mẹ mắc bệnh vào giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ thì tỷ lệ mẹ truyền mầm bệnh cho con lên đến 60-70%. Như vậy, tỷ lệ người mẹ mang thai bị nhiễm virus VGB truyền sang cho thai nhi từ giai đoạn tháng thứ 3 trở đi là rất cao.

- Trong giai đoạn mang thai: Tỷ lệ lây truyền VGB từ mẹ sang con không quá 2%. Vì máu mẹ và bé được ngăn cách nhau bởi hàng ràu nhau thai, nếu không có chấn động thì tỷ lệ lây truyền từ máu mẹ sang bé không cao.

- Trong lúc chuyển dạ tỷ lệ hơn 90% các trường hợp lây nhiễm virus VGB từ mẹ sang con xảy ra trong giao đoạn này.

- Trong giai đoạn cho con bú: Khi các vấn đề tổn thương đầu vú của mẹ, tổn thương miệng của trẻ, huyết thanh chứa virus VGB tiếp xúc với máu của trẻ khi trẻ bú trực tiếp.

4. Bị bệnh VGB trước khi mang thai thì phải làm sao? Có cần tiêm ngừa VGB không?

Mang thai hoặc không mang thai thì khi đã nhiễm siêu vi VGB thì vaccine không còn ý nghĩa nữa.

5. Tiêm ngừa VGB mới tiêm lần 2 đã có thai, vậy có ảnh hưởng gì đến thai không?

Phụ nữ nên có thai sau khi tiêm ngừa VGB khoảng 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Nếu vừa tiêm ngừa VGB đã có thai thì nên dừng lại không tiêm mũi kế tiếp nữa. Và tốt nhất trong trường hợp này, thai phụ nên đến trung tâm y tế nơi mình đã/đang tiêm ngừa để được tư vấn về hiệu quả mũi tiêm cũng như thời gian phù hợp để tiêm mũi còn lại.

Bên cạnh đó, tuy vaccinee VGB không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng phụ nữ có thai cũng không nên tiêm vì hệ miễn dịch của người mẹ lúc này thường suy giảm, dẫn đến việc đáp ứng vaccinee không theo quy luật và khó đánh giá được hiệu quả bảo vệ của vaccine.

6. VGB ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ?

VGB là một bệnh lây truyền qua đường máu, dịch tiết. Nên khả năng lây từ mẹ sang bé là rất cao, đặc biệt trong giai đoạn chuyển dạ sanh. Bệnh cần được phát hiện sớm để có biện pháp dự phòng lây nhiễm thích hợp.

7. Khi mang thai 3 tháng mới đi xét nghiệm VGB dương tính thì có điều trị không?

Xác suất lây truyền siêu vi B từ mẹ sang bé phụ thuộc thời điểm mẹ bị nhiễm, nhiễm cấp hoặc mãn, mức độ hoạt động của virus. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang bé là thấp nhất và tỷ lệ đó tăng dần theo tuổi thai (do hàng rào phân cách nhau thai giữa mẹ và bé suy yếu), nên chỉ cần điều trị ở 03 tháng cuối thai kỳ.

8. Khi mẹ mang thai bị VGB sanh bé ra có cách nào để phòng ngừa VGB cho bé không?

Trong vòng 12-24 giờ sau sanh, tiêm ngừa vaccine VGB có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con.

Ngoài tiêm sớm 01 mũi vaccine VGB để tạo ra miễn dịch chủ động, trẻ có mẹ dương tính với HBsAg còn cần tiêm 1 mũi Globulin miễn dịch VGB ( HBIG) là một miễn dịch thụ động giúp trung hòa virus VGB trong khi chờ tác dụng của vaccine VGB.

Hai mũi tiêm ở hai vị trí khác nhau trong vòng 12 giờ đầu sau sanh. Tiêm vaccine mũi 2 khi trẻ được 2 tháng, mũi 3 khi trẻ được 4 tháng, mũi 4 khi trẻ được 6 tháng. Tỷ lệ phòng ngừa lây truyền VGB cho trẻ có mẹ dương tính HBsAg, khi tiêm HBIG trong vòng 12 giờ đầu sau sanh và 3 - 4 liều vaccine hiệu quả từ 85-95%.

9. Thai phụ bị VGB, bé sau sanh đã tiêm huyết thanh viêm gan có nên cho bú mẹ hoàn toàn không?

Cho dù tiêm huyết thanh viêm gan thì bé bú mẹ hay bú bình khả năng lây bệnh vẫn như nhau.

Tâm lý hoang mang, lo lắng là điều không thể tránh khỏi khi mẹ bầu biết mình bị viêm gan B. Điều quan trọng cần làm là mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ, làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hi vọng bài viết trên mang lại kiến thức bổ ích để các mẹ bầu hiểu đúng về VGB và có cách chăm sóc tốt nhất cho cả hai mẹ con.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ gia đình các thông tin cần thiết.

Wildcard SSL