HIỂU CƠ BẢN VỀ VIRUS SARS-CoV-2 & NHỮNG TÁC ĐỘNG LÊN THAI KỲ

BS.CKI. Huỳnh Ngọc Nguyên Khánh – chuyên khoa Nội Hô hấp, BVQT Phương Châu

Thai phụ là những người cần phải rất cẩn trọng tự bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mình trong mùa đại dịch này. Bởi virus Sars-CoV-2 sẽ không bỏ qua một ai nếu chúng được phát tán mầm bệnh qua những con đường rất dễ lây như: giọt bắn, tiếp xúc, không khí.

* Phương thức lây truyền của vius này như thế nào?

- Nguồn tác nhân: virus trong hệ hô hấp của người bệnh.

- Phát tán mầm bệnh qua giọt bắn đường hô hấp.

- Đường lây:

+ Giọt bắn

+ Tiếp xúc: bề mặt xung quanh (viết, bàn phím, chuột, điện thoại, máy tính bảng…), hành vi sờ chạm vào mắt mũi miệng…

+ Không khí: hiện chưa có bằng chứng virus SARS-CoV-2 phát tán trong không khí (theo WHO), tuy nhiên có thể lây lan trong phòng kín thông qua hệ thống máy lạnh trung tâm

Khả năng sống sót của virus SARS-CoV-2 trên các bề mặt:

Không khí

3 giờ

Đồng

4 giờ

Bìa carton

1 ngày

Thép

3 ngày

Nhựa

3 ngày

* Cơ chế gây bệnh:

Virus SARS-CoV-2 gắn vào tế bào người bệnh qua thụ thể ACE2 nằm trên màng tế bào, gây bệnh thông qua cơ chế viêm, phá hủy biểu mô phế nang, đông máu và “cơn bão cytokine”.

* Tổng quan một số thông tin về virus SARS-CoV-2 và thai kỳ:

- Thai kỳ là yếu tố nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 do tăng số lượng thụ thể ACE2 (*) trong cơ thể. Đây là nơi mà virus bám vào trên bề mặt tế bào, từ đó xâm nhập và gây bệnh.

- Thai phụ khi đã nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ tăng nguy cơ có triệu chứng và COVID thể nặng.

- Đầu tam cá nguyệt 1 và trong tam cá nguyệt 3, cơ thể thai phụ có đáp ứng miễn dịch để làm tổ và chuyển dạ; còn trong giai đoạn hậu sản sẽ có tình trạng viêm và stress sau sinh, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ COVID nặng do cơn bão cytokine, suy hô hấp trên cơ thể người mẹ sau sinh.

* Phòng ngừa mắc COVID-19 ở thai phụ như thế nào?

- Ngoài việc tuân thủ 5K thì vắc xin là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất trong đại dịch COVID-19 này.

- Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam, tiêm vắc xin cho thai phụ từ tuần thai 13 trở lên.

- Các loại vắc xin được cấp phép tại Việt Nam đều có thể sử dụng cho thai phụ, TRỪ vắc xin Sputnik V (Nga), với nguyên tắc “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Thời gian giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Đối với người cho con bú: có thể tiêm lúc nào cũng được. Thời gian giữa 2 mũi tiêm vẫn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Các nghiên cứu cho thấy kháng thể có thể qua nhau thai và sữa mẹ nên có thể bảo vệ bé.

* Ảnh hưởng của COVID-19 lên thai phụ và thai kỳ: 

Đối với thai phụ:

- Tăng nguy cơ nhập hồi sức tích cực và sử dụng ECMO

- Tăng nguy cơ có triệu chứng và suy hô hấp nặng

- Tử vong

- Thai phụ có béo phì và/hoặc đái tháo đường thai kỳ: tăng nguy cơ diễn tiến nặng

Đối với thai kỳ:

- Tăng nguy cơ tiền sản giật

- Tăng nguy cơ sinh non

- Tăng nguy cơ thai chậm tăng trưởng

- KHÔNG làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh

* Nguy cơ lây truyền COVID-19 từ mẹ sang thai nhi hoặc trẻ sơ sinh:

Từ mẹ sang thai: cho đến hiện nay, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy:

- Khả năng lây truyền qua bánh nhau rất thấp

- Trong các mẫu xét nghiệm bánh nhau, máu cuống rốn, nước ối, dịch âm đạo: phần lớn âm tính với virus SARS-CoV-2

Từ mẹ sang trẻ sơ sinh:

- Các nghiên cứu cho thấy trong sữa mẹ không chứa virus SARS-CoV-2 (đối với sản phụ bị nhiễm COVID-19)

- Đường lây truyền từ mẹ sang trẻ sơ sinh vẫn là giọt bắn từ đường hô hấp của mẹ bị nhiễm COVID-19

(*) ACE2 là gì? Các nhà nghiên cứu nhận thấy virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào phổi thông qua các men chuyển angiotensin 2 (Angiotensin-Converting Enzyme 2- viết tắc là ACE2) nằm trên bề mặt tế bào phổi.

* Tài liệu tham khảo:

1. SARS-CoV-2: đại cương, phương thức lây truyền, cơ chế gây bệnh - TS.BS. Huỳnh Minh Tuấn, Bộ môn Vi sinh, Đại học Y Dược TPHCM

2. Sinh bệnh học COVID-19 và cơn bão Cytokines - GS.TS. Đinh Xuân Anh Tuấn, Bệnh viện Cochin, Paris

3. COVID-19 và phụ nữ mang thai - PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Trưởng BM Phụ Sản, Đại học Y Dược TP.HCM

Wildcard SSL