Hen (suyễn) là tình trạng viêm đường thở mạn tính, kết hợp với tăng phản ứng của đường dẫn khí, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp (khò khè, thở ngắn, nặng ngực và ho), có thể phục hồi tự nhiên hay do điều trị.

YẾU TỐ NGUY CƠ DẪN ĐẾN HEN PHẾ QUẢN
Có 2 yếu tố nguy cơ chính dẫn đến hen phế quản là yếu tố chủ thể (cơ địa bệnh nhân) và yếu tố môi trường.
Yếu tố chủ thể:

  • Yếu tố di truyền như cha hoặc mẹ bị hen phế quản thì nguy cơ con bị hen là 25%, còn nếu cả cha và mẹ đều bị hen phế quản thì nguy cơ của con sẽ là 50%.
  • Cơ địa dị ứng: tỷ lệ bệnh nhân hen phế quản có cơ địa dị ứng trong dân số là 50%.
  • Giới tính: ở trẻ em thì trẻ trai có nguy cơ mắc hen phế quản hơn trẻ gái do bé trai có nhiều yếu tố bẩm sinh thuận lợi cho sự phát triển hen. Nhưng ở người lớn sau 20 tuổi thì phụ nữ dễ mắc hen phế quản hơn.
  • Chủng tộc: người ta nhận thấy những người có nguồn gốc ở Anh hoặc Australia, cho dù sống tại các nước đó hay di cư ra nước ngoài thì tỷ lệ hen phế quản ở nhóm người này cao hơn nhóm người khác.

Yếu tố môi trường: con mạt nhà, dị nguyên súc vật nuôi (mèo, chó, chuột), gián, nấm mốc, phấn hoa, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, sơn, hóa chất, nước hoa, chất xịt phòng, nhiễm trùng đường hô hấp, béo phì, gắng sức,…
THUỐC CẮT CƠN VÀ THUỐC DỰ PHÒNG HEN PHẾ QUẢN:
Trẻ bị hen phế quản cần được khám chuyên khoa hô hấp để được điều trị kịp thời và đúng đắn. Có 2 nhóm thuốc dùng trong điều trị hen phế quản là thuốc cắt cơn hen và thuốc dự phòng hen.
Thuốc cắt cơn: thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh dạng xịt hay dạng khí dung, có tác dụng dãn phế quản nhanh, làm giảm co thắt đường thở nhanh chóng, giúp trẻ dễ thở hơn. Đây là loại thuốc trẻ cần mang theo bên mình và phải biết cách sử dụng nếu trẻ đã lớn, còn trẻ nhỏ thì người trông nom chăm sóc trẻ phải biết sử dụng (như cha mẹ, ông bà hay cô giáo giữ trẻ) để có thể xử trí kịp thời khi trẻ lên cơn hen.
Thuốc dự phòng: là thuốc không phải trẻ em bị hen nào cũng sử dụng mà chỉ một số trẻ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng khi trẻ cần được điều trị dự phòng.
DẤU HIỆU GỢI Ý TRẺ CÓ THỂ BỊ BỆNH HEN PHẾ QUẢN:

  • Ho khan tái đi tái lại hoặc dai dẳng, có thể trở nặng về đêm hoặc đi cùng với một ít khò khè và khó thở. Ho xảy ra với vận động, cười, khóc hoặc tiếp xúc khói thuốc lá.
  • Khò khè tái đi tái lại, bao gồm lúc ngủ hoặc khò khè khi hoạt động, cười, khóc hoặc tiếp xúc khói thuốc lá, ô nhiễm không khí.
  • Thở khó hoặc thở nặng hoặc thở hụt hơi xảy ra với vận động, cười hoặc khóc.
  • Bản thân trẻ hoặc tiền sử gia đình có bệnh dị ứng (viêm da dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng), hen ở bà con trực hệ.
  • Điều trị thử thuốc dự phòng hen (bác sĩ chuyên khoa chỉ định) thì có cải thiện triệu chứng trong 2-3 tháng điều trị và trở nặng khi ngưng điều trị.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ LÊN CƠN HEN PHẾ QUẢN:
Trẻ có thể lên cơn hen phế quản bất kì lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Trẻ vật vã, thở gấp, khò khè, co kéo các cơ hô hấp như rút lõm lồng ngực (phần giao giữa ngực và bụng bị rút lõm xuống), co lõm hõm ức (phần phía trên xương ức bị rút lõm), có thể phải ngồi hay cúi người ra phía trước để dễ thở hơn, bé nói đứt quãng hoặc không nói được, ăn, bú kém hay bỏ bú, tím môi,…
LÀM GÌ KHI TRẺ LÊN CƠN HEN PHẾ QUẢN?

  • Để trẻ nghỉ ngơi, không khí thoáng
  • Xịt 2-4 nhát Salbutamol MDI, có thể lặp lại mỗi 20 phút
  • Nếu sau 3 liều Salbutamol MDI vẫn không có tác dụng, trẻ vẫn còn khó thở nhiều, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay.

https://lh3.googleusercontent.com/-SzzgzkCxp-M/V39wgEIfb2I/AAAAAAAALGI/t4OTqjMeShIVTNKNUKFznvw9Y-isY1pCgCCo/s800/HENPHEQUAN2..jpg


Tóm lại, cần nghĩ đến hen phế quản khi trẻ có ho, khò khè tái đi tái lại, bản thân trẻ hoặc gia đình có bệnh dị ứng, trẻ bị lên cơn hen phế quản với các biểu hiện như đã nêu trên hay trẻ có đáp ứng với thuốc dự phòng thử. Khi được chẩn đoán hen phế quản, việc tuân thủ điều trị rất quan trọng nhằm kiểm soát hen, để trẻ có thể sinh hoạt, học tập, hoạt động thể lực và gắng sức bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để hạn chế lên cơn hen cần tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen (yếu tố môi trường) và đặc biệt là tuân thủ thuốc điều trị dự phòng khi đã được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
 

BS.Võ Hồng Phượng


Tài liệu tham khảo:

  1. Bạch Văn Cam, Trần Anh Tuấn, “Điều trị cơn suyễn”, Phác đồ điều trị Nhi khoa bệnh viện Nhi đồng 1 năm 2013, trang 726-735.
  2. Bạch Văn Cam, “Phòng ngừa suyễn”, Phác đồ điều trị Nhi khoa bệnh viện Nhi đồng 1 năm 2013, trang 736-741.
  3. Hồ Thị Tâm, “Hen phế quản trẻ em”, Nhi khoa chương trình đại học tập 1, trang 333-354.
  4. Gina 2014, trang 83-99.
Wildcard SSL