Hen phế quản: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng ngừa

Hen phế quản (hen suyễn) là bệnh viêm mạn tính của đường thở. Những cơn hen cấp có thể xuất hiện đột ngột, làm cho bệnh nhân mệt khó thở và lo lắng, hoảng sợ. Đợt cấp hen phế quản là một tình trạng cấp cứu và có thể dẫn tới tử vong.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. CKI. Huỳnh Ngọc Nguyên Khánh, Khoa Nội, BVQT Phương Châu.

Cần làm gì để sống khỏe cùng bệnh hen phế quản
Cần làm gì để sống khỏe cùng bệnh hen phế quản

Bệnh hen phế quản (hen suyễn) là gì?

Hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là bệnh viêm mạn tính của đường thở thường gặp. Bệnh biểu hiện bởi các triệu chứng như: khò khè, khó thở, nặng ngực, ho (nhất là về nửa đêm đến gần sáng). Nó làm giới hạn vận động, sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, đợt cấp hen phế quản là một tình trạng cấp cứu và có thể dẫn tới tử vong.

Các yếu tố khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng hen bao gồm:

+ Nhiễm siêu vi.

+ Tiếp xúc với chất gây dị ứng trong nhà và nơi làm việc (bụi, phấn hoa, gián…).

+ Khói thuốc lá.

+ Tập thể dục gắng sức.

+ Căng thẳng.

Bệnh hen suyễn có thể chữa khỏi được không?

Hen suyễn là một bệnh lý mãn tính và nhiều trường hợp không điều trị khỏi hoàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát tốt để giảm bớt những cơn hen cấp xuất hiện. Việc kiểm soát tốt bệnh hen giúp cho bệnh nhân:

+ Không có hoặc có rất ít triệu chứng.

+ Không cần dùng thuốc cắt cơn.

+ Sinh hoạt như người khỏe mạnh (làm việc, tập thể thao bình thường).

+ Chức năng phổi gần như bình thường.

+ Không bị đợt cấp hen phế quản.

Làm thế nào để biết mình bị hen phế quản?

Bệnh hen phế quản được chẩn đoán dựa vào 2 tiêu chí:

+ Bệnh sử/tiền sử có các triệu chứng hô hấp điển hình: khò khè, khó thở, nặng ngực và ho.

+ Đo chức năng hô hấp có test dãn phế quản dương tính.

Bệnh nhân hen phế quản cần làm gì để giữ sức khỏe tốt?

- Tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật sử dụng các bình phun hít thuốc hiệu quả từ bác sĩ.

- Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ: khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, than, khí độc…

- Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào. Nếu chưa từng hút thuốc thì bạn không nên thử hút dù chỉ một lần.

- Tập thể dục vừa sức mỗi ngày.

- Xác định dị nguyên (tác nhân gây dị ứng, khởi phát cơn hen) của mình càng sớm càng tốt và tránh tiếp xúc với nó.

Bệnh hen phế quản ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?

Phụ nữ có thai dù không có tiền sử hen trước đó cũng có thể khởi phát cơn hen phế quản, gọi là hen phế quản thai kỳ. Việc kiểm soát hen trên thai phụ thường khó khăn hơn. Tuy nhiên, kiểm soát hen tích cực đã được chứng minh có lợi ích vượt trội trên mẹ và bé. Vì thế, thai phụ đã có tiền sử hen trước đó hoặc mới khởi phát các triệu chứng ho, khò khè, khó thở cần đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Đa Khoa Phương Châu là địa chỉ tin cậy trong khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hô hấp thường gặp như hen phế quản, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm với chiến lược điều trị cá thể hóa phù hợp cho từng bệnh nhân. Để giúp chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả các bệnh lý ở đường hô hấp, chúng tôi đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy siêu âm, máy nội soi tai mũi họng, hệ thống X-quang, máy chụp cắt lớp 64 dãy...

Đa khoa Phương Châu tiếp nhận khám và điều trị bệnh hen phế quản
Đa khoa Phương Châu tiếp nhận khám và điều trị bệnh hen phế quản

Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ thông tin.

Wildcard SSL